Đà phục hồi từ giữa tháng 5 giúp VN-Index tiến lên vùng 1.300 điểm, nhưng đây cũng là ngưỡng cản tâm lý khá mạnh đối với thị trường. Ông dự cảm thế nào về diễn biến thị trường những ngày tới?
Mốc 1.300 điểm của VN-Index là ngưỡng cản kỹ thuật mạnh, nhưng có thể đây chưa phải là điểm kết thúc sóng hồi này.
Theo tôi, nhịp tăng của chỉ số VN-Index từ 1.156 điểm kéo dài đến nay chỉ là nhịp sóng hồi khá trong một downtrend dài hạn.
Mốc 1.300 điểm là ngưỡng cản kỹ thuật mạnh, nhưng đây chưa phải là điểm kết thúc sóng hồi này. Do 1.300 điểm vừa là ngưỡng cản kỹ thuật vừa là ngưỡng cản tâm lý nên khi vượt 1.300 điểm sẽ kích thích những nhà đầu tư cầm tiền sốt ruột mua vào và sẽ đẩy lên vùng 1.327 +/- 3 và đây sẽ là đỉnh của nhịp sóng hồi này.
Tôi dự báo đây sẽ là đỉnh của thị trường trong tháng 6 và thậm chí là của cả 2 quý tới. Sau khi chạm ngưỡng 1.327 +/- 3 điểm, khả năng cao VN-Index sẽ về mốc tiếp theo là 1.225 +/- 3 điểm (giảm khoảng 100 điểm từ đỉnh).
Tuy nhiên, do xác định là sóng hồi nên một số trường hợp chỉ số có thể kết thúc đột ngột trước mốc dự báo. Nếu mốc 1.200 điểm bị phá vỡ, thậm chí VN-Index có thể về tiếp 1.100 điểm nếu những thông tin vĩ mô không được cải thiện.
Những yếu tố nào được cho là sẽ tác động mạnh đến thị trường trong giai đoạn tháng 6 này, theo ông?
Vấn đề quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán hiện nay là lạm phát và hành động của ngân hàng trung ương các nước đối phó với lạm phát nên cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tháng 6 này sẽ là thông tin đáng chú ý và có khả năng tác động mạnh tới thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam trong 2 tuần tới.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, yếu tố quan trọng tác động tới thị trường là dòng tiền mà thời gian vừa qua bị tác động mạnh bởi việc siết chặt thị trường trái phiếu, trong khi đó hiện không có một nguồn số liệu nào cung cấp đầy đủ thông tin về lượng trái phiếu "rác" đã được phát hành và cần phải xử lý trong thời gian tới. Vì vậy, tôi cho rằng thị trường sẽ khá thận trọng trước thời điểm chốt số liệu báo cáo quý II và báo cáo quý III.
Trong ba tuần qua, những nhà đầu tư bắt đáy đều đã có lợi nhuận khi hàng về tài khoản, tuy vậy đa số nhà đầu tư vẫn chưa “về bờ”. Như ông nói, thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi ở vùng đỉnh của sóng hồi trong downtrend. Ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư ở giai đoạn này?
Trên quan điểm nhịp tăng vừa qua chỉ là sóng hồi và chỉ số khả năng cao chỉ số VN-Index tạo đỉnh quanh vùng 1.327 +/- 3 điểm, tôi cho rằng nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lãi hàng bắt đáy hoặc hạ tối đa tỷ trọng hàng kẹp khi VN-Index vượt 1.300 điểm, hạn chế tối đa sử dụng margin trong giai đoạn này.
Chỉ số VN-Index có thể vẫn còn khả năng tăng tiếp, vượt 1.300 điểm nhưng nhiều cổ phiếu yếu hơn thị trường đang có dấu hiệu tạo đỉnh trước chỉ số chung. Vì vậy, nhà đầu tư không nên quá coi trọng chỉ số, mà nên quản trị theo danh mục của cá nhân mình và chủ động bán dần theo chiều lên trong 2 tuần đầu của tháng 6, vì nửa cuối tháng 6, thị trường có thể sẽ khá tiêu cực khi Fed đối phó với lạm phát.
Lãi suất tiết kiệm trong chiều hướng đi lên, dòng tiền rẻ đang dần hạn chế, do vậy, rất khó để có sóng cho toàn bộ các cổ phiếu như 2 năm qua. Ở thời điểm hiện tại, theo ông, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp/ngành nào đang có lợi thế?
Khi thị trường vào downtrend thì chỉ có khoảng 5% số cổ phiếu có thể đi ngược xu hướng chung, vì vậy, xác suất chọn đúng hàng trong giai đoạn này là việc rất khó.
Để ra quyết định đầu tư, tôi cho rằng, chỉ có 2 nhóm ngành có tiềm năng:
Một là nhóm ngành bán lẻ, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cho tới khi số liệu lạm phát tại Việt Nam có dấu hiệu tăng mạnh thì bán ra;
Hai là nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ, liên quan tới điện và nước.