Do vậy, những DNNN đang hoạt động hiệu quả, nếu không tìm được ngay cổ đông chiến lược vẫn nên tiến hành cổ phần hóa, sau đó sẽ thoái vốn Nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu để tìm NĐT chiến lược.
Đợt IPO của Tổng công ty Điện lực Vinacomin (Vinacomin Power) và Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin (Vimico) mới đây dường như tiếp nối chuỗi kém may mắn của các “ông lớn” DNNN, khi lượng cổ phần được mua rất “khiêm tốn”, hoàn toàn vắng bóng cổ đông chiến lược.
Được kỳ vọng là những thương vụ IPO “khủng” đầy sôi động trong tháng 4, song thực tế là cổ phiếu của Vinacomin Power và Vimico đã rơi vào tình cảnh ế ẩm thảm hại, khi chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ cổ phần chào bán thành công. Điều này hoàn toàn không phải do hai DN này không có tiềm lực.
Thực tế, đây là hai DN có quy mô vốn lớn, có những lợi thế riêng. Nếu như Vinacomin Power sở hữu trong tay những nhà máy nhiệt điện lớn đang vận hành khá hiệu quả thì Vimico làm chủ các mỏ khai thác và công nghệ hàng đầu quốc gia về khai thác và chế biến khoáng sản, kim loại màu.
Tuy nhiên, với lượng cổ phần chào bán rất lớn, đặc biệt là thương vụ của Vinacomin Power với lượng chào bán lên tới hơn 230 triệu cổ phần, còn Vimico gần 47 triệu cổ phần, trong khi TTCK vẫn còn èo uột như hiện nay thì việc tiêu hóa cấp tập được một lượng lớn cổ phần như vậy mà thiếu vắng sự tham gia của các cổ đông chiến lược thực sự là điều bất khả thi.
Điều đáng nói ở đây là các đơn vị này không hề ngồi yên chờ đợi và cũng không phải là không có NĐT lớn nào nhòm ngó tới các đợt IPO kia. Bản thân lãnh đạo Vinacomin Power trước đó đã “chạy đôn chạy đáo” tìm kiếm NĐT chiến lược thông qua việc tổ chức đấu thầu thuê đơn vị tư vấn và đàm phán hợp đồng với Liên danh SMBC Nikko - PSI (Nhật Bản) để tìm NĐT chiến lược.
Lãnh đạo DN này cũng đã từng chia sẻ trước thềm IPO rằng việc tìm kiếm NĐT chiến lược sẽ tập trung vào nhóm nước G7 và Hàn Quốc, Nhật Bản để đảm bảo IPO thành công. Về phía NĐT, chính ông Don Lam, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư VinaCapital cũng đã từng tiết lộ bên lề Hội nghị thường niên các NĐT 2014 rằng các NĐT Nhật Bản đang quan tâm đặc biệt tới một số DNNN hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, như nhà máy phát điện, cảng biển, nhất là một số nhà máy phát điện có kế hoạch cổ phần hóa và IPO trong cuối năm nay, trong đó Vinacomin Power đang là mục tiêu lớn trong tầm ngắm.
Tuy nhiên, ngay khi đó, chính lãnh đạo đơn vị là người trong cuộc lại khá thận trọng khi nhận định phương án IPO của Vinacomin Power chưa được nhận được sự quan tâm của NĐT nước ngoài.
Lý do là họ lo ngại rủi ro khi tham gia vào thị trường điện của Việt Nam bởi chênh lệch tỷ giá chưa được tính vào giá bán điện và các nhà máy nhiệt điện vẫn hoạt động dưới công suất trong một số thời điểm trong năm.
Cho đến thời điểm này, dù chưa có câu trả lời cuối cùng cho lý do vì sao các cuộc đàm phán bán cổ phần không thành công, song điều có thể thấy là sự vắng bóng các NĐT chiến lược một lần nữa lại khiến các thương vụ IPO lớn mất đi sự sôi động vốn có của nó.
Trên thực tế, không phải các DN lớn của ngành than mà nhiều DNNN lớn đều phải đối mặt với bài toán hóc búa tìm kiếm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa.
Dưới góc nhìn của TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia về tái cơ cấu DNNN, việc DN khó tìm được cổ đông chiến lược do một số nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, do vậy, hoạt động của DN sau cổ phần hóa không có đột phá. Một lý do nữa là việc bán vốn Nhà nước với tỷ lệ quá thấp so với vốn điều lệ và bán theo phương thức đấu giá lô tẻ thay vì bán đấu giá cả lô cổ phần lớn nên khó thu hút những NĐT lớn trong thời gian qua.
Theo ông Cường, không phải mọi DN đều cần tìm NĐT chiến lược. Việc tìm cổ đông chiến lược chỉ thực sự bức thiết ở những DN có vấn đề về chiến lược, thị trường, công nghệ, cần cải thiện quản trị, tạo ra động lực phát triển mới.
Với quan điểm này, ông Cường cho rằng, từ cách tiếp cận thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, những DNNN đang hoạt động hiệu quả, nếu không tìm được ngay cổ đông chiến lược vẫn nên tiến hành cổ phần hóa, sau đó sẽ thoái vốn Nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu để tìm NĐT chiến lược. Với cách nhìn này thì việc tìm cổ đông chiến lược của các DN lớn ngành than cũng như các DNNN lớn khác sau IPO là chưa muộn (!)