NHNN nên xem xét giảm nhẹ lãi suất

NHNN nên xem xét giảm nhẹ lãi suất

Tìm lời giải bài toán vốn cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Hàng loạt gợi ý và kiến nghị từ các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã được đưa ra tại Hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vừa diễn ra mới đây.

Từ những giải pháp này, các chuyên gia kỳ vọng sẽ tìm ra được đáp án của bài toán vốn cho doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, cùng với xu thế toàn cầu hóa, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn chiếm đại đa số trong nền kinh tế Việt Nam, là yêu cầu bức thiết hàng đầu.

Để thực hiện được điều này, một trong những giải pháp quan trọng là tạo nguồn vốn cho DN, đặc biệt là tín dụng cho nhóm SME, để khu vực này có nguồn lực phát triển.

Đây cũng là bài toán khá hóc búa mà Chính phủ cũng như các cơ quan nhà nước, NHNN luôn luôn tìm kiếm lời giải mang tính khả thi.

Đánh giá về vai trò của NHNN và những kết quả đạt được trong chính sách hỗ trợ vốn cho DN, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc nhận định trong những năm qua NHNN đã có rất nhiều nỗ lực. 

Đặc biệt, công cuộc tái cấu trúc ngân hàng được thực hiện quyết liệt, vấn đề giải quyết nợ xấu đã có nỗ lực nhất định, qua đó, cơ chế giải quyết nợ xấu đã có những thành công bước đầu.  Nhiều chương trình hỗ trợ DN đã được triển khai thực hiện thông qua việc giảm mặt bằng lãi suất, xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại cần được khắc phục trong cơ chế chính sách về vốn, cũng như khả năng tiếp cận cho DN. Ông Lộc dẫn chứng kết quả xếp hạng của Ngân hàng Thế giới gần đây cho thấy, mặc dù Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia có khả năng tiếp cận tín dụng tốt nhất, song DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn, đặc biệt là đối với các SME.

“Điều này có lẽ bắt nguồn từ thực tế là mặc dù Chính phủ đã đưa nhiều chủ trương chính sách rất tốt ở tầm vĩ mô nhưng khi đưa vào thực hiện thì không được như mong muốn, không đạt mục tiêu đề ra. Làm sao để biến các giải pháp vĩ mô trở thành hoạt động thường ngày có hiệu quả tại các ngân hàng thương mại? Làm sao để DN tiếp cận vốn là do đó là một yêu cầu rất quan trọng?”, ông Lộc chia sẻ.

Để nâng cao khả năng và giải quyết những vướng mắc trong tiếp cận vốn cho DN, TS Vũ Tiến Lộc đã đưa ra 5 kiến nghị.

Thứ nhất, lãi suất hiện nay tương đối cao so với lạm phát, hiệu quả kinh doanh của DN không cao, do vậy, ông Lộc đề xuất NHNN giảm lãi suất.

“Từ phía NHNN, mặc dù ổn định tỷ giá rất quan trọng, nhưng lạm phát đang ở mức thấp, theo dự báo trong năm nay có khả năng là 2%. Như vậy, tỷ lệ lạm phát quá thấp, cho thấy lãi suất tương đối cao so với lạm phát. Một là lạm phát thấp, hai là hiệu quả kinh doanh không cao, 60-70% DN làm ăn không có lãi. Vì vậy NHNN nên xem xét nên giảm nhẹ lãi suất”, ông Lộc cho biết.

Thứ hai, cần có chính sách nới lỏng room tín dụng, dồn nguồn vốn vào các ngân hàng kinh doanh có hiệu quả để các SME có thể tiếp cận được.

Thứ ba, NHNN cần kiên định với chủ trương tái cấu trúc nhằm tạo ra hệ thống các ngân hàng minh bạch, lành mạnh.

Thứ tư, ngân hàng thương mại phải triển khai mạnh việc cho vay dựa trên chủ trương và cơ sở tín chấp của NHNN. Theo đó, các ngân hàng phải tăng cường tính minh bạch, đồng thời có các chương trình hỗ trợ đồng hành với DN, phải có năng lực để thẩm định tốt DN, từ đó triển khai cho vay tín chấp.

Thứ năm là phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn của các DN trên cơ sở cân đối giữa vốn tự có của DN và vốn vay từ Ngân hàng, nhằm khắc phục sự mất cân đối về cơ cấu vốn trong DN khi phần lớn các DN sử dụng tới 90% vốn từ ngân hàng.

