Tại đây, các dân chơi công nghệ có thể tìm thấy các mẫu điện thoại cổ ra đời cách đây hàng chục năm, những phiên bản đặc biệt (limited)... với giá rẻ "như cho".
Chiếc Nokia 8800 Gold này tuy bị mất một số phím và màn hình ngả màu nhưng vẫn hoạt động bình thường. Thử gắn sim và nghe gọi, máy vẫn cho chất lượng cuộc gọi tốt nhưng ngạc nhiên hơn cả là giá bán của nó chỉ 400.000 đồng.
"Nếu em không mua giờ, sẽ có người mua mất đấy!", chủ gian hàng nói. Quả thực, chỉ 10 phút sau khi đi quanh khu chợ, chiếc máy đã có người khác mua mất.
Thỉnh thoảng ở đây xuất hiện những chiếc iPhone đời đầu. Hai chiếc iPhone 3 này có tổng giá chỉ 200.000 đồng. Tuy nhiên, một chiếc đã bị hư phím nguồn, còn một chiếc không mở khóa được. Máy thường được mua về để lấy linh kiện hoặc mở khóa để bán lại.
Bên cạnh điện thoại, máy ảnh cổ cũng xuất hiện khá nhiều. Trong hình là một mẫu máy ảnh của Polaroid. Đáng ngạc nhiên, nó vẫn có thể sử dụng được, dù chủ yếu được mua về để trưng bày hoặc dành cho các nhà sưu tầm.
Bộ ba máy quay, máy ảnh phim Olympus và thiết bị đo sáng Sekonic không còn nhiều trên thị trường. Chủ cửa hàng muốn bán cả ba kèm chiếc cặp da với giá một triệu đồng.
Nhiều mẫu máy ảnh phim khác cũng xuất hiện tại khu đồ cổ này, chúng đều có giá trị sưu tầm và được bán với giá rất rẻ.
Tại khu chợ phiên, khách tham quan còn dễ dàng tìm thấy những chiếc máy hát dùng đĩa nhựa (đĩa vinyl, đĩa than, LP...) hay băng cassette, băng video...
Chiếc radio "huyền thoại" của hãng National vốn từng có mặt trong rất nhiều hộ gia đình những năm trước đây. Thiết bị hoạt động tốt, được bán với giá chưa tới 100.000 đồng.
Một chiếc máy đánh chữ còn nguyên vẹn.
Ngoài ra, điện thoại bàn cổ, bóng bán dẫn cho ampli đèn, máy ảnh compact... cũng được bày bán. Tuy nhiên, chúng không xuất hiện thường xuyên.
Theo anh Duy, một nhà sưu tầm đồ công nghệ cũ, có khi vài tháng anh mới tìm được cho mình món hàng ưng ý.
Ngoài đồ công nghệ, khu chợ còn là nơi tập hợp của hàng nghìn món đồ cổ khác, có giá từ vài nghìn đồng đến hàng chục nghìn USD, từ bàn là con gà, muỗng, nĩa bạc đến đá quý, vàng bạc...
"Ở đây người ta bán nhiều đồ cũ nhưng cũng không phải là không có hàng giả. Người mua nên tìm hiểu kỹ sản phẩm, tự trang bị cho mình kiến thức về thứ cần mua, hoặc nhờ người có kinh nghiệm đi mua cùng. Đó là cách tốt nhất để tránh trường hợp mua 'hớ', tiền mất tật mang", anh Duy chia sẻ.