Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, công điện nhằm chống gian lận thuế trong hoạt động TMĐT. Phải chăng hoạt động TMĐT trốn thuế rất phổ biến, thưa bà?
Việc chống thất thu thuế nói chung, thất thu thuế đối với với hoạt động TMĐT nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý thuế, nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế số, trong đó có hoạt động TMĐT. Để kinh tế số, TMĐT phát triển thì phải tăng cường quản lý nhà nước, trong đó có việc quản lý thuế. Chính vì vậy, Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chống thất thu thuế, nhất là từ TMĐT.
Cũng phải nói rõ, TMĐT là khái niệm rất rộng. Có thể hiểu, TMĐT là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến, chứ không chỉ mua bán hàng hóa trên mạng xã hội hay trên các sàn giao dịch TMĐT.
Theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP thì ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa, TMĐT còn bao gồm cả dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, quảng cáo, phân phối, phát hành sản phẩm số, dịch vụ phát thanh, truyền hình... Vì vậy, nếu nói chung chung, “thất thu thuế trong hoạt động TMĐT còn phổ biến” là chưa hoàn toàn chính xác.
Gần đây, trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên thông tin về việc có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu hàng chục, thậm chí lên đến cả trăm tỷ đồng. Bà có đặt dấu hỏi về gian lận thuế đối với những phiên livestream có doanh thu bán hàng lên đến cả trăm tỷ đồng không?
Muốn trả lời câu hỏi cá nhân livestream đạt doanh thu “khủng” có gian lận hay không, cần phải biết đây là doanh thu thực tế, đơn hàng được chốt, hàng đã bán ra và thu tiền về, hay chỉ là chiêu trò tự quảng cáo của các treamer (người livestream), chủ nhãn hàng.
Cho dù doanh thu chỉ đạt 40-50% so với quảng cáo thì cũng rất lớn và việc trốn thuế, gian lận thuế rất khó. Vì chủ nhãn hàng là doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế khi hàng được bán ra, còn treamer là người quảng cáo thuê, được doanh nghiệp trả tiền thù lao (cát-xê) thì khi trả, doanh nghiệp đã khấu trừ 10% tiền thuế thu nhập cá nhân và nộp hộ vào ngân sách nhà nước. Cuối năm, các treamer phải thực hiện nghĩa vụ quyết toán thuế, nếu số tiền tạm khấu trừ chưa đủ thì phải nộp thêm, nếu nộp thừa thì được hoàn trả. Nói chung, với hoạt động TMĐT có doanh thu lớn rất khó trốn thuế.
Liệu có bỏ sót trong việc thu thuế với các streamer không, thưa bà?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành thuế rất rốt ráo trong việc chống gian lận thuế đối với hoạt động TMĐT. Bộ Tài chính có Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 56/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sẽ chuyển cơ quan chức năng để xử lý.
“Chuyển cơ quan chức năng xử lý” có thể hiểu là cơ quan công an có thể xem xét điều tra, truy tố đối với trường hợp trốn thuế.
Với tư cách là Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, tôi khuyên các cá nhân tham gia hoạt động TMĐT đừng có dại gì mà trốn thuế, bởi cơ quan thuế các địa phương rất quyết liệt trong việc quản lý thuế đối với hoạt động này. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm nay, Cục Thuế TP.HCM tiến hành rà soát 7.135 doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh TMĐT, thu được trên 1.298 tỷ đồng tiền thuế; truy thu, xử phạt 1.320 trường hợp với số tiền trên 72 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội đã định danh và tổng hợp được dữ liệu về hoạt động TMĐT của 418 doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT, website bán hàng trực tuyến, 670 chủ thể kinh doanh sản phẩm và nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, cá nhân bán hàng online có doanh thu lớn.
Tương tự, Cục Thuế Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nghệ An... cũng rất quyết liệt trong việc chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT.
Nhiều cá nhân kinh doanh TMĐT tính chuyện “bỏ nghề” vì cơ quan thuế quyết liệt chống thất thu thuế đối với bán hàng online. Bà nghĩ sao về điều này?
Phải khẳng định, chính sách thuế áp dụng chung đối với tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bất cứ ai tham gia kinh doanh đều phải kê khai thuế, nộp thuế, không phân biệt kinh doanh truyền thống hay TMĐT. Tại sao kinh doanh truyền thống phải nộp thuế, còn bán hàng online cũng nộp thuế bình đẳng như kinh doanh truyền thống lại tính chuyện “bỏ nghề”? Tôi nghĩ, hiện tượng này (nếu có) là do người bán hàng online chưa tìm hiểu về chính sách thuế, nên có thể bị nộp nhiều hơn so với kinh doanh truyền thống.
Phần nhiều người bán hàng online và cả những livestream làm tự phát, làm thêm, làm ngoài giờ, làm vào lúc rảnh rỗi và không thực hiện đăng ký thuế, đăng ký kinh doanh. Theo quy định, với những trường hợp này phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từ 5% đến 35% phụ thuộc vào thu nhập trong năm. Khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra, họ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, truy thu tiền thuế, tiền chậm nộp của các năm trước, nên thấy phải nộp quá nhiều.
Tôi có lời khuyên, nếu tham gia bán hàng online, livestream có quy mô lớn, thì cá nhân nên đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo phương pháp kê khai, thực hiện đầy đủ quy định về hóa đơn, chứng từ, kế toán. Nghĩa vụ thuế phải nộp tính theo tỷ lệ trên doanh thu tổng cộng chỉ có 1,5%, bao gồm 1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa; mức thuế 5% áp dụng cho các hoạt động cung cấp dịch vụ khác.
Như vậy, số thuế phải nộp đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có đăng ký thấp hơn rất nhiều so với việc không đăng ký. Nếu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chuyên nghiệp, nên thành lập doanh nghiệp vì được nộp thuế theo thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất phổ thông là 20% tính trên thu nhập chịu thuế và được trừ đi các loại chi phí, kể cả chi phí tài sản cố định, thiết bị, máy móc phục vụ cho việc kinh doanh.
Nếu kinh doanh “cò con”, bán hàng online không chuyên nghiệp thì cũng nên đăng ký kinh doanh và nộp theo mức thuế khoán của cơ quan thuế; trong trường hợp có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn các loại thuế. Người livestream nếu đăng kinh doanh theo hộ kinh doanh cá thể thì nộp thuế theo hộ kinh doanh với mức thuế suất 7% số tiền nhận được từ nhãn hàng, trong đó 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân, thay vì phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ 5% đến 35%.