Thị trường địa ốc đang trong giai đoạn khan hiếm cơ hội. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường địa ốc đang trong giai đoạn khan hiếm cơ hội. Ảnh: Dũng Minh

Tìm cơ hội trên thị trường địa ốc thời khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khan hiếm cơ hội khiến cả chủ đầu tư lẫn khách hàng phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy thanh khoản và bỏ vốn.

Dòng tiền tìm điểm giải ngân

“Hiện tại, nguồn tiền trong dân vẫn lớn. Nhiều người đang muốn tìm điểm neo đậu cho dòng tiền, phân vân giữa việc nên hay chưa đầu tư, nhưng tâm lý chung là sẽ khó cầm tiền lâu trong tay, mà phải tìm kiếm kênh đầu tư để giải ngân”. Chia sẻ này được ông Trần Quang Trung, Giám đốc Kinh doanh One Housing đưa ra trong chương trình Bàn tròn “Lạm phát và đầu tư bất động sản” mới đây.

Ông Trung cho rằng, từ năm 2021, tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư là trên đà chiến thắng và bước vào năm 2022 với nhiều kỳ vọng, nhưng có nhiều sự kiện kém tích cực xảy ra, bối cảnh xấu đi khiến thị trường “khựng” lại. Do đó, các khách hàng có xu hướng đặt thanh khoản lên hàng đầu khi lựa chọn sản phẩm.

“Đầu tư quan trọng là lợi nhuận, nhưng thanh khoản là cần nhất. Đây là giai đoạn đặc biệt cần đề cao thanh khoản”, ông Trung nhấn mạnh.

Thời điểm hiện tại cũng chứng kiến nhiều hơn việc mở rộng thị trường của các chủ đầu tư khi chủ động đem sản phẩm tiếp thị đến các thị trường mới, trong đó nhiều chủ đầu tư phía Nam đang tăng cường giới thiệu dự án ra thị trường phía Bắc thông qua cánh tay nối dài là các đơn vị phân phối Hà thành.

Đánh giá về xu hướng này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực, vì với sự tham gia nhiều hơn của các chủ đầu tư mới, nguồn cung sản phẩm sẽ đa dạng hơn và người mua nhà được hưởng lợi nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo bà An, việc phát triển thị trường ở những địa phương mới cũng đặt ra những thách thức, chẳng hạn tên tuổi và nhận diện thương hiệu của các chủ đầu tư có thể còn hạn chế với người mua nhà tại khu vực phát triển dự án. Vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động marketing thương hiệu và các dự án tiêu biểu đã thực hiện trước đó là rất quan trọng, giúp người mua nhà tại địa phương nhận biết tốt hơn cũng như có lợi cho công tác bán hàng về sau.

Nắm bắt tâm lý khách hàng

Nhiều người có ý định mua thêm bất động sản trong 1 năm tới. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều người có ý định mua thêm bất động sản trong 1 năm tới. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group cho rằng, việc nắm bắt tâm lý nhà đầu tư “bản địa” giữ vai trò rất quan trọng, bởi văn hóa đầu tư giữa 2 khu vực Bắc - Nam có sự khác biệt khá rõ rệt.

Ông Nga cho biết, các nhà đầu tư phía Bắc đang chủ yếu đầu tư “xa bờ” thông qua các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, ưu tiên là dự án ở khu vực có biển, trong dự án có bảng hàng lớn, khu vực có tiềm năng khai thác du lịch tốt để cho thuê.

“Hà Nội là nơi có nhiều người giàu, có xu hướng sưu tập bất động sản, có bất động sản ở Hà Nội rồi lại muốn có thêm tài sản ở các địa phương khác, nhất là các khu vực du lịch có biển. Ngoài ra, nhà đầu tư phía Bắc cũng khá yêu thích các chủ đầu tư phía Nam vì tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ tốt”, ông Nga nói và chia sẻ thêm rằng, do đầu tư ở xa nên điều các nhà đầu tư rất quan tâm đó là pháp lý dự án. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư phía Nam lại dành niềm tin nhiều vào uy tín chủ đầu tư. Nếu là chủ đầu tư lớn, uy tín thì sẽ dễ dàng nhận được tín nhiệm của nhà đầu tư. Nhìn chung, nhóm khách hàng phía Nam không quá quan tâm đến pháp lý như nhà đầu tư phía Bắc.

