Đó là nội dung chính được cơ quan quản lý cùng các chuyên gia đề cập đến trong Hội chợ, Triển lãm Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông TP.HCM vừa diễn ra tại Tp.HCM.
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn – Tổng giám đốc FSI, đơn vị hợp tác tổ chức sự kiện cùng Sở Thông tin & truyền thông TP.HCM cho biết, có đến 90% thông tin quan trọng tại các cơ quan nhà nước vẫn được thể hiện trên giấy và chủ yếu được lưu trữ theo phương pháp truyền thống, trên các giá kệ, kho lưu trữ...
Cùng đó, với khối doanh nghiệp, có đến 67% dữ liệu bị thất thoát do quá trình tìm kiếm, sử dụng tài liệu bản "cứng". Đây chỉ là một trong những hệ lụy mà phương pháp lưu trữ, quản lý tài liệu truyền thống.
Việc quản lý, lưu trữ và tìm kiếm tài liệu theo hình thức truyền thống không chỉ tiêu phí nguồn lực của các cơ quan, doanh nghiệp từ địa điểm tập kết, nhân sự quản lý... cho đến thời gian tìm kiếm thông tin, mà còn gây ra những hệ lụy như ảnh hưởng tới kết quả công việc, không hỗ trợ việc ra quyết định tức thời cho lãnh đạo, thậm chí tài liệu còn hư hỏng thất thoát do các yếu tố khách quan (nhiệt độ và độ ẩm, côn trùng, nấm mốc…).
Hội chợ, Triển lãm Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông TP.HCM đã thu hút 38 doanh nghiệp là các doanh nghiệp CNTT; Doanh nghiệp điện tử; và Doanh nghiệp viễn thông
Là một trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, với hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử tại TP.HCM, việc xây dựng cơ sở dữ liệu số thay thế cho cơ sở dữ liệu truyền thống (dữ liệu lưu trữ bản cứng) là một phần vô cùng quan trọng.
Hiện tại, việc xây dựng cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ, thiếu các giải pháp tích hợp, bảo mật và khai thác hiệu quả. Do đó, việc đẩy mạnh giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền phường, xã, quận, huyện và các sở ngành để đẩy mạnh cải cách hành chính là rất cần thiết.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, TP. HCM đã triển khai và tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, rất mong muốn các doanh nghiệp công nghệ Việt giới thiệu các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng thiết thực trong lĩnh vực này đến các cấp chính quyền phường, xã, quận, huyện và các sở ngành để đẩy mạnh cải cách hành chính.
"Ngoài việc tìm kiếm giải pháp số hóa để giải quyết khó khăn cho việc xây dựng chính quyền điện tử, thông qua hội chợ lần này, thành phố mong muốn có sự kết nối giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin và các doanh nghiệp ứng dụng đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Đồng thời giới thiệu các sản phẩm công nghệ Việt Nam để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân thành phố, với các tiện ích cho vấn đề giao thông, bảo vệ sức khỏe, môi trường,… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sống", ông Tuyến nói.
Phần mềm số hóa điện tử của FSI
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết: “Ngay trong lần tổ chức đầu tiên này, Hội chợ, Triển lãm Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông TP.HCM đã thu hút 38 doanh nghiệp là các doanh nghiệp CNTT; Doanh nghiệp điện tử; và Doanh nghiệp viễn thông. Tại triển lãm, nhiều công ty sẽ giới thiệu những phần mềm có chất lượng cao, triển khai trên diện rộng phục vụ cho xây dựng chính quyền điện tử thành phố, đơn cử như: Hệ thống quản lý khách hàng của Tổng công ty Điện lực Thành phố, các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử của công ty FPT, tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT),…"
Trong số các gian hàng trưng bày tại hội chợ lần này, FSI cũng giới thiệu giải pháp số hóa tài liệu chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013, và ISO 9001:2015 góp phần giảm thiểu các khó khăn trong xây dựng chính quyền điện tử và giải quyết các vấn đề lưu trữ, khai thác dữ liệu tại doanh nghiệp".