Việt Nam cần khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trong chuyển đổi xanh để đạt được mức phát thải carbon ròng vào năm 2050.

Việt Nam cần khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trong chuyển đổi xanh để đạt được mức phát thải carbon ròng vào năm 2050.

Tìm kiếm 368 tỷ USD cho năng lượng xanh - góc nhìn từ khuyến khích vai trò khu vực tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã đưa ra cam kết đáng chú ý là đạt mức phát thải carbon ròng vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam cần khuyến khích vai trò của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi xanh.

Đòi hỏi nguồn tài chính lớn

Các cam kết đạt mức phát thải bằng 0 của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào năm 2021 sẽ đòi hỏi một sự chuyển đổi sâu sắc trong thực tiễn kinh doanh và hành vi của người tiêu dùng.

Hơn thế, cần phải có các khoản đầu tư rất lớn xây dựng nhà máy sản xuất điện gió, điện mặt trời, nâng cấp lưới điện, lưu trữ năng lượng và thu giữ carbon. Các nhà máy nhiệt điện than sẽ phải đóng cửa và thay thế bằng công nghệ carbon thấp.

Việt Nam phải thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm các đợt nắng nóng, bão, hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan dự kiến diễn ra thường xuyên hơn. Kết cấu hạ tầng đường bộ ở các khu vực ven biển cần được nâng cấp, các thành phố dễ bị ngập lụt sẽ phải tìm biện pháp bảo vệ mạng lưới giao thông của họ và những nông dân bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn sẽ phải di dời đến chỗ ở mới.

Để thực hiện những việc này sẽ rất tốn kém. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, khoản đầu tư tích lũy cần để thực hiện các mục tiêu này lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, vượt xa tốc độ đầu tư hiện tại là 8 tỷ USD/năm của Việt Nam.

Phần lớn khoản đầu tư này sẽ dành cho các mục đích giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu (254 tỷ USD) do Việt Nam phải chịu nhiều tác động của hiện tượng này.

Việc đạt được cam kết zero carbon sẽ cần ít nhất 114 tỷ USD đến năm 2040 cho cả mục tiêu giảm dần carbon và các chương trình trợ cấp xã hội. Đây mới chỉ là ước tính ban đầu và chắc chắn sẽ còn phải chỉnh sửa nhiều lần.

Nhưng cho dù mức chi phí chính xác là bao nhiêu, các mục tiêu này đều đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Việc bố trí ngân sách công cho các dự án trọng điểm sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nợ chính phủ đã gần chạm mức trần 65% GDP và nhu cầu cho các ưu tiên khác như giáo dục, y tế vẫn còn rất cao.

May mắn là Việt Nam đã thu hút thành công các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài, thành phần có thể giúp hỗ trợ quá trình giảm thiểu carbon. Ngoài ra, việc huy động các nguồn vốn tư nhân trong nước, vay ngân hàng và trái phiếu cũng nên được xem xét đến.

Thu hút đầu tư tư nhân

Ông Patrick Lenain, cộng sự cấp cao Hội đồng Chính sách kinh tế (CEP)

Ông Patrick Lenain, cộng sự cấp cao Hội đồng Chính sách kinh tế (CEP)

Vào năm 2017, Chính phủ đã quyết định áp dụng mức giá mua bán điện cố định (FiT) hấp dẫn cho các nhà cung cấp điện mặt trời để họ hòa điện vào lưới điện quốc gia. Giá mua điện của Chính phủ đảm bảo lợi nhuận đủ cao để thu hút các nhà đầu tư. Kết quả là đã có thêm hơn 100.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên các mái nhà. Chính phủ cũng giảm thiểu tình trạng quan liêu của các cơ quan công quyền khiến việc kinh doanh điện trở nên thân thiện hơn với doanh nghiệp.

Tuy số lượng tấm pin mặt trời tăng lên nhiều, nhưng chưa đủ để giảm sự phụ thuộc lâu dài vào nhiên liệu hóa thạch. Than, dầu và khí đốt vẫn chiếm 3/4 mức tiêu thụ năng lượng chính của Việt Nam vào năm 2021, vấn đề này chưa có sự thay đổi nhiều trong 3 thập kỷ qua. Rõ ràng là, đã đến lúc cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm sử dụng các nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, năng lượng gió chưa được khai thác. Khu vực tư nhân có khả năng làm việc này. Ví dụ, các công ty Ørsted và Vestas (Đan Mạch) đã sản xuất, lắp đặt và vận hành các tuabin gió, dựa trên kinh nghiệm của họ ở quê nhà đã được triển khai trên khắp thế giới.

