Tìm đỉnh mới…

Tìm đỉnh mới…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa khép lại một tuần giao dịch đầy cảm xúc và thiết lập những kỷ lục mới.

Dòng tiền nội trỗi dậy mạnh mẽ, không chỉ hấp thụ hết lượng cổ phiếu của khối ngoại xả ra mà còn khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lập đỉnh mới về thanh khoản khi phiên giao dịch ngày 3/11, thanh khoản của 3 sàn đạt gần 1,5 tỷ cổ phiếu, tương ứng 52.000 tỷ đồng, tăng 42% so với phiên trước đó. Trong đó, HOSE đạt gần 43.000 tỷ đồng, HNX 5.343 tỷ đồng, UPCoM gần 3.400 tỷ đồng.

Dòng tiền nội đang cuồn cuộn đổ vào thị trường trong tuần khiến các phiên giao dịch có thanh khoản tăng rất mạnh. Chỉ tính thanh khoản trong 3 phiên đầu tháng 11 (T+3), dòng tiền đổ vào thị trường lên tới 128.700 tỷ đồng, riêng HOSE là 100.000 tỷ đồng.

Những nhóm ngành được cho là ì ạch nhất như ngân hàng đã phần nào ghi nhận sự tích cực trở lại, riêng phiên lập đỉnh 3/11 có thanh khoản tăng 146,18% so với phiên trước đó (tăng gần 2,5 lần) và có tỷ trọng giao dịch khớp lệnh tăng mạnh so với trung bình những phiên giao dịch gần đây.

Sau phiên giảm điểm mạnh cộng với thanh khoản lịch sử lại đến 2 phiên thị trường lấy lại sắc xanh. Nhìn cách các mã tăng giá hàng loạt, có cảm giác về một phiên “tranh hàng” chất lượng đã được thực hiện trong tuần. Nhiều mã giảm mạnh để rồi ngay hôm sau, giá đã tăng trần trở lại tương ứng tạo sự rung lắc dữ dội khiến cho nhiều nhà đầu tư cá nhân “rớt hàng”.

Có lẽ nhiều nhà đầu tư đã phải chấp nhận thực tế mặt bằng giá nay đã khác. Khi VN-Index vượt 1.200 điểm, một nền giá mới cho hầu hết cổ phiếu được thiết lập. Nay khi VN-Index vượt 1.420 điểm và có vẻ như đang đi vào một con sóng mới, có lẽ chúng ta lại một lần nữa phải chấp nhận cuộc chơi mới với nền giá cao hơn. Những nhà đầu tư ôm tiền với tâm lý “cổ phiếu cao quá", đợi rẻ lại mới mua có thể vuột trôi cơ hội.

Điểm đặc biệt của thị trường tuần qua là sự luân phiên xoay chuyển tăng giá của các nhóm ngành quan trọng để nâng đỡ tâm lý thị trường, tránh cho Index giảm sâu trong những phiên điều chỉnh...

Điển hình như khi nhóm bất động sản xuất hiện tín hiệu điều chỉnh mạnh thì nhóm ngân hàng ngay lập tức trỗi dậy. Ngay sau ngân hàng, nhóm chứng khoán lại lên tiếng và tiếp theo là nhóm dầu khí, thủy hải sản, phân đạm…

Việc luân phiên này giúp cho các nhóm ngành vừa tăng vừa điều chỉnh, hấp thụ dòng tiền một cách rất đều và hợp lý.

Điều này cũng đem đến một sự lưu ý với nhà đầu tư, sự luân phiên này không đủ dài nên cần cân nhắc kỹ việc đảo danh mục.

Nếu cứ tất tay vào một dòng nào đó, khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều thì khả năng cao sẽ không có lãi sau T+3, gây chán nản dễ dẫn đến cắt lỗ... Vậy nên nhiều người chọn giữ tỷ trọng danh mục hợp lý, mà trong đó có đủ các dòng trọng điểm để khi mã này điều chỉnh, vẫn có mã khác tăng đẹp nâng đỡ danh mục.

Thông tin được kỳ vọng lớn trong thời gian này và sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng đến tháng 12 năm nay khi Quốc hội tiếp tục kỳ họp trực tiếp vào hôm nay (8/11) để thảo luận và quyết nghị gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô 800.000 tỷ đồng đã được Chính phủ đề xuất. Đây cũng là chủ đề được Báo Đầu tư Chứng khoán chọn để cắt nghĩa và phân tích sâu trong số báo này.

Mỗi nhóm doanh nghiệp, mỗi nhóm ngành sẽ hưởng lợi khác nhau từ gói kích cầu nếu được thông qua, nhưng niềm tin và sự kỳ vọng về một tương lai sáng hơn cho doanh nghiệp là rất rõ ràng.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết được công bố cũng cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực và kiên cường vượt qua những khó khăn từ đại dịch, duy trì được kết quả tốt, đồng thời có dư địa tăng trưởng tích cực quý cuối năm cũng như năm 2022.

Đây cũng chính là liều thuốc tăng lực giúp thị trường chứng khoán tiếp tục tiến về phía trước.

Tin bài liên quan