Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc giảm số lượng ngân hàng là cần thiết

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc giảm số lượng ngân hàng là cần thiết

Tìm lời giải cho bài toán số lượng ngân hàng thương mại

(ĐTCK) Số lượng bao nhiêu ngân hàng thương mại là đủ đối với Việt Nam? Câu hỏi không dễ trả lời. Song điều quan trọng hơn là cần có hệ thống tiêu chí đủ mạnh và toàn diện để đảm bảo chất lượng và hoạt động lành mạnh của từng tổ chức trong hệ thống đó.

Kể từ 1997 đến nay, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam có xu hướng giảm dần: từ 56 xuống khoảng 30 ngân hàng năm 2014.

Vậy cơ sở nào để xác định số lượng ngân hàng phù hợp cho một nền kinh tế cụ thể? Câu trả lời là không có công thức chung cho vấn đề trên, mà mỗi quốc gia dựa trên đặc điểm riêng có của mình để duy trì một số lượng ngân hàng thương mại phù hợp với nhu cầu thị trường và quy luật phát triển.

Tìm lời giải cho bài toán số lượng ngân hàng thương mại ảnh 1

Ông Cao Văn Đức, Nguyên Tổng giám đốc VietBank 

Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, vấn đề số lượng ngân hàng được đề cập nhiều và có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau. Vấn đề quan trọng ở đây là số lượng ngân hàng thương mại cần phải được quyết định dựa trên bản chất cốt lõi của mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Mục tiêu sâu xa của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chính là nhằm hướng đến việc thúc đẩy hệ thống ngân hàng phục vụ đa số dân cư, nền kinh tế, tạo cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô. Việc xác định các nội dung trọng tâm trong đó có việc sắp xếp lại các ngân hàng thương mại qua việc giảm số lượng ngân hàng thương mại từ hiện nay xuống con số ít hơn là điều cần thiết.

Vậy yếu tố nào quyết định đến số lượng ngân hàng thương mại tối thiểu cần thiết cho một quốc gia?

Xét từ góc độ nội tại của hệ thống ngân hàng thương mại, vấn đề lớn nhất hiện nay của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam là quy mô, chất lượng tài chính, khả năng điều hành quản trị của các ngân hàng thương mại. Sau làn sóng chuyển đổi ngân hàng cổ phần nông thôn thành ngân hàng cổ phần đô thị, cho đến nay có thể nói, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có những đặc điểm chung, đó là vốn điều lệ tăng nhanh, quy mô nhỏ, vốn nhỏ, thị phần nhỏ, sản phẩm thiếu tính đa dạng, quản lý rủi ro lỏng lẻo, quản trị công ty chưa theo thông lệ quốc tế. Tình trạng trên đã đã dẫn đến hàng loạt vấn đề tồn đọng như hiện nay như sở hữu chéo, vốn ảo, nợ xấu...

Do vậy, bản chất cốt lõi trong việc tăng hay giảm số lượng ngân hàng thương mại trong quá trình tái cơ cấu hiện nay chính là việc giải quyết triệt để các vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng. Biện pháp đồng bộ sẽ là giải quyết nợ xấu một cách thực chất, tăng vốn điều lệ, sáp nhập hoặc là phá sản các ngân hàng yếu kém. Giải quyết được vấn đề nêu trên thì số lượng ngân hàng giảm xuống đến bao nhiêu không quan trọng, mà điều quan trọng là giúp các ngân hàng mới sau quá trình tái cơ cấu nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng năng lực cạnh tranh.

Xét từ góc độ quy mô nền kinh tế: Mặc dù các yếu tố như quy mô GDP, quy mô thị trường, dân số… không phải là yếu tố cơ bản quyết định số lượng ngân hàng nhưng là yếu tố cần được xem xét đến.

So với một số nước trên thế giới, có thể thấy số lượng ngân hàng thương mại và  mức độ phục vụ nền kinh tế Việt Nam của các ngân hàng thương mại có sự khác biệt.

