Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán tháng 11

Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán tháng 11

(ĐTCK) 2 phiên cuối tuần qua, VN-Index tăng điểm sau 5 phiên giảm điểm trước đó và diễn biến đi ngang kể từ đầu tháng 10. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) khó có thể bứt phá trong ngắn hạn, nhưng không ít cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện trong tháng 11. 

Nhiều cổ phiếu blue-chips đã giảm về vùng giá hấp dẫn

 Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Sau 1 tháng điều chỉnh giảm ở đa phần các lớp cổ phiếu và dấu hiệu tích cực trong 2 phiên cuối tuần qua thì theo phân tích kỹ thuật, có thể kỳ vọng những phiên giao dịch sôi động cho các tuần tiếp theo.

Trước đó, tôi dự báo thị trường sẽ suy giảm trong tháng 10 và VN-Index có thể giảm xuống vùng 650 điểm. Thực tế, VN-Index giảm về 670 điểm, tuy nhiên nếu loại cổ phiếu “lớn bất thường” ROS thì chỉ số thực chất giảm về vùng 650 điểm. Với việc VN-Index về vùng 650 điểm (sau khi loại ROS) và nhiều cổ phiếu blue-chips giảm giá 15 - 20% kể từ đầu tháng 10, TTCK đang ở mức khá hấp dẫn để mua vào nên tôi dự báo, thị trường sẽ có diễn biến tích cực trong 3 tuần đầu của tháng 11.

Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index có thể đạt 710 - 720 điểm vào cuối tháng 11. Nhưng với hiện tượng “méo mó” của VN-Index do ROS, tôi không tự tin vào con số cụ thể mà chỉ xác định là thị trường chung sẽ khá tích cực trong 3 tuần đầu tháng 11.

Xung quanh con số giao dịch ký quỹ (margin) tính đến cuối quý III/2016 ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tôi quan tâm nhiều hơn tới tỷ lệ dư nợ/tổng giá trị chứng khoán nhà đầu tư sở hữu hơn. Nếu con số này nhỏ hơn 40% thì tôi cho rằng vẫn an toàn. Còn con số tuyệt đối vượt đỉnh trong vòng 5 năm, đó là hiện tượng bình thường bởi VN-Index vượt đỉnh 5 năm qua thì dư nợ margin vượt đỉnh là dễ hiểu.

Tôi quan tâm con số margin tuyệt đối khi nó gần chạm đến giới hạn năng lực huy động vốn của các công ty chứng khoán. Đầu tháng 10, một trong những nguyên nhân tôi khiến tôi thận trọng về TTCK là vì có một số công ty chứng khoán lớn chưa chuẩn bị kỹ về nguồn lực nên bị chạm tới giới hạn khả năng huy động vốn trong ngắn hạn. Hiện tại, hiện tượng này đã giảm nên tôi cho rằng, rủi ro về dư nợ margin tạm thời không còn.

Không nên quá lo lắng với hiện tượng giảm thanh khoản

 Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS)

Thị trường nhìn chung giảm không nhiều nhưng rất nhiều mã cổ phiếu đã giảm giá mạnh, có mã giảm đến 30% so với đỉnh. Ngay cả những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III/2016 tăng vượt bậc cũng điều chỉnh giảm. Do đó, không nên quá lo lắng với hiện tượng giảm thanh khoản. Đứng về phía cầu, thực tế dòng tiền đã giảm tương đối mạnh và điều này phản ánh tâm lý lo lắng của nhà đầu tư. Tôi cho rằng, một số yếu tố dẫn đến sự sụt giảm của thị trường trong thời gian qua như lo ngại về lượng margin cao, hiện tượng chốt lời, câu chuyện nợ công... Chính vì vậy, kỳ vọng của thị trường vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sẽ giúp VN-Index tăng lên trên mốc 700 điểm dường như khó thành hiện thực. Thị trường coi như tích lũy tại vùng 670 - 690 điểm trước khi có những diễn biến tiếp theo. Bên cạnh đó, TTCK tháng 11 ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc bầu cử Thống thống Mỹ.

Điều thị trường luôn quan tâm là nhóm cổ phiếu nào sẽ có cơ hội nhiều hơn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm? Về điều này, tôi cho rằng, những cổ phiếu ngành thép đã có kết quả kinh doanh tích cực và dự kiến sẽ tiếp tục khả quan trong quý IV. Tuy nhiên, biên lợi nhuận theo từng quý có thể sẽ giảm dần bởi tác động từ giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá bán không tăng tương ứng. Có lẽ, đó là yếu tố khiến giá những cổ phiếu như HPG, HSG, NKG... khó tăng mạnh trở lại.

Thời gian gần đây, giá nhiều loại nguyên liệu hàng hóa tăng lên, như mía đường, dầu mỏ, sắt thép, ngũ cốc, than, cao su tự nhiên…, giúp cho những doanh nghiệp khai thác và bán nguyên liệu có lợi nhuận cao hơn. Nhưng giá nguyên liệu tăng khiến các doanh nghiệp sản xuất chịu tác động tiêu cực, dẫn đến biên lợi nhuận giảm như doanh nghiệp săm lốp, sản xuất thép, thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh quý III/2016.

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có tác động không nhỏ

 Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

VN-Index giữ vững mức hỗ trợ 670 - 675 điểm trong các phiên giao dịch vừa qua, nhưng thanh khoản giao dịch ở mức thấp cho thấy, nhà đầu tư vẫn còn dè chừng khi tham gia TTCK.

Thị trường có thể tiếp tục biến động hẹp trong các phiên đầu tuần này và dần biến động mạnh vào các phiên cuối tuần khi gần đến ngày có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Nếu cuộc bầu cử có diễn biến tích cực, VN-Index có thể vượt vùng 690 - 692 điểm. Ngược lại, thị trường sẽ có chiều hướng tiêu cực, nhưng mức độ tiêu cực sẽ thấp hơn so với các thị trường khác.

