Gạch xi măng cốt liệu sẽ là vật liệu của tương lai

Gạch xi măng cốt liệu sẽ là vật liệu của tương lai

Tìm lối ra cho gạch không nung

(ĐTCK) Dù được kỳ vọng nhiều về việc thay thế gạch đỏ truyền thống, nhưng gạch không nung vẫn đang gặp phải không ít khó khăn khi chen chân vào các công trình. TS. Nguyễn Ngọc Lâm, giảng viên Khoa Vật liệu xây dựng, Trường đại học Xây dựng Hà Nội trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản xung quanh vấn đề này. 

Theo ông, tại sao gạch không nung có nhiều ưu điểm, giá rẻ nhưng lại chưa được sử dụng nhiều?

TS. Nguyễn Ngọc Lâm

Rào cản lớn nhất hiện nay khiến gạch không nung chưa thực sự phổ biến, chưa được sử dụng đại trà trong dân chính bởi nhận thức, nó quyết định phần lớn đến việc lựa chọn sản phẩm.

Từ trước tới nay, người dân vẫn có thói quen sử dụng gạch đỏ, để từ bỏ được thói quen này cần nhiều thời gian. Trong khi đó, gạch không nung mới bắt đầu phát triển chưa lâu. Ở giai đoạn đầu, các nhà máy nhiều khi chưa tuân thủ tốt các quy trình về sản xuất, dưỡng hộ sản phẩm, chưa hoàn thiện, chưa tiếp cận đầy đủ công nghệ sản xuất, dẫn đến có sự cố như nứt, thấm. Từ một vài trường hợp, người dân truyền tai nhau tạo nên hiệu ứng về mặt tâm lý, dẫn đến sự e ngại với sản phẩm.

Tuy nhiên, theo thời gian, các đơn vị sản xuất gạch không nung đã được đào tạo về kiến thức sản xuất, quy trình công nghệ hoàn thiện hơn, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn nhiều, nên theo tôi thấy, đã có được những sự thay đổi trong nhận thức của người dân về loại vật liệu này.

Hãy lấy ví dụ với gạch xi măng cốt liệu. Cần có những chú ý gì với sản phẩm và cách thức thi công không?

Bản chất của gạch xi măng cốt liệu là sử dụng xi măng, nên có sự co ngót. Do đó, chú ý đầu tiên là trong quá trình sản xuất phải đảm bảo cho gạch ổn định về cường độ, độ co ngót sau này, nếu không làm được, thì khi xây dựng thành khối xây sẽ gây nứt ở mạch vữa và ở gạch. Tức đầu tiên phải chú ý đảm bảo chất lượng gạch.

Tiếp theo, khi thi công các bức tường lớn quá thì phải có nẹp, các đoạn chia cách để tránh gây nứt. Khoảng cách tối ưu cho một bức tường là từ 5 m trở xuống. Nói nôm na là chia nhỏ nhịp tường để giảm việc ảnh hưởng của co ngót sản phẩm, dẫn đến sự nứt, vỡ.

Thật ra, với gạch xi măng cốt liệu cũng không cần thiết phải xử lý đặc biệt, chỉ cần chú ý các điểm tiếp giáp tường, cột, có thêm các nẹp để sản phẩm có thể co ngót được. Với gạch xi măng cốt liệu, thì quy trình xây dựng gần như gạch đỏ.

Có ý kiến cho rằng, khí hậu miền Bắc không thích hợp lắm cho gạch không nung, điều này có đúng?

Khí hậu nước ta là khí hậu nhiệt đới, mưa ẩm và không có sự khác biệt lớn giữa hai miền Nam - Bắc. Có điều, trong quá trình sản xuất gạch xi măng cốt liệu cần lưu ý nhiều về thời tiết. Nếu là thời điểm mưa ẩm nhiều, thì công tác dưỡng hộ ít đi, thời gian ngắn hơn. Nếu vào thời điểm nắng nóng, độ ẩm thấp thì thời gian dưỡng hộ lâu hơn.

Cần hiểu rằng, gạch xi măng cốt liệu có đặc thù riêng. Không như gạch đỏ, sau khi ra lò có thể sử dụng ngay, gạch xi măng cốt liệu cần thời gian dưỡng hộ để ổn định độ co ngót. Nói cách khác, gạch cần được nuôi trong điều kiện thích hợp và khi đã ổn định mới có thể sử dụng và đảm bảo chất lượng.

Tìm lối ra cho gạch không nung ảnh 2

Ảnh: Thành Nguyễn

Thông thường, gạch xi măng cốt liệu sau khi tạo hình khoảng 28 ngày thì đảm bảo an toàn, chất lượng để sử dụng. Thậm chí, nếu có công nghệ dưỡng ẩm tốt, thì có thể rút ngắn thời gian bảo dưỡng, để gạch phát triển ổn định. 14 ngày đầu tiên thường là giai đoạn gạch phát triển nhanh, mạnh nhất, sau đó dần ổn định và ít co ngót.