Về số lượng ngân hàng thương mại, chúng ta có thể so sánh Việt Nam với một số nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, Hàn Quốc, một quốc gia phát triển và có quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần nhưng chỉ có khoảng 20 ngân hàng. Một quốc gia khác là Thái Lan, có dân số gần tương đồng với Việt Nam cũng có không quá 20 ngân hàng. Đài Loan với 20 triệu dân và số lượng ngân hàng là  gần 100. Indonesia có khoảng trên 120 ngân hàng. Mỹ có tới hơn 6.000 ngân hàng.

Về mức độ phục vụ nền kinh tế, tỷ lệ tín dụng trên GDP ở Việt Nam năm 2013 đạt mức 97%, thấp hơn so với mức trung bình của các nước đang phát triển trong khu vực.

Nếu sau tái cơ cấu, số lượng ngân hàng thương mại nội địa còn lại khoảng 15 ngân hàng cùng với hơn 70 ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì với dân số khoảng 90 triệu người, bình quân mỗi ngân hàng đang phục vụ khoảng 1,06 triệu người.

Vấn đề đặt ra là với số lượng ngân hàng như vậy, liệu hệ thống ngân hàng có phục vụ được đa số dân cư và nền kinh tế hay không?

Về mức độ phủ sóng ngân hàng theo khu vực địa lý, khó có thể áp đặt quy định mang tính chất hành chính đối với các ngân hàng thương mại về việc mở rộng mạng lưới tại các địa bàn không phải là trọng điểm kinh tế. Vì việc này không phù hợp với quy luật và sẽ không mạng lại kết quả thực chất mặc dù các ngân hàng thương mại có thể buộc phải tuân thủ quy định như vậy.

Có gần 80% số lượng các ngân hàng ở Mỹ có quy mô nhỏ, hoạt động giới hạn về địa bàn cũng như giới hạn về nghiệp vụ. Vấn đề nằm ở chỗ các ngân hàng có thể nhỏ về quy mô, hạn chế về địa bàn cũng như về nghiệp vụ, nhưng đó là những ngân hàng lành mạnh vì khả năng quản trị điều hành, quản trị rủi ro phù hợp với tính chất hoạt động cũng như quy mô của những ngân hàng này. Như vậy, các ngân hàng nhỏ về quy mô, vốn, địa bàn hoạt động không đồng nghĩa với yếu. Chính sự đa dạng của hệ thống ngân hàng thương mại như vậy đã giúp các ngân hàng ở Mỹ phục vụ hơn 80% dân số.

Singapore, một quốc gia với khoảng 4 triệu dân và là một trong những trung tâm tài chính quốc tế, có đến hơn 100 ngân hàng. Quốc gia này duy trì hệ thống ngân hàng thương mại với nhiều quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau thông qua việc cấp phép hoạt động nhiều loại hình ngân hàng như full bank, wholesale bank, offshore bank…

Ở Việt Nam, khi hệ thống ngân hàng cổ phần nông thôn còn tồn tại với những ngân hàng quy mô vốn nhỏ, hoạt động trong một phạm vi địa bàn nhất định với các loại hình nghiệp vụ giới hạn nếu được quản lý tốt thì nhóm ngân hàng này cùng với các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác sẽ tạo ra một mạng lưới rộng khắp đủ để phục vụ sâu rộng cho đại đa số dân cư.

Sau tái cơ cấu, số lượng ngân hàng giảm xuống một con số nhất định sẽ là một thành công. Tuy nhiên, thành công lớn hơn phải là chất lượng thực của các ngân hàng thương mại được cải thiện. Cụ thể, chất lượng tài sản, vốn tự có, thanh khoản và quản trị ngân hàng cần được nâng cao, từng bước tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Sự cải thiện về các vấn đề nói trên sẽ giúp các ngân hàng thương mại có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đáp ứng được mục tiêu của chính sách quản lý là đưa dịch vụ ngân hàng phục vụ đa số người dân và nền kinh tế.

Tin bài liên quan