Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại lao động nhằm tăng hiệu suất làm việc tại doanh nghiệp cũng là yếu tố góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại lao động nhằm tăng hiệu suất làm việc tại doanh nghiệp cũng là yếu tố góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Tìm động lực phục hồi từ mục tiêu tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Tốc độ tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 không chỉ là mục tiêu cao để phấn đấu, mà còn gánh vai trò bàn đạp cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ 2021-2025.

Gánh vác mục tiêu nhiệm kỳ

Trong Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua vào chiều nay (12/11), mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được đặt ở mức 6-6,5%, tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP khoảng 4%.

Đây là 2 chỉ tiêu có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận trong các phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022. Khá nhiều lo ngại về tính khả thi.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP cần được đánh giá cẩn trọng hơn. Lý do là, chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến đạt được trong năm nay là 3-3,5% mà Chính phủ báo cáo Quốc hội cũng khó đạt, khi phải có được mức tăng trưởng 8,6% trong 3 tháng cuối năm.

“Tôi e rất khó. Từ nay đến tháng 6/2022 là giai đoạn phục hồi, sau đó mới phát triển được”, đại biểu Vân nhận định.

Trong báo cáo thẩm tra Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Ủy ban Kinh tế, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 cũng là nội dung được đề nghị cân nhắc, dù đây là các chỉ tiêu cao để phấn đấu. Ủy ban Kinh tế lý giải, Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng các kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2022, căn cứ diễn biến của Covid-19 để đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cùng các giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) lại cho rằng, mức tăng trưởng 6,5% của năm 2022 phải đạt được để tạo đà cho các năm tiếp theo vươn tới tốc độ 7-8%.

“Có như vậy mới bù đắp được cho những năm đầu của kỳ chiến lược. Vì mục tiêu đến năm 2030, chúng ta đã đề ra là trở thành nước có thu nhập trung bình cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân phải đạt 6,5-7%/năm”, ông Huân nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đình Cung đồng tình với quan điểm của đại biểu Huân. Không những thế, ông cho rằng, ngay cả khi đạt được mức tăng 6-6,5% trong năm 2022, thì khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ này vẫn rất khó khăn.

Theo tính toán của ông Cung, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể chỉ khoảng 2%, thấp hơn dự kiến của của Chính phủ. Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong 5 năm 2021-2025, thì từ năm 2022 đến 2025 phải đạt bình quân 7%/năm.

“Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, năm 2022 sẽ là một năm vất vả nếu nhìn vào các mục tiêu phải hoàn thành. Nhưng, tôi ủng hộ cách đặt chỉ tiêu cao, với nguyên tắc phải đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ, để thấy áp lực rất lớn, nhưng cũng thấy động lực thay đổi rất lớn để thực hiện các mục tiêu này”, ông Cung nói.

Khởi đầu các kế hoạch phục hồi và tăng trưởng thực chất

Lo ngại về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng đang đặt cho năm 2022 là thực tế nếu nhìn vào tình hình kinh tế các tháng cuối năm 2021. Trong các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã nhắc đến tình hình dịch bệnh còn phức tạp, việc mở cửa các ngành dịch vụ vẫn đang trong kế hoạch đầy thận trọng, sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn nhiều…

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nhắc đến tình trạng tổng cầu của nền kinh tế giảm rất thấp. Tổng cung cũng đang khó khăn khi sự trở lại của doanh nghiệp khá e dè, bởi các giải pháp phòng chống dịch vẫn cần thêm thời gian để đạt được sự thông suốt. Hơn thế, việc điều chuyển, phân bổ lại các nguồn lực vẫn chưa thông suốt.

Nhưng theo các đại biểu Quốc hội, các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2022 không tách rời kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đồng thời phải là một phần trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang thiết kế cho giai đoạn 2022-2023.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) còn nhìn thấy không chỉ phục hồi kinh tế, mà hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

“Đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và trình Quốc hội ban hành Chương trình Phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022-2023 nhằm khắc phục những tổn thất về kinh tế trong 2 năm 2020-2021 và tạo tiền đề cho phát triển bền vững trong các năm sau. Nội dung của chương trình này cần gắn với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022”, ông Sơn nói rõ.

Có thể thấy, các nhiệm vụ, giải pháp đang đặt cho Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 cũng như những dự kiến gói hỗ trợ kích thích kinh tế sẽ là cơ sở đảm bảo cho tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022, bên cạnh yêu cầu đầu tiên là kiểm soát dịch bệnh.

Song điều này cũng là lý do để ông Sơn đề xuất tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDP như Chính phủ trình trong kế hoạch 2022. “Tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hàng năm, nhưng dù sao dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ, khi phải linh hoạt ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát”, ông Sơn phân tích.

Giới chuyên gia kinh tế cũng mong muốn một khoản ngân sách hỗ trợ đủ lớn, đủ diện rộng cho 2 năm tới. Quan điểm của ông Cung là gói hỗ trợ để kích cầu nền kinh tế, chứ không chỉ dành cho an sinh xã hội, nên phải thực sự đủ lớn.

“Nhiều đề nghị cho là khoảng 1-2% GDP, tôi chờ đợi con số lớn hơn, cho giai đoạn 2022-2023 và có thể kéo đến 2024”, ông Cung nói.

Cùng với đó, để doanh nghiệp trở lại mạnh mẽ, các gói hỗ trợ đang được đề nghị thực chất, đúng đối tượng. Hiện tại, tổng nguồn chi cho các gói hỗ trợ được cho là quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp.

Với tình hình hiện nay, rõ ràng, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, các gói giải pháp phục hồi sẽ đóng vai trò không nhỏ trong tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng năm 2022 và các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Chiều nay (12/11), các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025.

Cũng trong chiều nay, các nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được biểu quyết thông qua.

Tin bài liên quan