Tìm cơ hội với cổ phiếu nhỏ ngành BĐS

Tìm cơ hội với cổ phiếu nhỏ ngành BĐS

(ĐTCK-online) Hầu hết cổ phiếu bất động sản đang giao dịch xung quanh mức giá 10.000 đồng/CP hiện nay có đặc điểm là không lỗ và chưa báo lỗ.

Đây chính là cơ sở để nhiều nhà đầu tư lựa chọn mua vào các cổ phiếu này với mức độ rủi ro thấp và hưởng lợi suất vừa phải khi TTCK phục hồi. Nhưng không phải cổ phiếu nào cũng đều có khả năng phục hồi cùng thị trường.

Với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm là 12 tỷ đồng, cổ phiếu CLG của CTCP Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec đã giảm xuống 8.200 đồng/CP cách đây 3 tuần trước khi phục hồi trở lại mức ngang bằng mệnh giá hiện nay.

Giống như những công ty bất động sản khác, tiến độ bán hàng dự án của CLG chậm lại khiến cho bảng cân đối kế toán không được đẹp, khi với số vốn chủ sở hữu 122 tỷ đồng nhưng CLG đã vay dài hạn 208 tỷ đồng, vay ngắn hạn 81 tỷ đồng.

Nhưng nhìn từ góc độ khác, các dự án của CLG đều đang triển khai và bán hàng. Dự án Blue Saphia Resort Vũng Tàu vẫn đang triển khai xây dựng. Dự án có 36 căn biệt thự đã bán khoảng 2/3; 390 căn hộ đã bán được 68%. CLG cũng đang triển khai một số dự án chung cư tại TP. HCM.

Cổ phiếu PXL của CTCP Đầu tư xây dựng thương mại dầu khí Idico đang được chú ý vì đã tăng 5 phiên, trong đó có 4 phiên tăng trần, mà giá hiện chỉ là 5.300 đồng/CP. Trong khi đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của PXL đạt gần 17 tỷ đồng, so với 800 tỷ đồng vốn điều lệ là rất thấp nhưng chưa đến mức thua lỗ. Nguồn vốn của Công ty đang tập trung triển khai xây dựng dự án Chung cư Huỳnh Tấn Phát; dự án Thương mại Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương; dự án Khách sạn Dầu khí Lam Kinh đã đưa vào sử dụng...

Sau khi giải trình 5 phiên tăng trần liên tiếp từ 9.000 đồng lên 12.500 đồng/CP, cổ phiếu CDC của CTCP Chương Dương đã giảm về 11.500 đồng/CP, mức giá sàn cuối tuần trước.

Lý do cổ phiếu tăng trần liên tiếp theo giải trình của CDC là do giá đã thấp hơn giá trị sổ sách là 17.000 đồng/CP. Không thua lỗ, lợi nhuận của CDC đạt được không cao nhưng với tài sản đem lại nguồn thu ổn định là tòa nhà văn phòng Acic Chương Dương và khu đất dự án Golden đang kêu gọi hợp tác đầu tư thì cổ phiếu CDC đang bị định giá thấp.

Không bị giảm dưới mệnh giá nhưng cổ phiếu HQC của CTCP Tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân cũng đang đứng trước nguy cơ này nếu thị trường kéo dài chu kỳ điều chỉnh. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT HQC đang đăng ký bán 4,5 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận. Trước đó, ông này đã bán 4 triệu cổ phiếu. Đây là sự thoái vốn của cổ đông sáng lập (giao dịch thỏa thuận khi cổ phiếu giá thấp, chờ giá lên cao bán dần ra trên thị trường) hay thực chất là giải quyết tài chính cá nhân cũng là một câu hỏi khiến thị trường e ngại.

Hiện HQC có khoản phải thu, nợ người mua trả tiền trước cũng như nợ phải trả khá lớn. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng của HQC là 3,26 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của công ty mẹ chỉ còn 1,43 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Bình Dương (PPI) chỉ đạt 5,9 tỷ đồng lợi nhuận trên vốn điều lệ 122 tỷ đồng. Trong đợt tăng giá chung của thị trường vừa qua, giá cổ phiếu PPI không vượt lên trên mệnh giá. Việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của PPI trông đợi đáng kể vào việc bán dự án Long Hội City. Cho đến thời điểm này, chưa có thông tin chính thức về kết quả bán dự án này, do đó khả năng thực hiện được một phần hay hoàn thành kế hoạch lợi nhuận còn để ngỏ.

Một điểm đáng chús ý ở các công ty bất động sản có cổ phiếu trong tình trạng thị giá thấp nói trên là đều sử dụng vốn vay khá lớn so với vốn chủ sở hữu để triển khai các dự án dang dở (trừ PXL). Đây là rủi ro khá lớn, nhưng rủi ro có thể sớm biến thành cơ hội nếu DN có khả năng bán hàng để dần dần giảm tỷ lệ nợ xuống.

Vì vậy, khi đầu tư vào các DN này, nhà đầu tư nắm được thông tin về hoạt động bán hàng của DN sẽ có lợi thế khi lựa chọn đúng cổ phiếu có khả năng bật tăng trở lại.