Phân biệt sandbox và regulatory sandbox
Sandbox dịch ra tiếng Việt là hộp cát. Trẻ con thường rất thích nghịch cát và chúng sẽ được nghịch ngợm tha hồ trong một hộp cát có tường bao quanh thường làm bằng gỗ. Khái niệm này các nước phương Tây dùng để mô tả một môi trường thử nghiệm đặc biệt.
Cần phân biệt sandbox và regulatory sandbox, đây là 2 thuật ngữ thông dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tài chính, nhưng sandbox cũng có thể được áp dụng với nhiều lĩnh vực khác như trò chơi và giải trí, khoa học y tế và môi trường…
Trong khi đó, regulatory sandbox là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát do các cơ quan quản lý quốc gia ban hành. Các cơ quan quản lý ngân hàng cho phép các tổ chức tài chính thử nghiệm công nghệ mới thông qua việc triển khai chương trình được gọi là regulatory sandbox. Ngày 6/9/2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề xuất xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Giám đốc dự bị Ngân hàng Thế Giới nhận định, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát điều tiết cung cấp một không gian an toàn và được kiểm soát, nơi các tổ chức có thể thử nghiệm và phát triển các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới mà không gặp nhiều rào cản pháp lý, song vẫn được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý. Các công ty sử dụng không gian này trong một khoảng thời gian giới hạn theo hướng dẫn nghiêm ngặt của cơ quan quản lý.
Với nguyên tắc đó, các quốc gia trên thế giới dẫn đầu ban hành regulatory sandbox là: Anh năm 2015 quản lý bởi Cơ quan Quản lý tài chính FCA; Úc năm 2016 dưới sự quản lý của Cơ quan Quản lý tài chính ASIC; Nhật Bản năm 2018 dưới sự quản lý của Cơ quan Quản lý tài chính FSA; Canada năm 2019 chịu sự quản lý của Cơ quan Quản lý tài chính OSC; Hàn Quốc năm 2019 dưới sự quản lý của Cơ quan Quản lý tài chính FSC.
Tại Hoa Kỳ, vào năm 2016, đại diện Hoa Kỳ Patrick McHenry (RN.C.) đã giới thiệu Đạo luật Đổi mới dịch vụ tài chính để tạo khuôn khổ cho regulatory sandbox liên bang. Đây là dự luật từ 12 cơ quan liên bang liên quan đến quy định tài chính, bao gồm Hội đồng Thống đốc của Hệ thống Dự trữ liên bang, Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTD), Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang và Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC).
“Mặc dù luật này là điểm khởi đầu, nhưng nó sẽ chỉ giới hạn ở các cơ quan liên bang và tất nhiên, nó vẫn chưa được thông qua cấp tiểu bang. Thậm chí, một số tiểu bang khởi xướng cơ chế regulatory sandbox riêng để thu hút đầu tư. Dường như không có cơ quan hiện tại nào của Hoa Kỳ, ngay cả kể cả Cục Dự trữ liên bang (Fed) hay SEC có thẩm quyền áp đặt khuôn khổ regulatory sandbox thống nhất giữa tiểu bang và liên bang”, ông Nguyễn Đoan Hùng chia sẻ.
Lợi ích khi đưa regulatory sandbox vào blockchain
Như trên đã làm rõ khái niệm regulatory sandbox hướng tới các sản phẩm tài chính đổi mới công nghệ. Các sản phẩm này được định nghĩa là sản phẩm Fintech và chúng ta cần nắm bắt các lĩnh vực Fintech theo phân loại của KPMG bao gồm: Thanh toán (Payment), bảo hiểm kỹ thuật số (Insurtech), công nghệ tuân thủ (Regtech), blockchain/tiền mã hóa, an ninh mạng (Cybersecurity) và wealthtech (công nghệ tài chính cá nhân).
Khi đã nắm được 6 mảng đó, có thể thấy rõ các tuyến sản phẩm Fintech là sự giao thoa của sản phẩm truyền thống và ứng dụng công nghệ mới, trong đó có blockchain. Công nghệ blockchain khi chưa có sự tham gia của các cơ quan quản lý đã một mình mở ra thế giới của tiền mã hóa, mà bắt đầu từ bitcoin (ký hiệu BTC) năm 2009.
Sự ra đời của bitcoin không có một sự hỗ trợ của bất cứ chính phủ hay quốc gia nào, đã tạo ra một không gian tiền “ảo” đang phân hóa và gây ra một sự tranh cãi ở những khái niệm hết sức cơ bản kể cả tại Hoa Kỳ, chẳng hạn như thuộc tính chứng khoán hay thuộc tính tài sản của sản phẩm và nó sẽ thuộc SEC hay CFTD quản lý như với ethereum (ký hiệu ETH), một loại tiền mã hóa khác có giá trị vốn hóa chỉ sau bitcoin.
