Tìm động lực cải tiến hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Tìm động lực cải tiến hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức, một vấn đề đáng quan tâm được các chuyên gia chỉ ra, đó là hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chưa thể cải thiện so với nguồn lực đang nắm giữ, dù đã tiến hành tái cơ cấu trong nhiều năm. 

Tăng trưởng bất cân xứng với nguồn lực

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tỷ trọng của DNNN trong hệ thống doanh nghiệp (DN) tuy giảm, nhưng tổng giá trị vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào DNNN trong những năm gần đây vẫn tăng. So với các khu vực khác, năm 2017, DNNN chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh, nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần. Như vậy, để tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn so với khối DN FDI và DN tư nhân.

“Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng của DNNN chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra là doanh thu và nguồn lực đầu vào bao gồm tài sản, vốn kinh doanh, làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN và kinh tế nhà nước. Khu vực này đang ngày càng có xu hướng thâm dụng vốn, tài sản và các nguồn lực đất đai, nhân lực so với các khu vực khác”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận xét.

Đáng chú ý, lợi nhuận và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực DNNN vẫn dựa chủ yếu vào một vài doanh nghiệp lớn, trong đó riêng doanh thu từ 3 DN có doanh thu hợp nhất lớn nhất là Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chiếm hơn 50% doanh thu các tập đoàn nhà nước.

Phần lớn doanh thu, lợi nhuận của DNNN tập trung vào ngành nghề có mức cạnh tranh thấp, còn ở lĩnh vực thương mại, công nghiệp, chế tạo - những ngành có tính cạnh tranh cao - hiệu quả kinh doanh không đáng kể.  Một trong những nguyên nhân, theo CIEM, là do ở nhiều DNNN vẫn tồn tại phổ biến tình trạng các công ty con sử dụng đầu vào của nhau, sản phẩm của DN này lại là đầu vào của DN khác...

"Chu trình này tạo ra hệ lụy đáng ngại là hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN không tuân theo quy luật thị trường, không có sự cạnh tranh, khiến hiệu quả ngày càng giảm sút. Đây cũng là lý do tại sao nợ bình quân phải trả của khu vực DNNN lên tới 3,1 lần, cao hơn so với mức trung bình 2,1 lần của các DN Việt Nam nói chung”, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhận định. 

Tạo động lực mới

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, yêu cầu cải cách DNNN đang đặt ra ngày càng cấp thiết. Bởi vậy, trong thời gian tới, việc cổ phần hoá, thoái vốn phải càng được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, nên giảm tối đa vốn đầu tư nhà nước tại các DNNN để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.

“Còn nếu đã có vốn nhà nước, thì dù ở đâu, với tỷ lệ ít hay nhiều, đều phải được giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ để tránh thất thoát và giảm hiệu quả đồng vốn nhà nước”, ông Tiến nói.

Nhấn mạnh việc tuân thủ pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch việc cổ phần hóa, ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cập nhật quy định về khái niệm DNNN, vốn nhà nước trong DNNN, cũng như xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Bên cạnh đó, chính sách về tiền lương và lao động cũng cần thay đổi, thang bảng lương cần dựa trên hiệu quả kinh doanh.

“Làm việc với một số DNNN, tôi thấy rằng, tại đơn vị kinh doanh hiệu quả hay thua lỗ, mức lương cho lãnh đạo đơn vị được 'cào bằng" ở mức 36 triệu đồng/tháng. Như vậy sẽ không tạo ra động lực phát triển”, ông Giang nêu ý kiến.

Để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực phát triển mới cho các DNNN, ông Giang đề xuất, cần tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, người quản lý DN; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN.

Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả DNNN theo tiêu chuẩn áp dụng đối với các công ty đại chúng; đẩy mạnh áp dụng thông lệ quản trị quốc tế đối với khối DNNN, cũng như tạo hành lang pháp lý để DNNN ứng dụng công nghệ…

Tin bài liên quan