Thưa ông, ngày mai, 25/5, trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về các kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Ông quan tâm đến những vấn đề gì?
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Sẽ có nhiều vấn đề cần phải thảo luận, nhất là khi bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước có những thay đổi lớn, tác động không chỉ tới chỉ tiêu kếu hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà còn tới cả cách thức điều hành, thực thi nhiều giải pháp.
Trong năm nay, điều tôi quan tâm vẫn là tập trung thúc đẩy đầu tư công. Nhiều ý kiến đã nói về vấn đề này.
Thứ hai, đánh giá, xem xét lại các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế. Lý do là bối cảnh hiện tại đã thay đổi lớn so với thời điểm thiết kế, đề xuất và thông qua chương trình. Mục tiêu để có những điều chỉnh phù hợp, theo nghĩa phản ứng nhanh.
Đặc biệt, cần chú ý đến hệ thống triển khai để đảm bảo tốc độ. Có lẽ cách thiết kế các giải pháp truyền thống là chọn đối tượng mục tiêu, xây dựng cách thức hỗ trợ đối tượng đó nhưng không có thay đổi về cơ chế, quy chế thực thi thì rất khó đảm bảo tính thực thi.
Mục tiêu đặc biệt, nhưng cách làm không đặc biệt hơn, thì sẽ khó khả thi.
Có thể có một vài ví dụ cụ thể, thưa ông?
Vấn đề lạm phát được đánh giá chính thức, nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp theo trong năm 2022, có nhiều yếu tố vượt dự tính. Việc đánh giá tác động này để nhìn lại các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, có thể có những điều chỉnh phù hợp.
Tôi cho rằng, có thể tiếp cận theo hướng vẫn sử dụng khoản tiền đã ghi trong kế hoạch, vẫn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tác động trực tiếp tới đời sống, nhưng nếu kiểm soát lạm phát ở mức thấp thì sẽ có lợi hơn.
Ví dụ là quyết định giảm 2.000 đồng thuế xăng dầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, áp dụng từ ngày 1/4/2022 đến cuối năm 2023.
Giải pháp này có tác động tích cực ngay, nhưng có thể khai thác dư địa gì ở giá xăng dầu nữa không, có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT không...
Các giải pháp này có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước, nên cần có sự cân nhắc, tính toán, song đây là giải pháp có thể kiềm chế lạm phát. Có thể lấy chính giải pháp kiềm chế lạm pháp thành một phần của Chương trình phục hồi. Với cách này, tính hỗ trợ ngay được bảo đảm, không ảnh hưởng đến cung tiền như giải pháp hỗ trợ lãi suất.
Quan trọng là chi phí thực thi thấp hơn, thực hiện được ngay. Yếu tố thời gian trong thời điểm này đóng vai trò quan trọng khi đánh giá về hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Vài ngày trước, khi đại diện cho nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trình bày báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022, ông có nhắc tới áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh. Khả năng giữ lạm phát ở mức 4% trong năm nay sẽ khó, thưa ông?
Trong điều hành, chỉ tiêu lạm phát hay chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) được xác định là định hướng, làm cơ sở cho điều hành, chứ không phải mục tiêu cứng.
Giả thuyết chúng ta chọn giữ lạm phát như chỉ tiêu kế hoạch trong bối cảnh động lực bên trong và bên ngoài đều theo hướng đẩy lạm phát lên cao, thì chi phí thế nào. Nếu chi phí để kìm giữ lạm phát cao hơn chi phí kiểm soát lạm phát ở mức cao hơn phù hợp thì tại sao phải giữ?
Nguy cơ lạm phát hiện tại có phần lớn do chi phí bên ngoài, phần này là bất khả kháng. Chúng ta chỉ có thể dự báo, đánh giá, cảnh báo sớm về các điểm nghẽn, như điểm nghẽn về chuỗi cung ứng, đứt gãy các ngành bên ngoài... để doanh nghiệp có phương án ứng phó.
Còn phần ta chủ động được là khơi thông bên ngoài và bên trong, không để ách tắc.
Hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ phải tăng cung tiền vào nền kinh tế. Để kích thích nền kinh tế thì vẫn phải bơm tín dụng...
Nhưng khi cung tiền tăng, đưa vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tốc độ phục hồi, vòng quay tiền tăng lên thì sẽ giảm tác động tiêu cực tới lạm phát. Không nên sợ cung tiền tăng thì lạm phát tăng luôn.
Tuy nhiên, đó là các giải pháp trước mắt. Tôi chờ đợi chương trình nghị sự của Quốc hội hướng tới các vấn đề trung hạn, dài hạn hơn.
Đặc biệt là khi tiềm năng tăng trưởng dài hạn bị ảnh hưởng, cần xác định rõ các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 3 năm 5 năm tới để có kế hoạch tháo gỡ, vì để thực hiện được, cần tác động từ bây giờ.
Tôi chờ đợi chương trình xây dựng luật pháp của Quốc hội tập trung vào việc sửa đổi luật pháp, cần ưu tiên sửa đổi Luật Đất đai.