Đẩy mạnh tiến độ các dự án hạ tầng được xem là một trong những động lực phát triển kinh tế năm 2014
Những bất ngờ cuối năm
Ngày 20/12/2013, khi Báo Đầu tư tổng kết kế hoạch năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đến dự và chia sẻ rằng, tăng trưởng GDP năm 2013 có thể chỉ đạt 5,39%, thấp hơn con số 5,4% dự báo trước đó.
“Tất nhiên, vẫn còn mấy ngày nữa để cập nhật. Hiện Tổng cục Thống kê đang tính toán lại con số này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói như vậy.
Và thật bất ngờ, khi sáng 23/12, Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng GDP năm 2013 ước đạt 5,42% - tuy vẫn không đạt mục tiêu đề ra, nhưng cao hơn 0,03 điểm phần trăm so với con số Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhắc tới. 0,03 điểm phần trăm tưởng nhỏ bé, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Đó là kết quả của những nỗ lực mà các cấp, các ngành trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua một thời gian khá dài tập trung cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
“Chúng tôi đã tính toán một cách thận trọng và 5,42% là con số chính xác, minh bạch và công khai”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định khi được hỏi vì sao có hai con số khác nhau như vậy.
Trong khi đó, bất ngờ cũng đến vào 2 tháng cuối năm, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 và tháng 12 - tháng có Tết Dương lịch - chỉ tăng rất thấp. Tháng 11 tăng 0,34%, còn tháng 12 tăng 0,51% so với tháng trước. Với kết quả này, lạm phát cả năm chỉ ở mức 6,04% - thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, trong khi chỉ trước đó 4 tháng, khi CPI tháng 8/2013 bất ngờ tăng tốc tới 0,83%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại về diễn biến bất thường của CPI và dự báo rằng, lạm phát năm 2013 sẽ ở quanh ngưỡng 7%.
Một bất ngờ khác, khi chỉ trong 2 tháng cuối năm, cán cân thương mại đã đảo chiều, để cả năm, xuất siêu 863 triệu USD. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 14 tỷ USD, còn khu vực trong nước nhập siêu hơn 13,1 tỷ USD. Đóng góp tới 88,4 tỷ USD trong tổng số hơn 132 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khiến khu vực này trở thành một trong những động lực của tăng trưởng. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh cũng đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2013.
Tương tự, thu hút FDI cũng là một ẩn số, khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 15/12, cả nước thu hút được 21,6 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký mới và tăng thêm. Nhưng cùng với con số đó, là một tiết lộ: vẫn còn 1,48 tỷ USD tăng vốn của Dự án Lọc dầu Vũng Rô chưa được tính vào đó. Và vì thế, con số chốt cả năm, ít nhất sẽ là 23 tỷ USD.
Nhưng một bất ngờ còn lớn hơn, khi ngân sách không hụt thu vào những phút cuối. Và cũng vào những ngày cuối cùng của năm, Ngân hàng Nhà nước công bố, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành đến ngày 27/12 đạt hơn 11%, tăng mạnh so với tỷ lệ 9,5% của ngày 22/12 trước đó. Khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% được người đứng đầu ngành này - Thống đốc Nguyễn Văn Bình - cho là rất khả thi.
Câu chuyện không phải chỉ là việc đạt được hay không mục tiêu kế hoạch năm của một ngành, mà quan trọng hơn, khi tín dụng - huyết mạch của nền kinh tế - được khơi thông, tăng trưởng kinh tế vì thế có “cơ” đạt được ở mức cao hơn trong năm sau.
Tìm động lực tăng trưởngnăm 2014
Một năm khó khăn, nhưng cuối cùng, nền kinh tế Việt Nam đã có được một mức tăng trưởng hợp lý, cộng thêm sự ổn định một cách cơ bản của kinh tế vĩ mô.
Nhiều “điểm nghẽn” của nền kinh tế cũng đã được xử lý. Chẳng hạn, nợ xấu, được mua thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào khoảng 36.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu 30.000 - 35.000 tỷ đồng đặt ra trước đó.
Thị trường ngoại tệ và tỷ giá ngoại tệ cơ bản ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, dự trữ ngoại hối cao hơn khá nhiều so với đầu năm.
