Bộ 3 ngành “bank - chứng - thép” thường được nhà đầu tư quan tâm

Bộ 3 ngành “bank - chứng - thép” thường được nhà đầu tư quan tâm

Tìm cơ hội ở nhóm chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu chứng khoán có đà hồi phục kéo dài trong năm 2023, được kỳ vọng tiếp tục tạo “sóng” trong năm 2024, bởi triển vọng lợi nhuận khởi sắc sẽ kích thích dòng tiền tham gia đầu tư.

Hiệu ứng “Bank - Chứng - Thép”

Đầu năm 2024, thị trường giao dịch khởi sắc, thanh khoản cải thiện, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu “vua” (ngân hàng - bank) đã lan toả tâm lý tích cực tới cộng đồng nhà đầu tư. Bank - chứng - thép, bộ 3 ngành thường được nhà đầu tư nhắc đến, tiếp tục kỳ vọng sẽ luân phiên có “sóng”.

Giai đoạn này, cổ phiếu “bank” đã “chạy” (tăng), thép cũng sôi động ngay trước đó, nhiều nhà đầu tư đang quan sát kỹ nhóm cổ phiếu chứng khoán, vốn có độ nhạy cao với diễn biến VN-Index và thanh khoản, xem liệu có sóng tăng trước Tết Âm lịch 2024 hay không.

Kỳ vọng chung cho năm 2024 là bối cảnh lãi suất thấp sẽ gia tăng sức hấp dẫn của các kênh đầu tư như chứng khoán, đồng thời thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ cải thiện (thậm chí, Công ty Chứng khoán Phú Hưng - PHS dự báo, giá trị giao dịch bình quân phiên có thể chạm ngưỡng 1 tỷ USD) và có “chất xúc tác” như hệ thống KRX hay tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo nhận định thị trường năm 2024 của nhiều công ty chứng khoán, điểm số và thanh khoản có triển vọng tăng. Đây sẽ là động lực để các công ty chứng khoán cải thiện hoạt động kinh doanh ở tất cả các mảng chính bao gồm đầu tư, môi giới chứng khoán và cho vay ký quỹ.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, để tìm kiếm “Tết có bánh chưng”, hay kỳ vọng “hanh thông” đầu xuân mới, cổ phiếu chứng khoán không dễ đáp ứng được mục tiêu.

Dưới góc nhìn cá nhân ông Tạ Quốc Đạt, chuyên viên tư vấn chứng khoán, Hội sở Công ty Chứng khoán SSI, thống kê định giá nhóm chứng khoán theo P/B ngày 10/1/2024 ở mức trên trung bình, thấp xa so với đỉnh. Còn định giá theo P/E ở mức cao, vì giá trước đó tăng mạnh, chủ yếu phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc hệ thống KRX sẽ sớm đi vào vận hành. Định giá nhóm ngành này đang neo ở vùng cao nên trong quý I/2024, giá có thể chỉ tăng nhẹ theo VN-Index.

Liên quan đến các tài sản đầu tư, trong thời đại hiện nay có thêm lớp tài sản đầu tư là crypto (tiền mã hóa) - một tài sản đặc biệt nhạy cảm với các thông tin có liên quan. Năm 2023, kinh tế toàn cầu khó khăn, nhưng crypto dẫn đầu với mức tăng 168%, nhóm tài sản tiếp theo cũng có độ nhạy cao và mức tăng giá cao là cổ phiếu công nghệ Mỹ - đi trước nền kinh tế. Xét thị trường chứng khoán, thị trường Mỹ dẫn đầu (thuộc nhóm thị trường phát triển), sau đó là các thị trường mới nổi và các thị trường cận biên (bao gồm Việt Nam).

Thị trường chứng khoán thường phản ánh trước các vấn đề của nền kinh tế từ 3 - 9 tháng, tuỳ theo lĩnh vực, thứ tự chủ yếu là chứng khoán, các nhóm doanh nghiệp tài chính khác (ngân hàng, bảo hiểm), các ngành có tính chu kỳ lớn như bất động sản, xây dựng và vật liệu, rồi đến lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, các ngành thiết yếu như điện, nước, tiêu dùng…

Theo đó, cổ phiếu chứng khoán đã tăng giá mạnh, “sóng” tiếp theo có thể sẽ là ngân hàng. Thực tế, nhóm ngân hàng gần đây có diễn biến tích cực hơn trước và một số tổ chức đầu tư đã tăng tỷ trọng nhóm này trong danh mục lên tới 40%. Tất nhiên, họ lựa chọn lựa rất kỹ cổ phiếu, tập trung vào các mã được đánh giá có nền tảng kinh doanh tốt nhất.

Triển vọng lợi nhuận khả quan

Nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng, lợi nhuận năm 2024 sẽ tăng trưởng so với năm 2023, bởi triển vọng thị trường chứng khoán khả quan hơn.

Theo lãnh đạo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, Công ty chưa có con số chính xác về lợi nhuận sau thuế đạt được năm 2023 (kế hoạch là 1.600 tỷ đồng), nhưng năm 2024 sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng so với kế hoạch năm qua.

Song song với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, mục tiêu lớn hơn với Ban lãnh đạo VNDIRECT là mong muốn nhà đầu tư cũng tăng trưởng tài sản, coi đầu tư là một hình thức tích sản. Công ty cũng mong muốn hình thành các thói quen đầu tư mới cho nhà đầu tư, không còn quá quan tâm đến diễn biến ngắn hạn của thị trường, mà có tầm nhìn xa hơn, ít nhất 3 - 5 năm. Như chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNDIRECT, giá cổ phiếu có thể biến động tăng hay giảm tùy từng thời điểm, nhưng nếu nhìn xa hơn thì giá có mối quan hệ thuận chiều với tăng trưởng của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) mới đây đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024. Dựa trên đánh giá tổng quan thị trường chứng khoán và các chương trình trọng yếu sẽ triển khai nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, ACBS đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 52% so với con số dự kiến đạt được năm 2023.

PHS thì đặt kế hoạch năm 2024 đạt doanh thu 745,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 132,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100,8 tỷ đồng (gần gấp đôi con số ước tính lợi nhuận năm 2023 là 46,9 tỷ đồng). Lãnh đạo PHS cho biết, Công ty đang nâng cấp hệ thống và các dịch vụ liên quan, tuân thủ yêu cầu kết nối hệ thống KRX, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024.

Không ít công ty chứng khoán khác kỳ vọng, lợi nhuận năm 2024 sẽ tăng trưởng so với năm 2023, bởi triển vọng thị trường chứng khoán khả quan hơn. Kỳ vọng lãi suất điều hành duy trì ở mức thấp, cùng hệ thống giao dịch mới sẽ sớm được đưa vào vận hành là yếu tố quan trọng có thể hỗ trợ thị trường duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn.

Theo thống kê, mỗi đợt “sóng” cổ phiếu chứng khoán thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm. Tính riêng vài năm gần đây, “sóng” tăng của nhóm chứng khoán kết thúc vào đầu năm 2022, sau đó là đợt điều chỉnh kéo dài gần 1 năm, rồi phục hồi trong năm 2023. Nếu thị trường diễn biến thuận lợi trong thời gian tới, “sóng” phục hồi của nhóm ngành chứng khoán có thể tiếp diễn.

Quay lại với quan điểm của ông Tạ Quốc Đạt, trong trường hợp thanh khoản thị trường tốt (20.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên), dòng tiền duy trì ở mức cao, hệ thống KRX sớm được đưa vào vận hành, thì cục diện nhóm chứng khoán sẽ tích cực hơn. Bởi lẽ, các yếu tố đó sẽ hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của nhóm này, giá cổ phiếu có thể tiếp tục đi lên trong quý II - III/2024. Còn giai đoạn hiện tại, quan điểm cá nhân ông Đạt là cổ phiếu chứng khoán cần chờ đợi số liệu chứng minh khả năng tăng trưởng để nhà đầu tư mở rộng kỳ vọng, nên giá dự báo sẽ đi ngang trong quý I.

Ông Vũ Thành Huy, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Thành Công nêu ra 2 vấn đề có thể khiến ông không tự tin về việc mua cổ phiếu chứng khoán ngay lúc này.

Thứ nhất, định giá nhóm chứng khoán không còn rẻ. Trong quá khứ, định giá P/B nhóm chứng khoán khoảng 2 lần, hiện tại các cổ phiếu đầu ngành như SSI (2,3 lần), VCI (2,5 lần), HCM (2 lần), FTS (2,6 lần)… đều cao hơn trung bình ngành cũng như so với quá khứ (VND là trường hợp đặc biệt khi gặp các e ngại về trái phiếu Trung Nam).

Thứ hai, nhiều công ty chứng khoán có kế hoạch phát hành cổ phiếu quy mô lớn, làm tăng nguồn cung, một lượng tiền trên thị trường sẽ bị “nhốt” có thể làm giảm thanh khoản, từ đó gây ra những nhịp điều chỉnh ngắn hạn (như giai đoạn đầu năm 2022).

Ông Huy chia sẻ, nhóm chứng khoán có triển vọng trong năm 2024, nhưng nếu có một mức giá chiết khấu tốt thì mới tự tin mua và nắm giữ.

Tin bài liên quan