Để thu hút được các công ty tư nhân, Việt Nam cần phải có các điều kiện kinh doanh hấp dẫn hơn. Đầu tư xanh thường phải đối mặt với chi phí trả trước cao, công nghệ phức tạp, thời gian dài, biến động tiền tệ và sự không chắc chắn về thể chế.

Không giống như ở nhiều nước khác, hiện nay, việc truyền tải và phân phối điện của Việt Nam vẫn thuộc độc quyền của Nhà nước, chưa cho phép các thành phần tư nhân tham gia.

Việt Nam cũng cần phải cởi mở hơn trong việc cho phép đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo, tất nhiên ở mức giá phù hợp. Thay vì FiT, nhiều chính phủ thường sử dụng cơ chế đấu giá vì đây là cách tốt hơn để biết được thị trường đang ở mức giá nào mà các doanh nghiệp có thể chịu đựng. Cơ chế đấu giá, với quy trình minh bạch, được ưa chuộng hơn so với FiT - cơ chế vốn dĩ có thể làm tăng giá mua điện lên quá cao.

Việc kết hợp nguồn vốn công và tư cũng giúp khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân chấp nhận rủi ro. Các quan hệ đối tác công - tư (PPP), trong đó khu vực tư nhân đi cùng với cơ quan chính phủ hấp dẫn các nhà đầu tư không chỉ vì chúng giảm rủi ro đầu tư cơ bản, mà còn vì các chính phủ đã giúp giảm bớt gánh nặng pháp lý cho nhà đầu tư.

Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư vào tháng 6/2020 và Chính phủ đã ban hành các nghị định để thực hiện và quản lý tài chính. Các quan hệ đối tác này là một kênh tốt để thẩm thấu công nghệ, chuyên môn và bí quyết kinh doanh vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước xưa nay vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Hình thức đối tác công - tư cũng giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mở rộng lưới điện truyền tải và đầu tư vào các nhu cầu trong tương lai, chẳng hạn như lưu trữ năng lượng, điều tra tiềm năng và lưu trữ carbon cho các lĩnh vực khó khử carbon.

Cũng cần lưu ý, các hình thức hợp tác công - tư phải được xử lý thận trọng để tránh tạo gánh nặng cho khu vực công với các khoản nợ tiềm tàng và những khoản nợ trong tương lai nếu dự án kém thành công hơn mong muốn. Cách tiếp cận của Việt Nam rất thận trọng, do đó có tính bảo vệ tài chính cao, nhưng cũng cần phải đủ hấp dẫn với đối tác.

Các khoản vay và tài trợ

Hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng lớn trong quá trình chuyển đổi xanh. Nhiều tổ chức tín dụng đã tăng dư nợ đối với các khoản đầu tư thân thiện với môi trường. Ví dụ, phần lớn dự án sử dụng năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà được tài trợ thông qua các ngân hàng trong nước.

Với cam kết đưa mức carbon về 0, Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm toàn cầu rất lớn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sẽ rất tốn kém. Mở rộng cửa cho nguồn vốn tư nhân, thiết lập khuôn khổ cho vay ngân hàng xanh, thiết lập thị trường trái phiếu xanh, thu hút tài chính hỗn hợp và hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài đều là những kênh tài chính khí hậu đầy hứa hẹn mà Việt Nam có thể tiếp cận trong tương lai với những giải pháp phù hợp.

Mở rộng tín dụng hơn nữa vào các khoản đầu tư xanh sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn với việc mọi hoạt động được coi là “thân thiện với môi trường” được phân loại rõ ràng. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa ban hành hệ thống phân loại của riêng mình như Malaysia và Indonesia, cũng như chưa tuân thủ các định nghĩa quốc tế về đầu tư xanh. Việc áp dụng cách phân loại như vậy sẽ mang lại sự rõ ràng cho các ngân hàng và sẽ khuyến khích đầu tư xanh từ các nhà đầu tư tổ chức như bảo hiểm nhân thọ và quỹ hưu trí.

