Nhường ghế cho “người già”
Trước và sau phiên họp ĐHCĐ thường niên 2015 của VNM, thông tin về nhân sự cấp cao của Công ty đã rất nóng. Nóng bởi vì bà Mai Kiều Liên, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNM đã đến tuổi nghỉ hưu và bà là một trong những người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty nhưng không cùng “thuyền” với cổ đông lớn nhất này.
Từ kỳ đại hội năm 2012, câu chuyện tìm người thay thế bà Liên đã được đặt ra. Vài ngày trước khi đại hội diễn ra, những người trong cuộc ngỡ rằng, một cuộc “đảo chính” sẽ thành, tuy nhiên, uy tín và lực của bà Liên rất mạnh, bởi vậy cuộc đảo chính bất thành. Gọi là cuộc đảo chính bởi yếu tố bất ngờ và ít người biết trước của nó.
Năm nay, những gì ồn ào trong và ngay sau đại hội liên quan đến nữ tướng VNM lại bùng lên. Ngỡ rằng sau đại hội, với sự ủng hộ của nhiều cổ đông, bà Liên sẽ tiếp tục đảm nhận “ghế nóng” ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2016. Tuy nhiên, đến cuối tuần qua, thông tin VNM công bố về việc bà Liên rời chức Chủ tịch của công ty này, thay vào đó là bà Lê Thị Băng Tâm khiến thị trường bất ngờ.
Bất ngờ ở chỗ, lý do được Hội đồng quản trị công ty này đưa ra là bà Liên đã đến tuổi nghỉ hưu, do vậy không còn là người đại diện cho SCIC tại VNM. Nhưng bà Tâm, tân Chủ tịch VNM lại quá tuổi nghỉ hưu hơn, cụ thể bà Tâm hơn bà Liên 6 tuổi.
Bà Tâm là quan chức Chính phủ về hưu và hiện đang ngồi ghế Chủ tịch HDBank. Trong khi đó, tuy đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng bà Liên còn rất phong độ. Còn theo nhận xét của nhiều người đã làm việc cùng bà, đây là người vừa giỏi về chuyên môn ngành sữa, vừa giỏi về thị trường.
Thấy gì sau cuộc đổi ngôi?
Bà Lê Thị Băng Tâm được bầu làm thành viên HĐQT độc lập VNM hồi tháng 4/2013 là do các cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài và trong nước, trong đó có 3% cổ đông là các CBCNV bầu chọn. Có lẽ đây là điểm mạnh lớn nhất đưa bà đến chiếc ghế Chủ tịch VNM bởi giữa “cuộc chiến” ngầm đang diễn ra tại DN này, về mặt hình thức, bà không nghiêng về bất cứ nhóm cổ đông lớn nào.
Việc bà Tâm nắm ghế Chủ tịch là để hoạt động của VNM được tiếp tục và để “thế hệ người kế cận có dịp để trưởng thành nhanh hơn trong vai trò mới”, thông báo của VNM chia sẻ. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy, với sự thay đổi này, cục diện tại VNM sẽ ít có thay đổi. Mặc dù không còn giữ chức Chủ tịch, bà Mai Kiều Liên vẫn là Tổng giám đốc của VNM, đồng thời là thành viên HĐQT. Tuy không ngồi ghế cao nhất tại VNM, nhưng theo điều lệ công ty này, người đại diện theo pháp luật của VNM là Tổng giám đốc, bởi vậy “thực quyền” tại VNM theo giới quan sát vẫn trong tay bà Liên.
Bỏ lại phía sau những gì đang diễn ra, câu chuyện lớn hơn mà cổ đông VNM và giới đầu tư quan tâm lại là người kế nhiệm bà Liên. Thời gian sẽ không chừa một ai, tới đây khi bà Liên nghỉ, ai là người sẽ thay thế bà? Người ta chưa nhìn thấy một gương mặt nào sáng giá đủ tầm tại VNM để kế cận bà Liên.
Nhìn rộng hơn, câu chuyện người kế cận tại các DN lớn của Việt Nam là vấn đề rất đáng suy ngẫm. Đơn cử tại CTCP Dược Hậu Giang, bà Phạm Thị Việt Nga đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưn bà còn ở lại DN để lớp kế cận có bước đệm trưởng thành. Hiện DHG và bà Nga đã tìm được người kế nhiệm, tuy nhiên, theo một cổ đông lớn của DHG, nhân vật này cũng chưa thật sự thuyết phục.
Còn với các tập đoàn lớn của Việt Nam, câu chuyện chọn người kế nhiệm, đặc biệt là trước các sự kiện tiêu cực có tính bất ngờ lại càng “có nhiều điều đáng nói”.
Trước đây, sau vụ lùm xùm liên quan đến những sai phạm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2012, nguyên Chủ tịch Đào Văn Hưng bị cách chức, khi đó Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, đã phải sang đảm nhận chức Chủ tịch HĐTV, mãi tới đầu năm nay, ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN mới được bổ nhiệm giữ chức vụ trên, để ông Vượng trở lại ghế Thứ trưởng.
Nay câu chuyện tương tự có thể xảy ra với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn vướng vòng lao lý, ai sẽ đảm nhận việc chèo lái con tàu này? Công chúng và giới đầu tư chưa thấy được gương mặt nào sáng giá. Liệu lần này, Chính phủ có phải điều một quan chức về để có thể đảm nhận ghế nóng tại PVN một cách êm đẹp?