Tồn kho của nền kinh tế cũng phần nào được giải tỏa, khi tính tại thời điểm ngày 1/12/2013, tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ còn tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2012, trong khi con số của cùng thời điểm năm 2011 là 23%, còn năm 2012 là 20,1%.
Nhưng thêm một năm nữa, Việt Nam có một mức tăng trưởng thấp. Câu hỏi đặt ra là, liệu năm 2014, Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra là 5,8%? Và sẽ phải dựa vào đâu để tăng trưởng?
Câu trả lời được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đó là phải tiếp tục dựa vào vốn và tài nguyên để tăng trưởng và phát triển.
Nhìn vào diễn biến của nền kinh tế năm 2013, có thể đặt nhiều kỳ vọng cho năm 2014. Khi tín dụng được khơi thông, cộng thêm mục tiêu tăng dư nợ tín dụng năm nay đã cao hơn, khoảng 12-14%, thì nền kinh tế sẽ có thêm “dưỡng chất” để phát triển.
Một hiệu ứng tất yếu, khi luồng vốn được khơi thông, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. 2014 là năm cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp một cách quyết liệt và triệt để, để vực dậy sản xuất ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
Việc Chính phủ quyết định nâng trần bội chi lên 5,3% và phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ cũng được cho là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Vốn đầu tư sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2014, đồng thời tạo nền tảng cho tăng trưởng những năm sau.
“Khu vực FDI cũng sẽ là một động lực cho tăng trưởng, nhất là khi khu vực này tạo được sức lan tỏa tới các doanh nghiệp nội địa”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI bày tỏ quan điểm.
Một động thái cũng rất đáng chú ý, đó là vào những ngày cuối năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã thoái vốn thành công ở ABBank, Bảo hiểm Toàn cầu và các doanh nghiệp khác như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh..., thu về hàng trăm tỷ đồng.
Quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn đang được thực hiện. Và nếu thành công, đây sẽ là nguồn lực quý giá để tập trung cho đầu tư phát triển.
“Chúng ta cũng phải tìm mọi cách để huy động vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Phải cải cách thể chế, quan trọng nhất là tạo ra khung khổ pháp lý cho lĩnh vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công...”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ.
Một trong những “cần câu” quan trọng nhất đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đó là Nghị định về đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Sự hợp nhất các quy định pháp lý liên quan đến các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, PPP… đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ chế đủ sức hấp dẫn, vốn ngoại sẽ đổ vào Việt Nam và tạo nền tảng cho tăng trưởng, phát triển.
Và bài toán tái cơ cấu
Câu chuyện đi tìm động lực cho tăng trưởng 2014 mới đang dừng ở bề nổi, nghĩa là vẫn thiên về tăng trưởng bằng vốn và tài nguyên. Trong khi để có được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn, cần tăng trưởng bằng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
“Bất cập lớn nhất của nền kinh tế, đó là dù tăng trưởng đã được cải thiện, nhưng chất lượng chưa cao và chưa bền vững”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận xét và chứng minh bằng tỷ lệ đóng góp yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá lớn. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, tương ứng mức đóng góp của yếu tố vốn và lao động là 68,19% và 23,11%; 55,53% - 26,8%; 59,16% - 30,86%; và 55,79% - 17,12%.
“Điều đó có nghĩa rằng, đóng góp cho tăng trưởng của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) rất thấp”, ông Lâm nói và viện dẫn các con số 51,32% của Hàn Quốc, 36,18% của Malaysia; 36,14% của Thái Lan và 35,19% của Trung Quốc so với con số 19,59% của Việt Nam để chứng minh, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa cao.
“Quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra khá chậm và đây cũng là yếu tố gây cản trở cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam”, ông Lâm nói.
Thực ra, đây đã là điều được nhắc tới lâu nay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện chất lượng tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi không sớm cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam có thể sẽ chỉ dẫm chân tại chỗ. Và dù tăng trưởng GDP năm 2014 có đạt mục tiêu 5,8%, còn năm 2015 là 6 - 6,2% đi chăng nữa, thì khó có thể hy vọng tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn sau.
>>Chốt chỉ tiêu tăng trưởng 5,8% kinh tế 2014