Thanh khoản thị trường vững, giá nhiều cổ phiếu, trong đó có những cổ phiếu lớn như ACB, HDB, VPB, CTD... sau ba bốn phiên tăng chỉ điều chỉnh rất nhẹ nhàng và tiếp tục tăng lên hoặc tích lũy ở ngưỡng giá mới.
Nhóm cổ phiếu nhỏ có tính đầu cơ cao hơn, khi giảm giá mạnh đã thu hút dòng tiền vào bắt đáy như LDG, HHS, HQC, LCG... và chưa có dấu hiệu điều chỉnh mạnh.
Trong bức tranh tổng quan về thị trường, số cổ phiếu tăng mạnh không quá nhiều, nhưng rõ ràng tâm lý đầu tư nhìn chung là lạc quan.
Dù thông tin dịch bệnh tăng lên mỗi ngày, nhưng không có chuyện nhà đầu tư sợ hãi bán tháo. Dòng tiền đang chọn lọc những cổ phiếu chạm ngưỡng quá bán dưới tác động của nguy cơ dịch bệnh bùng phát lần 2.
Nhiều nhận định cho rằng, mốc 840 điểm của VN-Index sẽ là ngưỡng thử thách với thị trường trong tuần giữa tháng 8. Dòng tiền chảy vào chứng khoán khá vững với thanh khoản quanh 5.000 - 6.000 tỷ đồng/phiên.
Ở thời điểm này, nhiều nhà đầu tư dường như nhìn thấy cơ hội cho đầu tư dài hơn việc chốt lời ngắn hạn.
Các cổ phiếu của các doanh nghiệp có cơ hội hưởng lợi từ đầu tư công đang được gọi tên một lần nữa.
Lần này, nhiều người tin rằng, khi dịch bệnh xuất hiện trở lại đến mức đe dọa tăng trưởng kinh tế, vốn đầu tư công sẽ được giải ngân mạnh mẽ hơn để giữ đà tăng trưởng cho nền kinh tế chung.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, kỳ vọng đẩy mạnh đầu tư công chuyển dần sang nửa cuối năm 2020 và năm 2021, dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai hơn trong năm 2020 nhờ việc chuyển đổi 8 dự án từ hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.
Lũy kế đến tháng 6/2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 33,1% kế hoạch 2020, tương đương 154.362 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, với quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang.
Ðầu tư công sẽ là động lực chính hỗ trợ cho các nhóm ngành vật liệu xây dựng (thép - xi măng - nhựa đường), ngành xây dựng và một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ hạ tầng được triển khai như bất động sản (VHM, DXG, NVL, DIG, NLG…) và khu công nghiệp (GVR, D2D, SZL…).
Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng sự quay trở lại của dòng tiền khối ngoại vào thời điểm cuối năm 2020 khi MSCI có khả năng nâng hạng thị trường Kuwait từ cận biên lên mới nổi, dự kiến vào tháng 11 tới.
Ngoài ra, Việt Nam cho đến nay vẫn là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, môi trường đầu tư và định giá thị trường chứng khoán hấp dẫn cũng sẽ là những yếu tố tăng sức thu hút dòng tiền khối ngoại vào nửa cuối năm 2020 và năm 2021.
Trong khi cần thêm thời gian để đánh giá rủi ro của dịch bệnh trở lại lần 2 đến nền kinh tế và hiệu quả doanh nghiệp, thì vào thời điểm này, nhà đầu tư lớn tỏ ra không mấy quan tâm đến sóng ngắn hạn, mà đầu tư với tầm nhìn cho tương lai dài hơn.
Dịch bệnh rồi sẽ qua đi như mọi thách thức mà nền kinh tế và thị trường chứng khoán từng trải qua trong quá khứ.
Khó khăn hiện hữu có thể nhấn chìm nhiều doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp có tiềm lực tốt, ngành nghề kinh doanh cơ bản có cơ hội bật mạnh trở lại khi nền kinh tế đi qua đại dịch và chuyển mình.