Ký hợp đồng mua nhà tại dự án Astral City Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn

Ký hợp đồng mua nhà tại dự án Astral City Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn

Tìm "đất tốt" cho dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo nhận định của giới chuyên môn, thị trường bất động sản đã “chạm đáy” và đang chờ "địa lợi, nhân hòa" để bật dậy, mở ra cơ hội “đón lõng” sóng hồi.

Những chỉ báo hồi phục

Sau thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản bước vào quý III/2023 với những chuyển biến tích cực đến từ những quyết sách gỡ vướng của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để tạo dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay. Việc lãi suất cho vay trong xu hướng giảm dần được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng tiền chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác để hưởng lợi suất đầu tư cao hơn, trong đó bất động sản là kênh được chú ý. Bên cạnh đó, lãi suất đảo chiều là chỉ dấu quan trọng cho thấy giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua và chu kỳ phục hồi bắt đầu, dù tốc độ còn hạn chế.

Ở góc độ thị trường, dù “băng” chưa tan trên diện rộng, nhưng tín hiệu tích cực đã xuất hiện nhiều hơn, một trong số đó là việc dòng tiền bắt đầu quay trở lại với thị trường bất động sản, đầu tiên xuất phát từ các chủ đầu tư.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, sau thời gian dài án binh bất động, từ đầu tháng 7 trở lại đây, hàng loạt chủ đầu tư khu vực phía Nam đã khởi động trở lại các dự án.

Đơn cử, vào đầu tháng 8, Tập đoàn Danh Khôi tổ chức lễ khởi động loạt dự án trọng điểm tại Bình Dương, Nha Trang và Đà Nẵng.

Tại TP.HCM, các chủ đầu tư Vinhomes, Nam Long, Hưng Thịnh, Masterise Homes, Novaland, Phú Long… triển khai đồng loạt các dự án quy mô lớn. Chẳng hạn, Vinhomes tung ra thị trường khu căn hộ Glory Heights; Hưng Thịnh chào sân dự án Avata Thủ Đức; Nam Long đưa ra giai đoạn tiếp theo dự án Akari City, Mizuki Park; Masterise Homes giới thiệu dự án Masteri Centre Point tại quận 9…

Trong khi đó, Novaland tái khởi động các đại dự án Aqua City, Novaworld Phan Thiết… ở Đồng Nai, Bình Thuận. Tại khu vực miền Trung, Hưng Thịnh công bố phân khu mới của dự án Merry Land Quy Nhơn với giá khoảng 1 tỷ đồng/căn; Sun Cosmo Residences Đà Nẵng chính thức ra mắt căn hộ với giá từ 60-85 triệu đồng/m2…

Theo ông Đoàn Thanh Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Property X, chưa thể nói diễn biến lúc này là sôi động, song việc đồng loạt tái khởi động dự án ở nhiều địa phương là tín hiệu cho thấy dòng tiền bắt đầu được bơm vào thị trường.

“Sẽ có độ trễ nhất định cho sự phục hồi trở lại sau cơn bạo bệnh, song có thể thấy được là thị trường đang từng bước phục hồi và chờ thời điểm thích hợp để bật lên”, ông Ngọc nói.

Đấu giá mua các lô đất. Ảnh: Lê Toàn

Đấu giá mua các lô đất.

Ảnh: Lê Toàn

Đâu là cơ hội “đón lõng” sóng hồi?

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Vietnam, mặc dù giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi, nhưng cũng chưa thể xác định cụ thể thời điểm hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến lịch sử cho thấy, sau mỗi giai đoạn khó khăn, đến khi phục hồi thì thị trường bất động sản thường bật dậy rất mạnh, khiến nhà đầu tư không kịp chuẩn bị và không còn nhiều cơ hội mua được giá tốt và sản phẩm có vị trí đẹp. Do đó, người có nguồn vốn hạn hẹp phải sử dụng đòn bẩy tài chính không nên mạo hiểm lúc này, song với người có sẵn dòng tiền tích lũy thì đây là cơ hội tốt.

Về sản phẩm đầu tư, trong giai đoạn này, các sản phẩm có pháp lý đầy đủ và tiến độ xây dựng đảm bảo sẽ ít rủi ro hơn. Tương tự, về khu vực đầu tư, nơi nào có sức cầu tiềm năng trong kinh doanh và nhu cầu ở thực lớn sẽ an toàn. Lấy ví dụ với thị trường nhà phố và căn hộ tại TP.HCM, mặc dù thời gian qua thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng giá không hề giảm, một phần do nhu cầu lớn trong khi nguồn cung ngày càng khan hiếm.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings cho rằng, tại TP.HCM, giá bất động sản sẽ khó giảm sâu nhưng cũng ít khả năng tăng mạnh vì thị trường đã thực sự bão hòa. Ngược lại, với các thị trường mới nổi, những khu vực được quy hoạch bài bản và đang trong giai đoạn đô thị hóa cao sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn.

Theo ông Sang, nhìn vào sự phát triển của hạ tầng giao thông, quy hoạch của các địa phương có thể nhận diện được cơ hội của thị trường thời gian tới. Theo đó, nơi nào có được các yếu tố trên sẽ thu hút mạnh dòng tiền đầu tư khi thị trường phục hồi.

“Chẳng hạn, tại thị trường bất động sản Bình Thuận, sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác, thị trường này càng thêm hấp dẫn, trong đó một số dự án ven biển được đầu tư bài bản luôn có lượng giao dịch thứ cấp ổn định ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, bởi đây là thị trường vừa đáp ứng nhu cầu ở thực, vừa có khả năng khai thác kinh doanh cao”, ông Sang nói và cho biết thêm, ngoài Bình Thuận, một số khu vực có nhiều tiềm năng khác phải kể đến là Cam Ranh, Cam Lâm của tỉnh Khánh Hòa - nơi được quy hoạch trở thành “thành phố sân bay”, lại được bao bọc bởi bờ biển đẹp trải dài, trong khi tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Phan Thiết đến Nha Trang cũng đã gần như hoàn thành, nên trong tương lai gần sẽ mở ra nhiều cơ hội.

Bên cạnh các thành phố biển, theo các chuyên gia, những khu vực đang được đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, có tốc độ đô thị hóa cao… cũng là những địa chỉ tốt để “đón lõng” cơ hội, trong đó có thể kể đến Long Thành (Đồng Nai), được ví như “sân sau” của TP.HCM trong xu thế giãn dân sẽ có nhu cầu nhà ở rất lớn, đồng thời còn là nơi hình thành sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.

Hay như Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi duy nhất của miền Đông Nam Bộ gắn với bờ biển dài và đẹp, đặc biệt gần đây có thêm một loạt dự án hạ tầng được đầu tư như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng đường ven biển…, mục tiêu phát triển từ nay đến năm 20230 là trở thành khu vực đáng sống, tạo ra giá trị, nâng cao sự phồn vinh, hạnh phúc cho mọi người dân địa phương.

Tin bài liên quan