Năng lực sản xuất lớn
Ngành vật liệu xây dựng đang đứng trước khó khăn chưa từng thấy do năng lực sản xuất lớn, đầu ra thu hẹp vì thị trường bất động sản trầm lắng. Liên tiếp 3 năm trở lại đây, xi măng, sắt thép, gạch ốp lát… đều trong cảnh cắt giảm sản xuất vì tiêu thụ kém, dẫn đến dòng tiền để trả nợ tổ chức tín dụng và thanh toán chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào rất khó khăn.
Những năm qua, sản xuất vật liệu xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc nhờ lượng vốn lớn đầu tư của doanh nghiệp. Trong đó, xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng tốp đầu thế giới. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD).
Gạch ốp lát đã được đầu tư đạt tổng công suất 831 triệu m2/năm, với tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện tại khoảng 4 tỷ USD. Sứ vệ sinh được đầu tư với tổng công suất 26 triệu sản phẩm/năm; tổng mức đầu tư ước 1 tỷ USD.
Trong khi đó, kính được đầu tư với tổng công suất 5.900 tấn thủy tinh/ngày (tương đương 331 triệu m2 kính/năm), tổng mức đầu tư ước tính 2 tỷ USD.
Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép. Sản xuất thép thô mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, trong khi thiếu hụt sản phẩm thép chất lượng cao, thép kỹ thuật. Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu thép cán (chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu), chủ yếu là thép cán nóng.
Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022). Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thừa nhận, các doanh nghiệp ngành thép rất khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, bế tắc đầu ra.
Năng lực sản xuất lớn, nhưng do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng việc thị trường bất động sản chưa phục hồi, dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng đang rất nguy cấp.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Giải pháp tình thế cho việc thiếu đầu ra là các doanh nghiệp phải dừng một số dây chuyền, dẫn đến dòng tiền để trả nợ tổ chức tín dụng và chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào rất khó khăn. Nhiều nhà máy xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh sản xuất không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, nợ xấu”.
Báo cáo từ các hiệp hội (xi măng, kính, gốm sứ…), năm qua, có 42 dây chuyền xi măng dừng sản xuất 1 - 6 tháng, trong đó, một số dây chuyền dừng cả năm (tương ứng công suất phải dừng hoạt động chiếm 30% tổng công suất thiết kế); kính xây dựng từ năm 2023 đến nay có 3 dây chuyền phải dừng sản xuất trên 6 tháng, một dự án dừng chưa triển khai xây dựng; sản lượng sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung giảm, công suất khai thác đạt 40% công suất thiết kế; sản lượng gạch ốp lát năm 2023 đạt 360 triệu m2, chỉ bằng 45% tổng công suất thiết kế của các dây chuyền đã hoạt động.
Nửa đầu năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh ngành vật liệu vẫn u ám. Chẳng hạn, sản lượng sản xuất xi măng, clinker và tiêu thụ của hệ thống doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục giảm mạnh, kéo doanh thu toàn Vicem giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng sản xuất clinker 6 tháng đầu năm 2024 của Vicem giảm 7,8%, xi măng đạt 9,77 triệu tấn, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 11,45 triệu tấn, bằng 47,6% kế hoạch năm.
“Cầu vẫn rất yếu khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các dự án đầu tư công triển khai chậm. Trong khi đó, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu, xuất khẩu khó hơn, giá bán giảm”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vicem chia sẻ về khó khăn hiện tại.
Nhìn rộng ra toàn ngành xi măng, tổng sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm đạt 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; các nhà máy chỉ chạy 70-75% tổng công suất thiết kế; tồn kho lũy kế hiện là 5 triệu tấn.
Trong khi đó, ngành thép đang chật vật cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA lo ngại: “Với việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa”.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam.
Luỹ kế 5 tháng năm 2024, cả nước nhập khẩu 7,48 tỷ USD sắt thép các loại, tăng 26,3%, trong đó riêng thép nhập từ Trung Quốc đạt 4,77 tỷ USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Mấu chốt phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng
Cầu vật liệu xây dựng trong nước suy giảm do đầu tư xây dựng trong nước giảm sút, nhiều công trình, dự án hạ tầng và nhà ở chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ. Bên cạnh đó, cước vận tải tăng làm tăng giá bán vật liệu xây dựng, cộng thêm hàng nhập khẩu đổ bộ, khiến cạnh tranh tiêu thụ càng thêm khó.
Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị giải pháp là đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở, tăng cường triển khai xây dựng đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đồng thời, tăng sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép với dự án đường bộ cao tốc, sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng, sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng các công trình giao thông... Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn về tài chính, cơ cấu nợ và các khoản vay...
Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để khơi thông đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng, mấu chốt phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng, tăng tốc giải ngân đầu tư công, thúc thị trường bất động sản với trọng tâm là các dự án ở xã hội, nhà ở công nhân, từ đó dần gỡ khó cho ngành vật liệu.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 190.600 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 21,5%).
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhìn nhận: “Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các dự án này sớm được triển khai sẽ là cơ hội cho ngành vật liệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án lớn như sân bay Long Thành, hay cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ giúp tình hình tiêu thụ xi măng được cải thiện”.
Trông chờ vào các tín hiệu kích thích sự chuyển động của bất động sản và tốc độ giải ngân đầu tư công, song các ngành sản xuất cũng thận trọng và đánh giá kỹ về cơ hội phục hồi trong nửa cuối năm, dựa vào thực trạng sản xuất, cung - cầu thị trường.
Chẳng hạn, với ngành xi măng, sự phục hồi còn khá mong manh do rủi ro từ nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, nguồn cung quá lớn, dư thừa công suất clinker trong nước hiện vượt 50 triệu tấn.
Với ngành thép, sự phục hồi vẫn hạn chế, vì đơn hàng chỉ tập trung chủ yếu với các doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Trong khi đó, lượng lớn hàng nhập khẩu tiếp tục tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Trong tình hình hiện tại, VSA đề nghị sớm có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn, bởi đặc thù của các dự án sản xuất thép cần chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.
Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành cần kiểm soát vấn đề nhập khẩu, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xây dựng các công trình tiêu thụ nhiều vật liệu xây dựng trong nước, đồng thời đề ra các cơ chế, chính sách để khuyến khích như giảm thuế, phí, lệ phí…
Liên quan tháo gỡ khó khăn tài chính, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cho phù hợp.
Trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam tăng trưởng mạnh, đạt công suất năm khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).
Tổng doanh thu hàng năm của ngành vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11% GDP quốc gia. Các nhà máy vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép ngày càng được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu.
Nguồn: Bộ Xây dựng, VSA