Trở thành thành viên của Mạng lưới Xanh hóa hệ thống tài chính (Network for Greening the Financial System) cũng sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan giám sát ngân hàng làm quen với các thông lệ một cách hiệu quả nhất trong lĩnh vực này.

Trên toàn cầu, trái phiếu xanh đã trở thành công cụ quan trọng nhất của tài chính khí hậu (Climate Finance), là một kênh tài chính mà các nước có nền kinh tế phát triển sử dụng để đầu tư hoặc tài trợ một phần cho các dự án phát triển bền vững ở các nền kinh tế mới nổi, nhằm khuyến khích trung hòa khí carbon. Trái phiếu xanh là một phương tiện tốt vì số tiền thu được từ trái phiếu phải được chuyển cho các dự án xanh với những lợi ích về môi trường đã được chứng minh. Phát hành trái phiếu xanh toàn cầu đã đạt khoảng 620 tỷ USD vào năm 2021, gấp đôi so với năm trước đó.

Trong khu vực Đông Nam Á, các ngân hàng ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã phát hành tổng cộng hơn 43 tỷ USD trái phiếu xanh trong 5 năm qua. Nhưng Việt Nam thì khác, chỉ có 216 triệu USD trái phiếu xanh được các ngân hàng phát hành trong 5 năm qua.

Trái phiếu xanh được phát hành theo các bước: thúc đẩy xếp hạng đáng tin cậy về môi trường, xã hội và quản trị mà các tổ chức phát hành có thể sử dụng để thu hút các nhà đầu tư; xây dựng một khuôn khổ pháp lý tạo tiền đề cho đối thoại giữa các cơ quan quản lý và các bên tham gia thị trường; kích hoạt thị trường trái phiếu xanh hoạt động với sự trợ giúp của các tổ chức/công ty bán công.

Để giúp các nước có thu nhập thấp phát triển hướng tới tăng trưởng xanh, chính phủ của các nền kinh tế phát triển đã đồng ý phân bổ nguồn tài trợ khí hậu 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020. Trong khi cam kết định lượng này chưa được đáp ứng chính xác thì các nước phát triển đã tăng mạnh nguồn tài trợ lên đến 83 tỷ USD vào năm 2020. Nguồn tài chính này đến từ các nhà tài trợ song phương (31 tỷ USD), các cơ quan đa phương (37 tỷ USD) và tài trợ tư nhân được thực hiện thông qua các hoạt động hỗ trợ cộng đồng (13 tỷ USD).

Tốc độ tăng trưởng nhanh đã giúp Việt Nam đạt được vị thế của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp (lower middle-income country), các dòng vốn ưu đãi do đó đã giảm xuống và như vậy, các dòng vốn không ưu đãi trở nên quan trọng hơn, đóng vai trò lớn hơn trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Ví dụ, vào năm 2018, Cơ quan Phát triển Pháp (Agence Française du Développement) đã phân bổ cho EVN một khoản vay quốc gia không có bảo đảm trị giá 80 triệu euro nhằm tăng cường mạng lưới phân phối điện ở khu vực phía Nam. Dự án này liên quan đến gần 540 km đường dây phân phối và các trạm biến áp sẽ vận chuyển điện do các nhà máy năng lượng tái tạo sản xuất, do đó sẽ giảm bớt áp lực cho mạng lưới truyền tải hiện có.

Để tận dụng tối đa nguồn tài trợ quốc tế, Việt Nam nên tập trung vào nguồn tài chính hỗn hợp như một công cụ có giá trị để tiếp cận nguồn vốn tư nhân. Tài chính hỗn hợp giúp giảm rủi ro của các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, điều này có thể được thực hiện dưới hình thức kết hợp tài trợ ưu đãi với tài trợ thương mại để đảm bảo tính khả thi cho nguồn vốn của các nhà đầu tư khu vực tư nhân. Một cách tiếp cận khác là cung cấp các bảo lãnh và sản phẩm bảo hiểm cũng như hỗ trợ chuẩn bị dự án và nguồn tài chính phù hợp.

Tin bài liên quan