Tôi cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục hướng vào các cổ phiếu mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước sẽ thoái vốn, các cổ phiếu lớn đang và sắp lên sàn như Habeco, Sabeco, Novaland, các cổ phiếu hưởng lợi theo đà tăng của các kênh hàng hoá như dầu khí, cao su, đường.

VN-Index có thể tiếp tục dao động quanh 670 - 690 điểm

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) 

Năm nay, TTCK tăng trưởng dài và đều nhất so với mọi năm. Sau khi VN-Index có mức tăng hơn 150 điểm, lên vùng 680 điểm thì nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, nhất là khi kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm được các doanh nghiệp công bố. Nhà đầu tư cảm thấy khó lựa chọn cổ phiếu bởi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt thì thị giá cổ phiếu đã tăng cao, còn doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh kém thì nhiều nhà đầu tư không dám mạo hiểm mua vào. Đặc biệt, sau hai đợt điều chỉnh nhẹ trong tháng 8 và tháng 9, nhiều tài khoản đã mất mát không ít.

Hai phiên cuối tuần qua, thị trường tăng điểm một phần nguyên nhân đến từ hoạt động giải ngân của khối ngoại tại một số mã blue-chip, thúc đẩy dòng tiền trở lại nhóm cổ phiếu này. Một vài cổ phiếu liên tục tăng giá trần như ROS góp phần nâng đỡ chỉ số khá hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tâm lý nhà đầu tư trong tuần mới sẽ tiếp tục thận trọng và dòng tiền tập trung vào một số nhóm cổ phiếu.

Vừa qua, thị trường có vài đợt điều chỉnh nhưng không quá sâu nên nhiều nhà đầu tư bị “kẹt” hàng. Tình trạng tiến thái lưỡng nan ở chỗ, thị trường không giảm quá sâu để kiên quyết cắt lỗ nhưng cũng không tăng về mức cũ để có thể bán ra. Tâm lý chung của các nhà đầu tư này là chờ đợi các đợt hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Trong kịch bản lạc quan, VN-Index có thể tiếp tục dao động quanh 670 - 690 điểm, thậm chí chạm ngưỡng 700 điểm, nhưng khi đó áp lực bán ra sẽ ở mức cao và thị trường lại có nhịp điều chỉnh. Chỉ cần một tin tức vĩ mô kém tích cực có thể tạo tâm lý bi quan và thị trường mất động lực tăng trong ngắn hạn. Tôi cho rằng, đó là xu hướng chung về cuối năm và sau mỗi nhịp điều chỉnh, nhà đầu tư dễ lựa chọn cổ phiếu để đầu tư hơn.

Vào cuối năm, các doanh nghiệp lớn lên niêm yết cũng như nhóm cổ phiếu ngành thép, ngân hàng và một số cổ phiếu VNM, FPT, HPG, SSI, MWG, FLC sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhóm ngành dịch vụ, bán lẻ, thực phẩm vẫn được ưu tiên đầu tư và nhóm dầu khí sẽ được quan tâm trở lại theo xu hướng giá dầu đang hồi phục.

Dòng tiền vẫn khá thận trọng nhưng thị trường đang có tín hiệu tích cực

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) 

CPI tháng 10 tăng mạnh nhưng chúng tôi cho rằng, lạm phát vào cuối năm sẽ không quá 5%. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng đầu năm ở mức thấp 1,82% cho thấy, Chính phủ kiểm soát tốt lạm phát thông qua chính sách tiền tệ, do đó bình ổn kinh tế vĩ mô. FDI giải ngân tiếp tục tăng trưởng trong khi FDI đăng ký duy trì đà giảm từ tháng 9. Về nợ công, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, nợ công tính đến năm 2015 là hơn 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy nợ công vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng khá cao. Dự báo, vấn đề nợ công có thể sẽ căng thẳng trong thời gian tới khi Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA).

Với tình hình kinh tế vĩ mô như trên cộng với việc dòng tiền trên TTCK đang chần chừ, kết quả kinh doanh quý III/2016 của các doanh nghiệp niêm yết đã được công bố gần hết, tôi cho rằng, thị trường trong tháng 11 sẽ có diễn biến giằng co, chưa rõ xu hướng. Nhìn ở góc độ phân tích kỹ thuật, đồ thị VN-Index đang hình thành một nến trắng, vượt qua kháng cự 677 - 680 điểm và đóng cửa cuối tuần qua tại 682,5 điểm, sát ngưỡng cản của đường trung bình động MA20.

Theo đó, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index đã được cải thiện lên mức trung tính. Tín hiệu của các chỉ số chứng khoán khác như VN30, HNX-Index chưa được cải thiện nhưng đã có dấu hiệu khả quan hơn. Chúng tôi nhận định, nhiều khả năng trong những phiên đầu tiên của tháng 11, thị trường sẽ có một nhịp giảm, mang tính chất củng cố, trước khi có xu hướng tăng cho đến cuối tuần. VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại vùng kháng cự 690 - 692 điểm.

Về dòng tiền, có thể thấy dòng tiền vẫn khá thận trọng. Tuy nhiên, thị trường có tín hiệu tích cực trở lại nhờ nhà đầu tư lạc quan về kết quả kinh doanh quý III mà một số ngân hàng và doanh nghiệp lớn dự kiến sẽ công bố vào đầu tuần này. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng mua trở lại và mua ròng các mã blue-chips như VNM, HPG, HSG sau khi những mã này giảm giá tương đối mạnh.

Tin bài liên quan