Tìm điểm sáng trong bức tranh chứng khoán 2019

Tìm điểm sáng trong bức tranh chứng khoán 2019

(ĐTCK) Trong lá thư gửi tới các đầu tư trước thềm năm mới với nhan đề “Looking Ahead at 2019” của VinaCapital có nhiều nội dung đáng chú ý. 

Trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đang điều hành kinh tế đúng hướng, lạm phát được kiểm soát tốt, thị trường tiền tệ ổn định, dòng vốn nước ngoài tiếp tục gia tăng, tiêu dùng nội địa tăng trưởng, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong ngành điện tử.

Nhưng hội nhập mạnh mẽ chính là nguyên nhân khiến những yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nhiều hơn trong năm 2019.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dẫn đến giả thuyết rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ chủ trương phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ. Nhưng cũng có một lý do có thể khiến vấn đề này không quá trở nên căng thẳng bởi trong 5 năm qua, theo thống kê, các công ty Trung Quốc đã vay tới 3.000 tỷ USD khi đồng nội tệ bị phá giá mạnh.

Ðó sẽ là con dao hai lưỡi, cắt vào thịt doanh nghiệp Trung Quốc khi phải trả nợ đắt đỏ hơn. Ðã có những kinh nghiệm thương đau cho trường hợp này xảy ra với các doanh nghiệp vay nợ bằng USD và có nguồn thu từ đồng baht, rupee trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á thủa nào.

Chiến tranh thương mại ở một số góc độ có ảnh hưởng tích cực với nền kinh tế Việt Nam khi nhiều tập đoàn Mỹ, châu Âu, châu Á… chuyển sang đầu tư vào Việt Nam thay vì cứ điểm Trung Quốc và chọn các công ty Việt Nam để hợp tác nhập khẩu thay thế doanh nghiệp Trung Quốc. Những nhà cung cấp nguyên liệu cho Apple như GoerTek, Manwah và Pegatron đã tuyên bố lên kế hoạch chuyển sang Việt Nam nếu thuế nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tăng mạnh. Kinh doanh khu công nghiệp và kho vận sẽ là những ngành được hưởng lợi.

Một điểm sáng khác là Việt Nam không nhất thiết phải tăng lãi suất như nhiều người hàng xóm để bảo vệ tiền đồng, vì thặng dư thương mại trong năm 2018 đạt hơn 7 tỷ USD, chiếm hơn 3% GDP. Năm 2019, triển vọng khả quan về thặng dư thương mại chắc chắn sẽ tiếp tục.

Vậy tại sao vừa qua chứng khoán Việt Nam lại có đợt điều chỉnh mạnh, kéo dài tới 10 phiên liên tiếp như vậy? Nguyên nhân chính được nhìn nhận là giới đầu tư chịu áp lực tâm lý từ những phân tích chi tiết về bức tranh tăng trưởng EPS (thu nhập trên cổ phần) của các ngành.

Các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn hóa thị trường như ngân hàng, bất động sản được dự đoán sẽ giảm tốc độ tăng trưởng EPS trong năm 2019. Việc giảm tăng trưởng EPS của thị trường chứng khoán Việt Nam là khá tương đồng với xu hướng thế giới khi ngay ở Mỹ, mức tăng 20% đạt được trong năm 2018 được dự báo giảm xuống còn 10% trong năm 2019.

Dẫu vậy, nhìn trong cả bức tranh lớn của khu vực, chứng khoán Việt Nam năm 2019 vẫn khá cạnh tranh khi PE ước ở mức 14 lần, tương tự Thái Lan, Indonesia và thấp hơn Malaysia (15,6 lần), còn tăng trưởng EPS trung bình đạt 12%, cao hơn mức 9% và 7% của Thái Lan, Malaysia.

Chứng khoán Mỹ phiên giữa tuần qua tăng điểm lịch sử khi Dow Jones tăng hơn 1.000 điểm, mức tăng cao nhất trong gần một thập kỷ qua. Tình trạng giảm điểm mạnh của các cổ phiếu trước đó là "một cuộc đình công" của các nhà đầu tư khi họ mất niềm tin vào các nhà hoạch địch chính sách trên thế giới. Dù vậy, thời gian sẽ giúp họ sớm lấy lại niềm tin. 

Tin bài liên quan