Ở góc độ vi mô, TS Cấn Văn Lực cho biết, hiện tại nhu cầu vay và sức hấp thụ vốn còn yếu.

Theo ông Lực có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là do tốc độ tăng hàng tồn kho giảm chưa đáng kể; tiêu dùng thực có tăng, nhưng còn khiêm tốn; sản xuất kinh doanh (chỉ số PMI) chưa thực sự theo đà mở rộng; thiếu các dự án đầu tư có hiệu quả; quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng diễn ra quyết liệt hơn; một số tổ chức tín dụng tập trung tái cơ cấu và/hoặc chưa thể cho vay nhiều; nợ xấu tăng nhẹ do áp dụng qui định theo thông lệ và chưa thể xử lý dứt điểm; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công còn chậm….

Ông Lực cũng đã đưa ra hàng loại gợi ý về giải pháp hỗ trợ vốn cho DN. Cụ thể, đối với NHNN, ông Lực cho rằng, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu; hoàn thành dứt điểm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 1; đồng bộ giải pháp, ổn định tỷ giá; định hướng, hỗ trợ các tổ chức tín dụng nhiều hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động phân tích, tiếp cận, tham gia Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng; tăng cường phối hợp các chính sách (tài khóa, cải thiện môi trường kinh doanh…), tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; phát huy làm tốt truyền thông, tạo đồng thuận hơn nữa từ xã hội; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế (ADB, JICA, WB);  xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025 và tầm nhìn 2030, hướng tới ngân hàng trung ương độc lập hơn và hiện đại.

Tìm lời giải bài toán vốn cho doanh nghiệp ảnh 1

TS Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ - ngân hàng, NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp giúp DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các giải pháp này gồm điều hành chính sách lãi suất theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm đạt mục tiêu giảm dần mặt bằng lãi suất, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả như chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, kéo dài thời hạn cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn…

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, sẽ tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp cho các SME phát triển sản xuất kinh doanh.

Tìm lời giải bài toán vốn cho doanh nghiệp ảnh 2

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương
 

Việt Nam rất tham vọng với mục tiêu ổn định chính sách, Chính phủ muốn đẩy mạnh tái cấu trúc trong mọi lĩnh vực và tập trung phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay mới đi được nửa chặng đường ổn định vĩ mô. Xét về tín dụng, mức tăng tín dụng chỉ có thể lên tới 13,7% và không thể tăng lên 30% như trước đây.
Dự kiến trong vòng 5 đến 6 tháng nữa cũng khó có thể giảm lãi suất ngắn hạn bởi lạm phát cao do đồng USD đang lên giá và sang năm tiếp tục lên giá, trừ phi kinh tế Mỹ khủng hoảng.

Tôi cho rằng, việc ngân hàng nỗ lực giữ được lãi suất như hiện nay trong ngắn hạn đã là một thành công. Tổng đầu tư xã hội giảm bởi ngân sách khó khăn, nguồn thu dầu 7-8 tháng đầu năm giảm. Thâm hụt ngân sách năm nay có thể lên 5% do áp lực chi rất lớn. Đầu tư công so với trước kia chiếm 35% tổng đầu tư, tổng đầu tư xã hội 5 năm tới chỉ 35% GDP; tỷ trọng tổng đầu tư xã hội, đầu tư công giảm, vì ngân sách khó khăn, hụt thu từ dầu trong 7-8 tháng đầu năm nay, trong khi giá dầu ở mức trung bình.

Dự kiến, mức thâm hụt ngân sách năm nay có thể trên 5% GDP do áp lực chi rất lớn, chi thường xuyên, như vậy, dư địa chính sách vĩ mô năm nay và năm sau khá hạn hẹp. Do đó, chúng ta trông chờ vào lòng tin, ổn định, tái cấu trúc nhanh, cải cách môi trường kinh doanh thông qua triển khai thực hiện hàng loạt luật mới như Luật Đầu tư, Luật DN…

Bên cạnh đó, DN cần chủ động tìm cơ hội từ tiến trình hội nhập đang ngày càng sâu rộng, với việc hoàn tất đàm phán và ký kết một loạt các FTA, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN+6. Các DN nên chủ động tìm kiếm cơ hội tham gia các ngành phân phối, bán lẻ, giải trí, logictis, kết nối hạ tầng…, đồng thời tận dụng lợi thế là điểm đến của các tập đoàn kinh tế thế giới, để kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài. Đối với SME, lĩnh vực phù hợp nhất hiện nay là các ngành về IT, công nghệ xanh và ngành công nghiệp sáng tạo.

Tin bài liên quan