Ở đây, ông Nguyễn Đoan Hùng cho rằng, nếu có một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động tài chính cho blockchain thì cộng đồng tiền mã hóa đang hoạt động tự do sẽ có cơ hội điều chỉnh và định hướng, đồng thời sẽ giúp các cơ quan quản lý tiếp cận và nắm bắt, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách và quy định pháp lý phù hợp.
Thế giới đang triển khai sandbox blockchain thế nào?
Mốc khởi nguồn có lẽ vào năm 2015, Cơ quan Quản lý tài chính Vương quốc Anh (FCA) đã tạo ra regulatory sandbox cho Fintech đầu tiên để “thúc đẩy cạnh tranh bằng cách hỗ trợ đổi mới đột phá” trên thị trường tài chính. Trong nhóm đầu tiên, quy định của FCA đã chấp nhận 24 ứng viên từ các công ty đổi mới đến các tổ chức tài chính lâu đời như HSBC hay Tập đoàn Ngân hàng Lloyds. Trong những năm qua, FCA đã thành lập tổng cộng 7 nhóm. World Bank đã báo cáo về sự tồn tại của 73 regulatory sandbox cho Fintech tại 57 khu vực pháp lý trên toàn cầu kể từ tháng 11/2020.
Ủy ban Châu Âu (EC) gần đây đã công bố European Blockchain Regulatory Sandbox, cho phép 20 start-up blockchain tham gia hàng năm, kéo dài đến năm 2026. Theo số liệu công bố, giá trị đầu tư vào ngành này năm 2022 là 23 tỷ USD với 1.537 giao dịch, sụt giảm so với mức 30 tỷ USD năm 2021 với 1.807 giao dịch do chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2019 với con số chỉ là 5 tỷ USD sẽ thấy sự bùng nổ của thị trường này.
Ứng dụng tại Việt Nam có phù hợp?
Câu hỏi đặt ra là, thực tiễn Việt Nam có phù hợp để mở sandbox cho blockchain hay không? Những rủi ro và thách thức tiềm ẩn khi áp dụng mô hình này? Điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia?
Có thể thấy rõ, blockchain chỉ là một mô hình công nghệ và là một nhánh của Fitech trong ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm tài chính. Ứng dụng blockchain không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực tài chính, mà còn có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực truyền thống khác như y tế, bất động sản, giáo dục, công nghiệp sản xuất, năng lượng... và vẫn còn nhiều tiềm năng để khám phá và phát triển trong tương lai.
Ở góc độ ngành nghề, ông Nguyễn Đoan Hùng mong muốn theo sát các chỉ đạo tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước - đơn vị đầu mối theo Nghị quyết 100/2021 về cơ chế thử nghiệm giám sát Fintech. Nếu các sản phẩm Fintech, mà trong đó có blockchain ứng dụng được bắt đầu sự giao thoa giữa công nghệ quản lý cơ sở dữ liệu sở hữu tập trung với công nghệ sổ cái phân tán (DLT) chắc chắn sẽ đem lại nhiều đánh giá bổ ích cho ngành tài chính - ngân hàng.
“Còn về rủi ro, chúng ta nên học hỏi các thị trường đi trước trong quản lý số lượng cấp phép và thời hạn thử nghiệm sản phẩm thì sẽ kiểm soát được. Thách thức lớn nhất có lẽ là sự chấp nhận đổi mới sáng tạo của khối tài chính - ngân hàng có quyết tâm đi theo quy mô khu vực hay toàn cầu hay không”, ông Hùng nói và cho biết, đến một lúc nào đó phải công nhận giá trị của những công ty công nghệ chỉ có 1 sản phẩm như cổng thanh toán hay ví điện tử đã tạo ra những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại truyền thống.
“Nếu chúng ta hy vọng vào một cơ chế thử nghiệm sớm ra đời không chỉ bó gọn trong khối ngân hàng và các tổ chức tín dụng, nó cần được mở ra dưới góc nhìn quản trị doanh nghiệp theo xu hướng toàn cầu hóa công nghệ tuân thủ pháp lý nơi khách hàng giao dịch. Có như vậy mới hy vọng những công ty Fintech đem lại giá trị cho kinh tế Việt Nam trong những năm tới”, ông Hùng nhấn mạnh.