Tìm cộng sự phù hợp nhìn từ câu chuyện Phở Thìn

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ riêng trong ngành kinh doanh ăn uống, mà với bất cứ start-up nào, lựa chọn người đồng hành phù hợp là điều tối quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển thành công và bền vững.

Tháng 2 vừa qua, dư luận xôn xao trước vụ tranh chấp xoay quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, giữa một bên là nhà sáng lập thương hiệu, ông Nguyễn Trọng Thìn và một bên là chàng trai sinh năm 2001 Đoàn Hải Trung, người tự xưng là CEO thương hiệu và “truyền nhân” của ông Thìn, dù cả hai không có quan hệ ruột thịt.

Nếu bỏ qua những diễn biến chính trong vụ việc này, thì câu chuyện giữa ông Thìn và Đoàn Hải Trung có thể coi là mâu thuẫn giữa những người cộng sự với nhau. Bởi trước đó, cả hai bên từng hợp tác về vấn đề nhượng quyền, từng cùng nhau xuất hiện trong nhiều sự kiện trước khi mối quan hệ trở nên căng thẳng.

Từ góc độ một người trong ngành ẩm thực, cũng là người khởi nghiệp thành công với hai thương hiệu nhà hàng cao cấp là T.U.N.G Dining và A By Tung, CEO Hoàng Tùng nhìn nhận, câu chuyện Phở Thìn tuy chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng phản ánh bức tranh lớn về kinh doanh, về việc tìm kiếm đối tác cùng tầm nhìn, tư duy và con đường muốn đi.

Trong câu chuyện Phở Thìn, sự kết hợp kinh doanh giữa những người khác thế hệ, khác tầm nhìn đã tạo ra nhiều khó khăn cho thương hiệu ở thời điểm hiện tại. Với trải nghiệm của bản thân mình, CEO Hoàng Tùng cho rằng, khi chọn lựa đối tác kinh doanh trong mảng ẩm thực, các nhà sáng lập nên hướng tới những người sẽ thực sự “nằm gai, nếm mật” cùng mình. Đó phải là những người có kinh nghiệm và sẽ đóng góp nhiều giá trị riêng trong nhà hàng. Đặc biệt, khi các thế hệ khác nhau cùng làm chung, thì mỗi bên đều cần cân nhắc kỹ lưỡng.

"Chọn cộng sự là việc rất quan trọng, bởi nếu không cùng chí hướng, tầm nhìn, thì không thể đi tới thành công; sớm hay muộn cũng sẽ gặp vấn đề rất lớn", CEO sinh năm 1992 khẳng định.

Thực tế, để lựa chọn đồng sáng lập hoặc những người cộng sự phù hợp, mỗi start-up cần bỏ nhiều thời gian lẫn công sức trong quá trình tìm hiểu, chọn lọc.

Theo một số chuyên gia trong mảng khởi nghiệp, trước hết, start-up cần hỏi ứng viên về đường hướng phát triển trong tương lai, xem họ có hiểu và phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu chung của start-up không.

Thứ hai, hỏi ứng viên về mục tiêu và lý tưởng cuộc đời của họ, để tìm hiểu những tác động nào mà họ có kỳ vọng sẽ đóng góp được cho start-up; dành thời gian tìm hiểu tính cách, phong cách quản lý của người đó, xem có phù hợp với kỳ vọng của nhà sáng lập hay không.

Thứ ba, hỏi ứng viên về những giá trị cụ thể họ có thể đóng góp cho sự phát triển chung của start-up.

Các chuyên gia cũng đồng ý rằng, với một start-up, không nên có quá nhiều người tham gia ban điều hành, để tránh tình trạng khó “điều hòa” các luồng ý kiến. Để đảm bảo sự đa dạng về quan điểm trong khi vẫn giữ được sự kỷ luật, sự tập trung, sự gắn bó và cam kết cao, thì 5 người là con số hợp lý cho các start-up ở giai đoạn sớm cho đến vòng gọi vốn series B và 7 là con số phù hợp cho các công ty ở giai đoạn tiếp theo tới giai đoạn trước khi tiến hành IPO.

Tin bài liên quan