Dự án BOT Quốc lộ 51 có lịch sử phức tạp hơn các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay.
Đợi hướng xử lý
Hành trình xử lý những vướng mắc tại Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 đến Km 73+600 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT (Dự án BOT Quốc lộ 51) khó có thể kết thúc trong tương lai gần nếu chiểu theo những diễn biến mới nhất liên quan tới công trình có số phận đặc biệt này.
Ngay trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 906/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xử lý tồn tại của Dự án BOT Quốc lộ 51 gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT - cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - doanh nghiệp dự án).
Theo đó, xét báo cáo của Bộ GTVT (Văn bản số 15229/BGTVT-CĐCTVN ngày 29/12/2023) về việc xử lý kiến nghị của nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 51, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT tiếp tục thực hiện việc xử lý kiến nghị của nhà đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ và hợp đồng đã ký kết. Bộ GTVT báo cáo kết quả xử lý theo thẩm quyền.
Đây đã lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, lãnh đạo Chính phủ phải cho ý kiến chỉ đạo về những tồn tại, vướng mắc tại Dự án BOT Quốc lộ 51. Trước đó, tại Công văn số 8793/VPCP-CN ngày 9/11/2023, Văn phòng Chính phủ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 51, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT chủ trì (với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan ký kết hợp đồng BOT), phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp làm việc với nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 51 để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về PPP trên nguyên tắc rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa.
“Trường hợp cần thiết, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp để xem xét, giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ căn cứ báo cáo của Bộ GTVT”, Công văn số 8793/VPCP-CN nêu rõ.
Sau chỉ đạo nói trên khoảng 1,5 tháng, Bộ GTVT đã có Công văn số 15229/BGTVT-CĐCTVN gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà để báo cáo việc xử lý kiến nghị của nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 51. Điều đáng nói, tại công văn này, Bộ GTVT chưa đưa ra hướng giải quyết cụ thể nào để xử lý những khác biệt về quan điểm giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án.
Theo Bộ GTVT, trong số 64 dự án BOT do bộ này quản lý tính đến cuối năm 2024 về cơ bản đều đã hoàn thành xây dựng, đang kinh doanh khai thác, một số dự án đã tạm dừng thu phí do hết thời gian hoàn vốn. Tồn tại, vướng mắc trong công tác quyết toán chủ yếu ở các dự án ký kết hợp đồng trong giai đoạn từ năm 1997-2023.
Trong giai đoạn này, các hợp đồng dự án BOT (bao gồm hợp đồng Dự án BOT Quốc lộ 51) có tính phí bảo toàn vốn chủ sở hữu, thời gian thu phí tạo lợi nhuận trong phương án tài chính. Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, các dự án BOT không tính phí bảo toàn vốn chủ sở hữu trong phương án tài chính, chỉ tính lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu trong giai đoạn kinh doanh khai thác, do vậy không vướng mắc khi quyết toán.
Về phí bảo toàn vốn chủ sở hữu, Bộ GTVT cho biết, tại Thông báo số 336/TB-KTNN ngày 11/8/2017 và Thông báo số 337/TB-KTNN ngày 11/8/2017, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Bộ GTVT giảm trừ chi phí bảo toàn vốn 9 hợp đồng BOT đối với giai đoạn khai thác trong phương án tài chính (bao gồm cả Dự án BOT Quốc lộ 51).
Thực hiện ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền được Bộ GTVT giao thực hiện quyết toán các dự án là Cục Đường bộ Việt Nam đã đàm phán với các nhà đầu tư để quyết toán hợp đồng. “Tuy nhiên, quá trình quyết toán khó khăn, vướng mắc do một số nhà đầu tư chưa đồng thuận với giảm trừ của Kiểm toán Nhà nước về phí bảo toàn vốn chủ sở hữu này. Đến nay, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo đã không tính phí bảo toàn vốn trong phương án tài chính 5/9 hợp đồng”, Công văn số 15229/BGTVT-CĐCTVN nêu rõ.
Về thời gian thu phí tạo lợi nhuận, Bộ GTVT cho biết, có 13/64 hợp đồng BOT có điều khoản tính thời gian thu phí tạo lợi nhuận trong phương án tài chính. Trong quá trình thực hiện dự án, một số điều kiện của hợp đồng thay đổi dẫn đến các bên phải đàm phán tính toán điều chỉnh xác định lại thời gian hoàn vốn, cũng như thời gian thu phí tạo lợi nhuận của nhà đầu tư.
Đến nay, Cục Đường bộ Việt Nam đã đàm phán thống nhất với các nhà đầu tư phương án điều chỉnh lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận đối với 7/13 hợp đồng BOT (cơ bản tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu quy đổi tương tự như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu các dự án BOT giai đoạn từ năm 2012 đến nay), còn lại 6/13 hợp đồng BOT đang tiếp tục đàm phán.
Bộ GTVT thừa nhận, những tồn tại nêu trên đều là những vấn đề khó, quy định pháp luật dẫn chiếu chưa đầy đủ, rõ ràng, nên còn vướng mắc giữa các bên trong quá trình quyết toán của một số hợp đồng.