Cùng góc nhìn, bà Lê Thu Hà, Tổng giám đốc THM Land cho hay, do thị trường phía Bắc đang đói cung nên nhà đầu tư cũng bí kênh bỏ vốn. Đây là điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư phía Nam đẩy mạnh việc tiếp thị sản phẩm ra phía Bắc.

Theo bà Hà, các nhà đầu tư đang tìm kiếm những sản phẩm nghỉ dưỡng ở các thị trường du lịch lớn, minh chứng là cả hiện tại cũng như vài năm trước, các dự án nghỉ dưỡng ở Nha Trang, Phú Quốc… luôn có một tỷ lệ áp đảo là các nhà đầu tư phía Bắc. Trong khi nhiều nhà đầu tư phía Bắc mua theo hiệu ứng đám đông khi thị trường có sóng, thì các nhà đầu tư phía Nam lại mua sản phẩm vừa như ngôi nhà thứ 2, vừa để đầu tư.

“Ở phía Bắc, trong khi nhà đầu tư mới quan tâm nhiều đến pháp lý, thường đến tận nơi để xem dự án, thì các nhà đầu tư dạn dày kinh nghiệm lại coi trọng tên tuổi chủ đầu tư. Nếu đã từng đầu tư, quen sản phẩm, thương hiệu chủ đầu tư và thấy uy tín thì chỉ cần có dự án mới là họ sẽ mua, mà không cần biết dự án ở đâu”, bà Hà chia sẻ thêm.

Kỳ vọng “tăng giá”

Mặc dù có sự khác biệt về “gu” đầu tư, những một điểm chung của các nhà đầu tư là kỳ vọng tăng giá. Một báo cáo mới đây về tâm lý nhà đầu tư của Batdongsan.com.vn cho thấy, kỳ vọng giá bất động sản tăng vẫn đang là động lực, đồng thời chi phối niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường địa ốc.

Kết quả khảo sát của đơn vị này cho thấy, có 1/4 người được hỏi cho biết sẽ mua thêm bất động sản trong 1 năm tới. Trong đó, 47% mua bất động sản sơ cấp, 48% mua bất động sản thứ cấp, chỉ 5% mua bất động sản đấu giá. Lý do hàng đầu là để đầu tư (43%), sau đó là có thêm không gian cho con cái (24%), cho bản thân (21%), có môi trường sống thuận tiện hơn (23%). Về vị trí sản phẩm, phần lớn người mua bất động sản hướng tới sản phẩm trong cùng địa phương hoặc khu vực lân cận với lý do đầu tư hoặc nâng cao chất lượng sống.

Quay trở lại câu chuyện nắm bắt tâm lý thị trường, theo bà Nguyễn Hoài An, các chủ đầu tư hướng đến những thị trường mới cần lưu ý tới tâm lý, thói quen đầu tư ở thị trường đó. Bởi vậy, việc thực hiện nghiên cứu và khảo sát thị trường kỹ lưỡng trước khi phát triển và ra mắt sản phẩm để hiểu được yêu cầu và sở thích của người mua nhà tại địa phương là rất quan trọng, bên cạnh đánh giá sức cạnh tranh cũng như tìm hiểu các sản phẩm/concept còn khuyết thiếu trên thị trường.

Ngoài ra, tùy vào quy mô và số lượng dự án, chủ đầu tư cân nhắc phát triển đội ngũ nhân sự thực hiện dự án có kinh nghiệm tại địa phương hoặc hợp tác với những đơn vị tư vấn có uy tín và kinh nghiệm để cùng phát triển dự án trong tất cả các khâu, từ đánh giá tiền khả thi, thiết kế, đến bán hàng, quản lý dự án…

Tin bài liên quan