Theo ông, thời gian tới, gạch xi măng cốt liệu có cải tiến gì nữa không?

Hiện nay, tôi thấy các sản phẩm cũng đang được đa dạng hóa hơn. Các doanh nghiệp đã linh hoạt hơn trong việc đáp ứng yêu cầu từ thực tế thi công, tiến tới cải thiện hình dạng, kích thước gạch cho thích hợp với thói quen, khả năng thi công. Ví dụ gạch block cần có đủ lớn để thi công nhanh, nhưng phải đủ nhỏ để người thi công tốt, bởi nặng quá thì ảnh hưởng đến công tác thi công.

Ngoài ra, về nguyên liệu, thời gian tới việc thay thế nguyên liệu bằng các phế phẩm như tro bay, xỉ sẽ phổ biến hơn. Tro bay có nhiều tác dụng, là phế phẩm giải quyết được bài toán môi trường, có đặc tính có thể cải thiện cường độ, khả năng chống thấm của gạch. Bởi nguyên nhân dẫn đến việc gạch bị thấm là vì các hạt đá lớn, rỗng tạo nên khe hở. Trong khi tro bay nhỏ và mịn sẽ điền đầy các lỗ rỗng đó, giúp tăng cường độ (khả năng chịu lực) và chống thấm cho gạch.

Nhưng dường như việc sử dụng tro bay còn gặp không ít cản trở?

Đúng vậy, vấn đề hiện tại nằm ở chính sách. Nhiều khi giá thành vận chuyển tro bay về nhà máy cũng lớn, đắt khiến nó trở thành rào cản trong việc sử dụng tro bay làm nguyên liệu cho sản xuất gạch không nung. Theo tôi, chúng ta cần có chính sách, ví dụ hỗ trợ tiền vận chuyển để đưa tro bay, xỉ than từ nhà máy đến cơ sở sản xuất, vừa giúp giải quyết bãi chứa, môi trường cho các nhà máy nhiệt điện, vừa tạo nguồn cung tốt về nguyên liệu, nâng cao chất lượng cho sản phẩm cho gạch không nung.

Là chuyên gia về vật liệu xây dựng, ông nhìn nhận gì về tiềm năng của gạch không nung ở Việt Nam?

Theo tôi, sản phẩm này sẽ phát triển, các công trình sử dụng vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng gạch không nung, đó là về mặt chính sách.

Về mặt kỹ thuật, gạch không nung có đóng góp lớn, giải quyết được về kỹ thuật, chất lượng, dần tạo lòng tin cho người dùng. Gạch xi măng cốt liệu chỉ là một trong nhiều sản phẩm gạch không nung.

Chẳng hạn, gạch bê tông khí chưng áp cũng có nhiều ưu điểm, khối lượng chỉ bằng 1/4 gạch thông thường, trong khi khả năng chịu lực tương đương, nhưng vì kỹ thuật thi công chưa được phổ biến tốt, nên còn gây hạn chế. Điều này cũng diễn ra tương tự với tấm tường Acotec.

Vậy, theo ông, đâu là lối ra cho sản phẩm gạch không nung?

Vai trò của việc truyền thông là rất quan trọng. Bởi như đã nói, gạch nung ra lò là dùng được ngay, nhưng gạch không nung phải dưỡng hộ. Tuy nhiên, để nhận biết thì rất khó, gạch mới sản xuất 3 ngày cũng giống gạch sản xuất lâu, đã dưỡng hộ xong, ổn định. Đây là cái khó khiến chất lượng gạch phụ thuộc nhiều vào các nhà máy. Nếu mua phải gạch non hoặc gạch của các cơ sở nhỏ lẻ, thì khả năng sự cố  sẽ cao.

Theo tôi, công tác truyền thông phải đồng thời kết hợp 3 khối: Nhà làm chính sách, nhà sản xuất, các cơ quan truyền thông. Bởi trên thực tế, câu chuyện hiện tại của thị trường gạch không nung là người bán hàng chỉ tập trung giới thiệu được ở các công trình, tới các chủ đầu tư dự án vốn nhà nước. Còn người dân thì lại chỉ tìm hiểu khi có nhu cầu xây dựng và hiểu biết sơ sài, nhiều khi hiểu chưa đúng, chưa hiểu đúng về thi công, về sự khác biệt giữa sản phẩm của doanh nghiệp lớn và các cơ sở nhỏ lẻ. Với các doanh nghiệp lớn, sản phẩm có cường độ cao, chịu lực tốt, trong khi với các cơ sở nhỏ lẻ, gạch sẽ không có được điều này.

Nói chung, vai trò của truyền thông cho gạch không nung ở giai đoạn này là vô cùng quan trọng, bởi đây là giai đoạn giáo dục thị trường.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan