Tìm địa vị pháp lý cho condotel

Tìm địa vị pháp lý cho condotel

(ĐTCK) 56,6% ý kiến cho rằng pháp lý chưa rõ ràng là nút thắt lớn nhất hãm dòng vốn đầu tư vào loại hình căn hộ khách sạn, thường được gọi với cái tên quen thuộc là condotel.
 

Đó là cuộc khảo sát đối với khoảng 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tham dự Hội thảo “Đầu tư condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp” ngày 16/3 vừa qua. Điều đáng nói, sự kiện vừa diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Quy Nhơn, Bình Định này được đánh giá là hội thảo quy mô lớn nhất về phân khúc condotel với sự tham dự của 4 bộ có liên quan mật thiết đến việc tạo lập hành lang pháp lý cho condotel là Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp, Văn hóa Thể thao & Du lịch.

Dẫu chỉ là cuộc lấy ý kiến trên diện hẹp, con số này nói lên điều gì? Trong khi, theo tiết lộ của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, năm 2017 có tới 23.000 sản phẩm condotel được chào bán, trong đó lượng giao dịch thành công chiếm 65-70%.

Nó khẳng định một điều rằng, nếu được gỡ vướng về pháp lý, chắc chắn sản phẩm đầu tư này sẽ còn phát triển rực rỡ. Có thể kỳ vọng điều này, bởi sức cầu sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, là rất đáng lạc quan.

Người đứng đầu ngành du lịch ước đoán rằng, năm 2018 này, dự kiến Việt Nam sẽ đón 15,5-16 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 80-85 triệu lượt khách nội địa so với con số 13 triệu lượt khách quốc tế, 75 lượt khách nội địa của năm 2017. Và năm 2020, chỉ tiêu 20 triệu lượt khách quốc tế sẽ nằm trong tầm tay.

Bên cạnh đó, condotel được cho là khoản đầu tư “vừa sức” với nhiều người khi nó chỉ khoảng trên, dưới 1 tỷ đồng. Và cam kết lợi nhuận phổ biến từ 8-12%/năm trong khoảng 8-10 năm được cho là khá hấp dẫn so với lãi suất tiền đồng đang ổn định ở mức trung bình 5-7%/năm. Cũng cần nói thêm là từ khi sản phẩm này xuất hiện ở Việt Nam năm 2015 đến nay, hầu hết chủ đầu tư đều tuân thủ đúng cam kết về lợi nhuận, ngoại trừ trường hợp duy nhất của Bavico Nha Trang.

Một sản phẩm hạ tầng du lịch thiết yếu, có sức cầu lớn như vậy, tại sao vẫn bị vướng vòng luẩn quẩn về địa vị pháp lý? Và tại cuộc hội thảo diễn ra cuối tuần qua, vẫn có những tranh luận khá trái chiều về việc liệu đã có một hành lang pháp lý cơ bản cho việc đầu tư, kinh doanh và sở hữu sản phẩm condotel? Trong đó, nổi lên ba vấn đề lớn nhất là liệu có thể coi condotel là một sản phẩm nhà ở để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; nếu cấp thì cấp có thời hạn hay lâu dài và có nên cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu condotel…

Cả ba vấn đề này, đại diện có thẩm quyền của các bộ ngành đều mới dừng ở cấp độ “ghi nhận” mà chưa có một giải pháp gỡ rối nào được đưa ra. Nguyên nhân được một số người cho rằng, sản phẩm đầu tư này chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015, khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã được ban hành nên không được nhắc đến trong luật.

Kể cả khi Luật Du lịch 2017 có nhắc đến khái niệm “căn hộ du lịch” thì nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm. Bởi như một nhà đầu tư thứ cấp trao đổi với người viết bên lề hội thảo, rằng condotel rất hấp dẫn nhưng họ vẫn “phập phồng” khi đứa con không thể làm giấy khai sinh một cách đàng hoàng.

Còn với các chủ đầu tư và chính quyền địa phương, sự “bùng nhùng” pháp lý sẽ khiến sức cầu với condotel sẽ không thể tăng như nó đáng có. Đồng thời, sự mù mờ này rất dễ đẩy chính quyền địa phương vào thế “vượt rào” luật pháp nếu muốn hỗ trợ các chủ đầu tư condotel.

Vậy nên, có một điều thống nhất cao tại cuộc hội thảo nhiều tranh luận trái chiều cuối tuần qua là cần gấp rút đề xuất điều chỉnh địa vị pháp lý cho condotel.

Quan điểm của Bộ Xây dựng và nhận được sự thống nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng như Tổng cục Du lịch là nếu condotel nằm trong các dự án bất động sản du lịch thì nên cấp sổ đỏ có thời hạn 50 - 70 năm, còn nó tọa lạc trên khu vực đất thổ cư thì nên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.

Khẳng định việc minh định địa vị pháp lý của condotel là cần thiết, nhưng ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, chờ sửa luật, từ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… thì lâu quá. Với tinh thần cho phép người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực nào pháp luật không cấm, các bộ ngành liên quan nên ban hành một thông tư liên tịch hướng dẫn vấn đề này.

Gợi ý này dường như được chủ nhà của sự kiện này rất tán thưởng khi dù MC đã thông báo chấm dứt thảo luận nhưng ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC vẫn “xin” phát biểu thêm để kiến nghị 4 bộ liên quan ban hành một thông tư liên tịch về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với “đất ở không hình thành đơn vị ở” đối với condotel.

Điều mà ông Quyết cho rằng, không chỉ hỗ trợ các địa phương có dự án, hỗ trợ các chủ đầu tư, tạo yên tâm cho các nhà đầu tư thứ cấp mà còn khiến du lịch Việt Nam cất cánh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan