Vĩ mô cải thiện
Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB, trong quý cuối năm 2023, thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực.
Thứ nhất, xét bối cảnh vĩ mô, các hoạt động kinh tế có nhiều chuyển biến trong tháng 7 và tháng 8. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 lần đầu tiên trong 6 tháng đã tăng trở lại trên ngưỡng 50, đánh dấu triển vọng khả quan cho hoạt động sản xuất trong những tháng tới. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong 6 tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài 5 tháng. Bên cạnh đó, đà suy giảm của xuất nhập khẩu chậm lại.
Thứ hai, sau các quyết sách khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng, Chính phủ đang tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý của các dự án ở TP.HCM và Hà Nội.
“Mặc dù tình hình chưa thật sự khởi sắc, song với các tín hiệu tích cực thì thị trường bất động sản sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới”, bà Hiền nói.
Thứ ba, sau nhiều năm chờ đợi, hệ thống KRX dự kiến sẽ đi vào vận hành cuối năm nay, góp phần đưa thị trường chứng khoán vươn lên một tầm cao mới, rút ngắn con đường nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại.
Ngoài ra, trong bối cảnh vĩ mô dần sáng hơn, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ cải thiện trong hai quý cuối năm trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, cũng như chi phí vốn giảm nhờ lãi suất hạ nhiệt.
Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng có góc nhìn lạc quan về thị trường chứng khoán những tháng cuối năm khi cho rằng, theo nguyên lý vận động của một thị trường có xu hướng tăng giá thì ngành nào cũng có khả năng đi lên, nhưng tốc độ tăng của các ngành sẽ khác nhau. Nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành, các doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trong nhiều năm liên tiếp, hoặc 2 quý cuối năm ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ.
So bó đũa chọn cột cờ
Nhiều thành viên thị trường đánh giá, VN-Index đã giảm hơn 100 điểm tính từ đỉnh ngắn hạn trên 1.240 điểm, nên hiện là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư lọc tìm các cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn, doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng và triển vọng kinh doanh khả quan ở giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024.
VN-Index đóng cửa phiên 29/9/2023 tại 1.154,15 điểm, ở giữa mức cao nhất và thấp nhất trong năm 2023, kỳ vọng trong quý IV sẽ đạt mức điểm cao hơn hiện tại, thậm chí lập đỉnh ngắn hạn mới.
Hiện là thời điểm thích hợp để lọc tìm các cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn, doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh khả quan.
Cụ thể, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS dự báo, VN-Index sẽ đạt 1.200 -1.250 điểm; bà Trần Khánh Hiền nhận định, chỉ số sẽ hướng tới mốc 1.320 điểm; bà Trần Thị Lan Anh cho rằng, VN-Index có thể đạt 1.380 điểm trước khi kết thúc năm 2023 quanh ngưỡng 1.350 điểm.
Về cơ hội đầu tư tại các nhóm ngành, theo bà Lan Anh, cơ hội sẽ trải khá rộng, ở nhiều nhóm và mỗi nhóm tập trung vào một số mã cổ phiếu. Ví dụ, nhóm công nghệ là FPT; nhóm bán lẻ là DGW, MWG, FRT, PNJ; nhóm chứng khoán là SSI, VCI, VND; nhóm dệt may là TNG, TCM; nhóm cảng biển là GMD, HAH; nhóm dầu khí là GAS, BSR, PVS, PVD; nhóm lương thực, nông nghiệp là PAN, TAR; nhóm đầu tư công là VCG, LCG.
Còn theo bà Hiền, các nhóm ngành là tâm điểm đầu tư trong những tháng cuối năm sẽ là những ngành được hưởng lợi từ sự vận động tích cực của chu kỳ kinh tế như xuất khẩu, hàng không, du lịch. Riêng ngành bất động sản và vật liệu xây dựng, thời điểm khó khăn nhất có thể đã qua, dự kiến sẽ khởi sắc từ đầu năm 2024.
Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh, Công ty Chứng khoán DNSE nhận định, hiện có 2 yếu tố chính ủng hộ cho xu hướng tăng của thị trường trong quý cuối năm 2023: một là, kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi; hai là, chính sách tiền tệ nới lỏng nhiều khả năng sẽ được duy trì.
Theo bà Linh, dữ liệu những tháng gần đây cho thấy, kinh tế dần phục hồi, đặc biệt ở khu vực sản xuất. Chỉ số PMI đã vượt lên trên ngưỡng cân bằng 50 điểm sau nhiều tháng ở dưới ngưỡng này. Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu dần tiệm cận mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Sự hồi phục này nhiều khả năng đến từ yếu tố “bên ngoài” nhiều hơn là đến từ nội tại nền kinh tế, khi chính sách tiền tệ nới lỏng chưa có đủ thời gian để thẩm thấu, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức thấp. Nhưng ở thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất và xuất khẩu được cải thiện được xem là các tia sáng của nền kinh tế.
“Nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi thêm sự phục hồi trong nền kinh tế, vì đây là “bộ mặt” thể hiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. Nền kinh tế phục hồi sẽ kéo theo hoạt động của doanh nghiệp được mở rộng, từ đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu và thị trường chứng khoán”, bà Linh nói.
Vẫn theo bà Linh, trong ngắn hạn, tỷ giá đang gặp áp lực và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để ngỏ khả năng có thêm một lần tăng lãi suất trong năm nay, nhưng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhất là khi lạm phát duy trì ở mức thấp.
“Đây là 2 yếu tố mà theo tôi có thể tác động mạnh đến thị trường chứng khoán trong các tháng cuối năm và nhà đầu tư cần theo dõi sát sao. Bối cảnh trong nước đang có nhiều điểm sáng, nhưng nhà đầu tư vẫn không nên chủ quan, mà nên quản trị tài khoản một cách an toàn, do thị trường còn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, vốn khó nhìn nhận và đánh giá hơn ở thời điểm hiện tại”, bà Linh nói.