Lượng tro xỉ đang tiếp tục phát sinh
Theo báo cáo tổng hợp tình hình tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Bắc đã được thực hiện từ lâu.
Hầu hết các nhà máy đã tìm và ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ phần lớn lượng tro xỉ của mình. Điển hình như các nhà máy Phả Lại và Ninh Bình đã tiêu thụ hết hoàn toàn lượng tro xỉ. Chỉ còn Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh và Mông Dương 1 có khối lượng tro xỉ chưa tiêu thụ lớn.
Các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Nam tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Vĩnh Tân mới đưa vào vận hành cũng đã làm việc với các đơn vị có khả năng tiêu thụ tro xỉ, tạo điều kiện để các đơn vị này tiến hành lấy mẫu thí nghiệm, đưa ra phương án tiêu thụ.
“Tro xỉ không phải là nguồn chất thải nguy hại, chủ yếu được tái sử dụng làm phụ gia cho bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung với thị trường tiêu thụ tro xỉ tương đối ổn định”, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho hay.
Tuy nhiên, theo PGS-TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, tổng nhu cầu than cho sản xuất điện của cả nước đến năm 2020 là 63 triệu tấn, năm 2025 là 95,4 triệu tấn và năm 2030 là 128,4 triệu tấn, tương đương tổng lượng tro thải ra là 15,09 triệu tấn (năm 2020), 17 triệu tấn (năm 2025) và 20,58 triệu tấn (năm 2030).
“Để đảm bảo các nhà máy nhiệt điện than hoạt động ổn định, cần khẩn trương tìm giải pháp để tiêu thụ lượng tro xỉ đang tiếp tục phát sinh và còn tồn tại các bãi thải xỉ hiện nay”, ông Nghĩa nói.
Có một thực tế rất đáng nói là, các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu, lượng tro xỉ thu được không đáng kể. Đơn cử như Nhà máy nhiệt điện than Formosa tại Đồng Nai có công suất 2x150MW, sử dụng nguồn than nhập khẩu, đã đi vào vận hành thương mại từ năm 2004, không hề tồn tại bãi tro xỉ.
Trong khi đó, các nhà máy dùng than antraxit khai thác trong nước có lượng thải tro xỉ lớn hơn rất nhiều. Nhưng nếu chuyển sang dùng than nhập khẩu để giảm lượng tro xỉ thải ra, lại tạo ra hiệu ứng dây chuyền tới hoạt động của ngành than. Hiện ngành điện tiêu thụ khoảng 75% trong tổng số gần 40 triệu tấn than sản xuất trong nước.
Không dừng lại ở việc “khuyến khích suông”
Sau hơn 8 năm có chủ trương phát triển vật liệu không nung, đến nay, hàng năm vẫn có khoảng 18 tỷ viên gạch nung - sản phẩm của các lò gạch trong dân và lò gạch tuynel được sản xuất, trong khi các loại gạch vật liệu không nung chưa phát triển được là bao.
Thực tế này được ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sông Đà - Cao Cường dẫn chứng khi nói về sự bế tắc đầu ra của sản phẩm tro xỉ nhà máy nhiệt điện than hiện nay.
Trước đó, từ năm 2010, doanh nghiệp này đãđầu tư tổ hợp sản xuất vật liệu không nung sử dụng nguồn tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.
“Đi khảo sát nhiều nước trên thế giới, chúng tôi thấy họ làm rất tốt. Đơn cử, tại Trung Quốc, có 17 tỉnh đã tận dụng tro xỉ trong sản xuất vật liệu không nung rất thành công. Tại Malaysia, Thái Lan, 80% tro xỉ nhiệt điện đã được tận dụng làm phụ gia cho bê tông, xi măng, gạch không nung. Nếu có những chế tài quyết liệt, thì vấn đề tro xỉ sẽ được giải quyết, song chúng ta vẫn chỉ nói mà không làm”, ông Mát nhận xét.
Chia sẻ về thực trạng này, PGS-TS. Trương Duy Nghĩa cũng cho hay, tại Phúc Kiến (Trung Quốc), các nhà máy điện không hề tồn tro bay vì địa phương này có đến 40 nhà máy cơ khí làm gạch không nung.
Theo ông Nghĩa, nếu tận dụng tro bay để làm gạch không nung thì tới năm 2030, Việt Nam có thể làm được 12 tỷ viên gạch mỗi năm, so với nhu cầu thị trường là 70 tỷ viên gạch mỗi năm. Chưa kể, tro bay của nhà máy nhiệt điện được sử dụng rất tốt vào công nghệ bê tông đầm lăn trong đập thủy điện, đập thủy lợi hay làm nền đường.
“EVN nên kiến nghị với Bộ Công thương, Chính phủ, phải đưa vật liệu không nung lên hàng đầu. Nếu vật liệu không nung được thay thế, mỗi năm nước ta có thể tiêu thụ 15 triệu tấn tro xỉ.
Theo đó, chỉ cần thay thế 70% vật liệu nung thì sẽ đem lại lợi ích kép như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết quỹ đất không phải làm hồ chứa. Khi đó, doanh nghiệp sử dụng tro xỉ sẽ đầu tư công nghệ, chất xám,tài chính để lo triệt để, toàn diện, nhưng chính sách cũng phải bền vững, quyết liệt chứ không thể cứ ‘đánh trống bỏ dùi’ mãi được”, ông Mát nói.
Trước những ý kiến của các chuyên gia, ông Nguyễn Tài Anh nhấn mạnh: “EVN cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các đối tác tiếp cận nghiên cứu phương án vận chuyển và tiêu thụ tro xỉ; phối hợp cùng với các đối tác làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ; sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trong việc tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo chất lượng tro xỉ”.