Với ưu thế về thu nhập, môi trường làm việc..., y tế tư nhân đang hút nguồn lực quan trọng của cơ sở y tế công.

Với ưu thế về thu nhập, môi trường làm việc..., y tế tư nhân đang hút nguồn lực quan trọng của cơ sở y tế công.

Tìm giải pháp giữ chân cán bộ y tế

0:00 / 0:00
0:00
Giữ chân cán bộ y tế ở lại với bệnh viện công đang là vấn đề làm đau đầu lãnh đạo các cơ sở y tế công lập.

Lương thấp, áp lực cao

Ngoài áp lực công việc, thì thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn hẳn so với cơ sở tư nhân. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến làn sóng rời bỏ đơn vị công lập.

Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì được hưởng lương 3,5 triệu đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, thì mức thu nhập là gần 4,9 triệu đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, nên khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi đó, thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 - 4 lần, thậm chí cao hơn nữa.

Khi các bệnh viện công đảm bảo được nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ y tế, thì làn sóng chuyển việc cũng tự hạn chế.

PGS-TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Hệ thống bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện, có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thời gian qua, môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng nặng nề. Công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế bị tạm dừng, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập thiếu điều kiện, thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Giải pháp nào?

Khi một nhân viên y tế nghỉ việc, cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm để đào tạo, huấn luyện được một cán bộ có tay nghề, có chuyên môn. Trong khi đó, chính nhân viên y tế đó cũng thiệt thòi vì mất cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công.

Khi thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế lành nghề, chất lượng chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế công lập sẽ không bảo đảm. Khi đó, người bệnh sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhất.

Để giải quyết tình trạng này, cần nhiều giải pháp.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi các bệnh viện công đảm bảo được nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ y tế, thì làn sóng chuyển việc cũng tự hạn chế. Ông cũng cho rằng, các cơ sở cần nỗ lực cải thiện tình trạng này bởi nếu tiếp diễn thì sẽ gây rối loạn cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Với ngành y tế Hà Nội, theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc cho các trạm y tế cơ sở, ngành y tế Thành phố cũng tạo cơ chế, tạo môi trường làm việc tốt hơn cho đội ngũ nhân viên y tế. Quan điểm của ngành y tế Hà Nội là đầu tư về nhân lực, trang thiết bị chính là điều kiện tiên quyết để y tế cơ sở có điều kiện phát triển và là tiền đề tạo động lực, giúp nhân viên y tế yên tâm, gắn bó lâu dài với nghề và giúp người dân tự tin đến khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Khi có đủ nguồn nhân lực chất lượng, các cơ sở y tế công lập thu hút được người bệnh, thì đội ngũ nhân viên y tế có điều kiện tăng thêm thu nhập và trau dồi trình độ chuyên môn.

Để ngăn làn sóng dịch chuyển nhân lực từ công sang tư, Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế, huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao.

Xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế, giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Đề nghị Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số giúp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là y tế cơ sở có đủ nguồn nhân lực làm việc cần thiết, giảm cường độ làm việc cho cán bộ, viên chức ngành y tế.

Tin bài liên quan