Đối với Dự án BOT Quốc lộ 51, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 15/11/2023, Bộ GTVT đã chủ trì họp, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng cho vay vốn.
“Bộ GTVT đã thành lập Tổ rà soát độc lập để xem xét, giải quyết kiến nghị của các nhà đầu tư nhằm xử lý các tồn tại, vướng mắc các dự án nêu trên (bao gồm cả Dự án BOT Quốc lộ 51) theo chỉ đạo của Chính phủ và ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với từng dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Nhà đầu tư muốn được thu phí tiếp
Dự án BOT Quốc lộ 51 có lịch sử phức tạp hơn các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay. Cụ thể, trước khi Dự án được triển khai, Bộ GTVT có triển khai một dự án mở rộng Quốc lộ 51 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hoàn vốn bằng nguồn thu phí tại trạm T1, Quốc lộ 51.
Tuy nhiên, do không đạt hiệu quả đầu tư, nên Bộ GTVT đã đề xuất BVEC nhận quyền thu phí trạm thu phí T1 với giá trị hợp đồng mua quyền là 400 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn là lãi suất cố định (7,75%/năm), không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tiếp đó, trong quá trình lập chủ trương Dự án Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51, giá trị nhận chuyển nhượng quyền thu phí trạm T1 được tổng hợp vào tổng mức đầu tư Dự án.
Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC ký vào năm 2009, thời gian kết thu hoàn vốn của Hợp đồng nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí trạm T1 là ngày 10/7/2013; tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là khoảng 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).
Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết 12/1/2030, bao gồm 4 năm 24 ngày thu theo Hợp đồng bán quyền thu phí tại trạm T1 (từ ngày 1/7/2009 đến 24/7/2013) và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Phương pháp được đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn để tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận là phương pháp lợi nhuận kỳ vọng (là lợi nhuận nhà đầu tư thu được trong 4 năm thu tạo lợi nhuận theo phương án tài chính đã loại lãi bảo toàn vốn cho cả giai đoạn xây dựng và kinh doanh khai thác). Sau khi tính lại, Cục Đường bộ Việt Nam đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.
Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, ngày 9/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã phát Văn bản số 137/CĐBVN tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT Quốc lộ 51 từ 7h00’ ngày 13/1/2023.
Cần phải nói thêm, thời gian thu phí tạo lợi nhuận nằm trong số 5 nhóm vấn đề tồn tại độ vênh rất lớn giữa BVEC và Cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình thực hiện quyết toán, xác định thời điểm dừng thu phí của hợp đồng BOT của Dự án. Bốn nhóm vấn đề còn lại gồm: phí bảo toàn vốn chủ sở hữu; lãi vay cho khoản vay để trả lãi ngân hàng và sử dụng nguồn doanh thu để thanh toán cho nhà thầu; doanh thu thu phí giai đoạn 2009 - 2015; phương án tính lãi vay đối với các khoản giảm trừ trong giai đoạn khai thác.
Trong Văn bản số 109/CT-TCKT ngày 2/10/2023 gửi Thủ tướng để kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc và các biện pháp hành chính gây thiệt hại cho nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 51, đại diện BVEC khẳng định, việc Cục Đường bộ Việt Nam đơn phương áp đặt giảm thời gian tạo lợi nhuận và buộc tạm dừng thu phí đã khiến doanh nghiệp dự án không thể thanh toán các khoản nợ vay đầu tư công trình còn lại trị giá 470 tỷ đồng cho 3 ngân hàng tài trợ vốn; không thể hoàn vốn 307 tỷ đồng cho các cổ đông tham gia góp vốn…
“Việc Cục Đường bộ Việt Nam đơn phương tạm dừng thu phí và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ dẫn đến tranh chấp pháp lý giữa các bên. Do thời gian chờ đợi phán quyết cuối cùng dự báo kéo dài, sẽ dẫn tới tiếp tục phát sinh các chi phí lớn mà cuối cùng người gánh chịu lại là VEC”, ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc BVEC lo lắng.
Được biết, tại Văn bản số 109/CT-TCKT, BVEC kiến nghị được giữ nguyên phí bảo toàn vốn trong giai đoạn đầu tư, khai thác; giữ nguyên thời gian tạo lợi nhuận 4 năm theo quy định hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký. Doanh nghiệp dự án cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét để thống nhất lại với nhà đầu tư các khoản chi phí (chủ yếu là lãi vay) đã bị Cục Đường bộ Việt Nam cắt giảm.
“Nếu đề xuất trên được chấp thuận, giả sử BVEC được thu phí trở lại vào ngày 1/1/2024, thì doanh nghiệp dự án sẽ tiếp tục thu phí tạo lợi nhuận đến ngày 27/8/2027”, lãnh đạo VEC tính toán.
Thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã đàm phán với nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 51 và các cơ quan liên quan tới 19 lần, để xử lý một số nội dung tồn tại của dự án như: thời gian thu phí tạo lợi nhuận, phí bảo toàn vốn chủ sở hữu trong giai đoạn thi công và khai thác, khoản doanh thu thu phí giai đoạn 2009 - 2015, lãi vay đối với các khoản bị giảm trừ theo kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán… Tuy nhiên, các bên đã không đạt được sự đồng thuận về những nội dung này.