6 tháng, Các trụ cột chính đều suy giảm
Liên tục từ đầu năm tới nay, một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế là sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản luôn trong trạng thái suy giảm, do tình hình thiên tai, hạn hán xâm nhập mặn kéo dài. Tính chung trong 2 quý đầu năm, lĩnh vực này tăng trưởng âm 0,18%.
Trong khi đó, ngành công nghiệp chỉ tăng trưởng 7,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 9,7% cùng kỳ năm 2015. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm 2,2% do giá dầu thô chưa thực sự hồi phục, sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng không đáng kể. Kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất chậm, thể hiện sản xuất trong nước vẫn chưa thực sự phục hồi.
"Cứ khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thì đóng góp vào GDP 0,3%, tương đương với việc công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2%"
- ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê
Trụ cột lớn thứ ba là tiêu dùng cũng trong tình trạng giảm sút, khi tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với cùng kỳ 2015. Trong bối cảnh các trụ cột lớn đều suy giảm, lạm phát lại có dấu hiệu tăng trở lại, cộng với tình hình bội chi ngân sách khá căng thẳng trong 6 tháng đầu năm (ước tính lên tới gần 83.000 tỷ đồng), kinh tế 6 tháng cuối năm đang chịu rất nhiều áp lực.
Tìm động lực mạnh để thúc đẩy tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, bài toán lớn đặt ra trong 6 tháng cuối năm là phải đạt mức tăng trưởng 7,6%, đồng nghĩa với việc các trụ cột tăng trưởng phải có động lực đủ mạnh để có thể xoay chuyển theo chiều hướng phục hồi và đi lên.
Theo phân tích của ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, trước hết, cần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng thông qua thực hiện quyết liệt và đồng bộ hàng loạt giải pháp để vực dậy tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp, đảm bảo cân đối các trụ cột kinh tế then chốt này.
Cụ thể, theo ông Tuyến, lĩnh vực nông nghiệp phải có sự chỉ đạo rất quyết liệt để đạt được khối lượng lương thực lớn nhất trong vụ hè thu, thu đông và vụ ba ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, có giải pháp để khắc phục thiên tai, ô nhiễm môi trường nhằm đạt sản lượng cao trong chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, do sản lượng khai thác dầu thô quý II sụt giảm so với quý I và tăng trưởng âm, nên để sản lượng cả năm 2016 xấp xỉ năm 2015, cần phải khai thác thêm 2 triệu tấn so với kế hoạch là 14,02 triệu tấn. Đối với công nghiệp chế biến chế tạo, theo ông Tuyến, cần đạt mức tăng trưởng mạnh để có thể bù đắp cho sự thiếu hụt của ngành khai khoáng trong trường hợp không đạt được mục tiêu tăng khai thác 2 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch.
“Cứ khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thì đóng góp vào GDP 0,3%, tương đương với việc công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2%. Như vậy, nếu khai thác đúng bằng kế hoạch 14,02 triệu tấn thì ngành chế biến, chế tạo năm 2016 phải tăng trưởng trên 14% mới bảo đảm tăng trưởng GDP 6,7%”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Tuyến, mức tăng trưởng này với ngành công nghiệp chế biến chế tạo là thách thức lớn trong điều kiện nhập khẩu suy giảm như nửa đầu năm. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần có sự chỉ đạo quyết liệt và đột phá về chính sách phát triển thì mới có thể đóng góp vào việc nâng mức tăng trưởng GDP cuối năm.
Chủ động kịch bản không phụ thuộc vào dầu thô
Trường hợp không khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô, Tổng cục Thống kê đề xuất giải pháp “mềm” là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến tiền tệ trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn với lãi suất phù hợp, tăng tín dụng và cho vay, tăng đầu tư, tìm các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, khơi thông sản xuất lưu thông để thị trường tăng trưởng mạnh hơn, thúc đẩy tiêu dùng, kích cầu góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Song song các giải pháp này, động lực quan trọng thứ hai là đẩy nhanh việc cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong gia nhập thị trường và đầu tư sản xuất – kinh doanh; tiếp tục triển khai mạnh kế hoạch tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này; tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, nhằm khơi thông kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF), để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, tại kịch bản mà NCIF đã xây dựng cần đảm bảo các yếu tố điều hành chính sách hiệu quả, các nỗ lực cải cách pháp lý và môi trường đầu tư cần được tăng cường. Cùng với đó, hiệu quả đầu tư trong nước cần tiếp tục được cải thiện, tận dụng được các cơ hội bước đầu từ thực thi các hiệp định tự do thương mại đã ký kết như thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Một yếu tố quan trọng mà NCIF nhấn mạnh là đảm bảo kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm đi cùng với điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt, trong đó tỷ giá tương đối ổn định, lãi suất điều hành duy trì ở mức trung bình 6%/năm và cung tiền, tín dụng đạt mục tiêu đã đề ra. Ngoài ra, đầu tư công vẫn cần đảm bảo là trụ cột cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mức tăng trung bình trên 7-7,5%.