Tìm hiểu về trái phiếu

Trước đây, chúng tôi đã gửi đến bạn đọc và nhà đầu tư khái niệm qua về Trái phiếu và Trái phiếu chuyển đổi. Hôm ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về loại chứng khoán này.

Khái niệm

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành.

Người phát hành có thể là Chính phủ khi cần huy động vốn cho ngân sách (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ) hay doanh nghiệp khi huy động vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh (trong trường hợp này gọi là trái phiếu doanh nghiệp). Người mua trái phiếu, hay còn gọi là trái chủ, có thể là cá nhân, doanh nghiệp hoặc Chính phủ (trừ việc mua trái phiếu chính phủ). Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh).

Trái phiếu có một số điểm khác biệt cơ bản so với cổ phiếu. Về thu nhập định kỳ, lãi suất trái phiếu được ấn định ngay từ khi phát hành, trong khi cổ tức của cổ phiếu lại biến động tùy theo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty phát hành. Về mức độ rủi ro, trái phiếu thường được đánh giá có mức độ rủi ro thấp hơn, do vậy giá trái phiếu thường ít biến động hơn so với giá cổ phiếu. Đó cũng chính là lý do vì sao trái phiếu thường hấp dẫn những nhà đầu tư không thích mạo hiểm.

 

Đặc điểm

- Một trái phiếu thông thường có ba đặc trưng chính:

+ Mệnh giá (tiền gốc): là số tiền thanh toán cho người sở hữu trái phiếu tại thời điểm đáo hạn của trái phiếu. Số tiền gốc được ghi cụ thể trên mỗi trái phiếu. Do đó, giá trị số tiền gốc còn được gọi là giá trị đáo hạn của trái phiếu.

+ Lãi suất: là số tiền lãi thực thanh toán định kỳ cho người sở hữu trái phiếu. Lãi suất của các loại trái phiếu khác nhau tùy thuộc vào độ rủi ro của nó. Trái phiếu chính phủ được xem là an toàn nhất nên lãi suất cũng thấp nhất, trái phiếu của những công ty mới ra đời có lãi suất cao hơn để thu hút người mua chịu chấp nhận độ rủi ro cao hơn.

+ Kỳ hạn: trái phiếu thường có kỳ hạn cố định. Nhà phát hành sẽ trả lãi định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần trong suốt kỳ hạn của trái phiếu.

- Trái phiếu là công cụ nợ. Phát hành trái phiếu là đi vay vốn. Mua trái phiếu là cho nhà phát hành vay vốn và như vậy, trái chủ là chủ nợ của nhà phát hành. Là chủ nợ, người nắm giữ trái phiếu có quyền đòi các khoản thanh toán theo cam kết về khối lượng và thời hạn, song không có quyền tham gia vào những vấn đề của nhà phát hành.

- Lãi suất của các trái phiếu thường khác nhau, được quy định bởi các yếu tố:

+ Cung cầu vốn trên thị trường tín dụng. Lượng cung cầu vốn đó lại tuỳ thuộc vào chu kỳ kinh tế, động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước, mức độ thâm hụt ngân sách của Chính phủ và phương thức tài trợ thâm hụt đó.

+ Mức rủi ro của mỗi nhà phát hành và của từng đợt phát hành. Cấu trúc rủi ro của lãi suất sẽ quy định lãi suất của mỗi trái phiếu. Rủi ro càng lớn, lãi suất càng cao.

+ Thời gian đáo hạn của trái phiếu. Nếu các trái phiếu có mức rủi ro như nhau, nhìn chung thời gian đáo hạn càng dài thì lãi suất càng cao.

 

Lợi ích và rủi ro khi đầu tư trái phiếu

Lợi ích

- Trái phiếu là công cụ nợ có độ tin cậy cao nhất, đặc biệt là trái phiếu chính phủ.

- Trong môi trường lạm phát thấp, đầu tư trái phiếu là một cách an toàn để duy trì nguồn thu nhập thường xuyên.

- Khi TTCK biến động, đầu tư trái phiếu là một cách giúp đảm bảo an toàn vốn đầu tư và phân tán rủi ro.

- Dù làm ăn kém hiệu quả, công ty vẫn phải trả đủ tiền lãi, không cắt giảm hoặc bỏ như cổ phiếu. Nếu công ty ngừng hoạt động, thanh lý tài sản, trái chủ được trả tiền trước người có cổ phần ưu đãi và cổ phần thông thường.

 

Rủi ro

- Rủi ro tín nhiệm: mức độ rủi ro tín nhiệm của trái phiếu được đánh giá dựa trên các yếu tố kinh tế và khả năng hoàn trả lãi và gốc trái phiếu của nhà phát hành.

Trái phiếu chính phủ thường được coi là có mức độ rủi ro thấp nhất, vì Chính phủ có khả năng thu thuế hoặc phát hành tiền để trả nợ. Các công ty không có những quyền đó, do vậy trái phiếu công ty có mức độ rủi ro cao hơn và phải trả lãi suất cao hơn cho nhà đầu tư.

Rủi ro tín nhiệm được thể hiện qua hệ số tín nhiệm. Hệ số tín nhiệm càng cao thì trái phiếu được coi là càng an toàn.

- Rủi ro lãi suất: lãi suất thị trường càng tăng, giá trái phiếu càng giảm và ngược lại.

Khi lãi suất thị trường giảm, giá trái phiếu nhà đầu tư đang nắm giữ sẽ tăng. Bởi lãi suất định kỳ của trái phiếu đã được ấn định từ trước, lãi suất thị trường giảm làm cho các trái phiếu cũ với mức lãi suất cao hơn trở nên hấp dẫn hơn. Trái phiếu có thời gian đáo hạn càng dài thì mức độ tăng giá càng cao. Ngược lại, khi lãi suất thị trường tăng, giá trái phiếu sẽ giảm. Trái phiếu có thời gian đáo hạn càng dài thì mức giảm giá càng lớn.

- Rủi ro lạm phát: lạm phát là kẻ thù của nhà đầu tư trái phiếu, bởi nó ăn mòn giá trị đồng tiền. Lạm phát càng cao, lãi suất thực của trái phiếu (bằng lãi suất danh nghĩa của trái phiếu trừ lạm phát) càng giảm, do vậy làm mất giá trị của trái phiếu. Ví dụ: nếu một trái phiếu trả lãi 8%/năm, lạm phát bình quân 5% thì lãi suất thực của trái phiếu là 3%; nếu lạm phát tăng lên 7%, lãi suất thực chỉ còn 1%.

- Rủi ro thanh khoản: khi nhà đầu tư trái phiếu cần tiền mặt mà thị trường lại thiếu tính thanh khoản, sẽ khó lòng tìm được người sẵn sàng mua lại trái phiếu, hoặc nếu tìm được thì phải bán lại với giá rẻ hơn so với giá trị thực của trái phiếu.

- Rủi ro khi TTCK sụt giá mạnh: thông thường, giá trái phiếu không biến động nhiều như giá cổ phiếu, do vậy khi TTCK sụt giá mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đầu tư từ cổ phiếu sang trái phiếu, qua đó đẩy giá trái phiếu tăng lên. Tuy nhiên, khi TTCK đã xuống đến mức đáy, nhà đầu tư lại có xu hướng chuyển sang cổ phiếu đang ở mức giá thấp, điều đó làm giá trái phiếu giảm trở lại.

Tin liên quan:

*Sự khác biệt khi nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu
*Tìm hiểu về Trái phiếu chuyển đổi