Thị trường chứng khoán luôn rất nhạy cảm với thông tin. Ảnh: Dũng Minh.

Thị trường chứng khoán luôn rất nhạy cảm với thông tin. Ảnh: Dũng Minh.

Tìm cơ hội trong dòng chảy thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với các nhà đầu tư chứng khoán, thông tin luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu và trong “biển” thông tin như hiện nay, việc xây dựng một hệ thống “màng lọc” riêng sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra được quyết định đầu tư hợp lý.

Nhiễu loạn thông tin

“Chất lượng suy nghĩ của bạn được quyết định phần nhiều do chất lượng thông tin mà bạn có về việc đó”. Câu nói này của Brian Tracy phần nào cho thấy vai trò của tin tức với mỗi người. Riêng với các nhà đầu tư, trong “ngồn ngộn” thông tin trên môi trường internet, việc sàng lọc để sử dụng một cách có hiệu quả chưa bao giờ là chuyện cũ.

Tiếp nhận thông tin là bước đầu tiên trong quá trình xử lý thông tin và với nhiều nhà đầu tư, việc tiếp nhận, tiếp cận thông tin ngày càng chủ động hơn. Trong nhiều lĩnh vực, chứng khoán có lẽ là ngành nghề mà thông tin tác động nhiều nhất đến tâm lý đầu tư.

Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2022, thị trường chứng khoán chứng kiến không ít pha chao đảo do thông tin thất thiệt, chẳng hạn như tin đồn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối việc tăng vốn của một số công ty chứng khoán và hậu quả là nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán la liệt nằm sàn, góp phần khiến chỉ số VN-Index giảm tới hơn 43 điểm, giá trị vốn hóa trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) “bốc hơi” 164.973 tỷ đồng, tương ứng hơn 7 tỷ USD (phiên giao dịch ngày 17/1/2022).

Nhiều trường hợp khác liên quan đến các lời đồn bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp, ví dụ như trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX (mã GEX), tin đồn kiểu này khiến cổ phiếu GEX và các cổ phiếu liên quan như IDC, VGC, VIX, PXL đồng loạt giảm giá mạnh. Mặc dù sau đó doanh nghiệp nhanh chóng đưa ra phản hồi về những tin đồn thất thiệt này, nhưng cổ phiếu GEX vẫn mất hơn 17% giá trị với 5 phiên liên tiếp giảm sâu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE, bất kỳ thông tin nào khi phát ra cũng sẽ tác động đến thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp cũng như nhóm ngành có liên quan. Tuy nhiên, thông tin có tốt, có xấu, nên nhà đầu tư cần phải tìm hiểu xem thông tin đó xuất phát từ nội tại doanh nghiệp hay ở bên ngoài, bởi một cổ phiếu tốt vẫn có thể giảm giá nếu thị trường kém tích cực và trong trường hợp này, đây là cơ hội để mua được các cổ phiếu tốt giá rẻ.

“Trước các tin đồn thất thiệt, nhà đầu tư không nên vội vã bán tháo mà cần giữ cái đầu lạnh, tỉnh táo đánh giá và lựa chọn từng mã cổ phiếu trên danh mục của mình. Nếu muốn bắt đáy, nhà đầu tư cần chọn được cho mình cổ phiếu tốt. Việc tái cơ cấu danh mục cũng là một sự lựa chọn hợp lý, bởi khi có những luồng thông tin tung ra sẽ kéo theo làn sóng cảm xúc ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Khi đó, sẽ có một nhóm nhà đầu tư ồ ạt thoát hàng mà không quan tâm đến các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác”, ông Giang khuyến nghị.

Còn ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Le Group chia sẻ, nguồn phát tán tin giả thường xuất phát từ các trang mạng không chính thống, trang cá nhân trên mạng xã hội, thậm chí có những trang mạng thường xuyên phát tán tin giả, tin thất thiệt.

Ảnh tác giả

Vấn nạn tin giả có xu hướng ngày càng gia tăng và tinh vi hơn, xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả những cơ quan báo chí, trang thông tin chính thống đôi khi cũng vô tình đăng tải lại tin giả, nên việc nhận diện là không dễ dàng.

Ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Le Group

Theo ông Vinh, vấn nạn tin giả có xu hướng ngày càng gia tăng và tinh vi hơn, xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả những cơ quan báo chí, trang thông tin chính thống đôi khi cũng vô tình đăng tải lại tin giả, nên việc nhận diện là không dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc nhận biết như nguồn tin xuất phát từ nơi không xác tín, nguồn tin lạ, hoặc thông tin chỉ từ một nguồn duy nhất và không xuất hiện ở các nguồn tin khác cũng có khả năng cao là tin giả.

Để đánh giá chất lượng tin tức, ông Vinh cho rằng, cần thực hiện kiểm tra chéo từ nhiều nguồn tin khác, chẳng hạn có thể kiểm tra từ các hãng thông tấn quốc tế uy tín thường đưa tin chuẩn xác như The New York Times, Reuters, Bloomberg, AP…, trong nước là thông tin từ các nguồn chính thống như Cổng thông tin Chính phủ, Thông tấn xã...

“Tóm lại, người dùng cần tìm đến những nguồn tin có độ tin cậy cao như cơ quan báo chí chính thống xem có đăng tải các thông tin này không và kiểm tra chéo. Với một luồng thông tin gây tranh chấp, cần tìm hiểu thông tin từ cơ quan quản lý, đối tác… để xác minh tính chính xác của thông tin, vụ việc”, ông Vinh lưu ý.

Nhận diện tin thật

Thực tế, có rất nhiều nguồn công bố thông tin diễn biến kinh tế, ngành nghề, doanh nghiệp… và một nhà đầu tư thành công sẽ biết cách xây dựng cho mình hệ thống “màng lọc” riêng, nắm bắt và phân tích để biết được đâu là thông tin có giá trị, mang độ chính xác cao, từ đó đào sâu nghiên cứu, phân tích để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Chia sẻ thói quen khai thác thông tin, ông Nguyễn Đình Nam, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam (IPA Vietnam) cho biết, với các văn bản chính thống, ông thường tìm hiểu từ cổng thông tin của Chính phủ, các bộ, ngành, sau khi tra cứu xong sẽ kết nối với mạng lưới riêng gồm các luật sư, chuyên gia trong ngành để trao đổi thêm. Với lĩnh vực tư vấn đầu tư, theo ông Nam, đơn vị tư vấn phải tìm hiểu và nắm rõ thông tin đầu tiên, bởi có như vậy thì mới tư vấn được cho nhà đầu tư, khách hàng.

“Đơn cử như câu chuyện thuế thu nhập doanh nghiệp 17%, nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các tiêu chí. Do đó, đơn vị làm về tư vấn phải hiểu để giải thích cho khách hàng, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, bởi thường thì nhóm khách hàng này chỉ quan tâm đến mức quy định là 17% chứ không để ý các vấn đề khác. Do đó, phải nắm vững các tiêu chí, quy định để tư vấn cho khách hàng hiểu thấu đáo”, ông Nam nêu dẫn chứng.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho hay, với các nhà đầu tư chứng khoán, thông tin luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu và trong “biển” thông tin đa dạng như hiện nay, nhà đầu tư nên tìm đến những đơn vị/doanh nghiệp chủ động minh bạch hoạt động kinh doanh, công bố thông tin hoạt động chính xác, đều đặn…

Trường hợp nhà đầu tư theo đuổi các cổ phiếu có nhiều luồng thông tin khác nhau thì phải chấp nhận có thông tin không chính xác. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có nhiều luồng tin, thông tin bên lề thì cổ phiếu thường có biến động giá lớn.

Biên độ biến động giá càng lớn thì kỳ vọng lợi nhuận càng nhiều, nhưng cũng đồng nghĩa với việc rủi ro càng cao, bởi khi xuất hiện thông tin trái chiều, cổ phiếu những doanh nghiệp này thường giảm giá mạnh hơn so với những cổ phiếu khác.

“Để đảm bảo an toàn, hiệu quả từ việc tiếp nhận, khai thác thông tin trên không gian mạng, nhà đầu tư nên nhìn vào những doanh nghiệp, cổ phiếu có lịch sử minh bạch, công bố thông tin hoạt động đều đặn, ít biến động… và xem đây như một chỉ báo về chất lượng nguồn tin”, ông Tuấn khuyến nghị.

Tin bài liên quan