Bất động sản công nghiệp, ngân hàng, vật liệu xây dựng có thể trở thành tiêu điểm đầu tư trong năm nay

Bất động sản công nghiệp, ngân hàng, vật liệu xây dựng có thể trở thành tiêu điểm đầu tư trong năm nay

Tìm chiến thuật yên tâm đón Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch, thị trường thường ít có các cơ hội “lướt sóng”. Giao dịch ngắn hạn trên nền thanh khoản thấp hiện tại tiềm ẩn rủi ro cao, đòi hỏi phải chọn lọc cổ phiếu kỹ lưỡng hơn.

“Găm hàng”

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC đánh giá, thị trường vẫn đang vận động tích cực như kỳ vọng trước kỳ nghỉ Tết, nhưng trong tuần vừa qua, thị trường hầu như không còn điểm mua mới có xác suất thành công cao. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dư địa tốt nhất là ngân hàng đã có mức tăng giá trung bình 10% so với đầu năm 2024 (tức ít có dư địa tăng thêm trong ngắn hạn), trong khi định lượng cho thấy, dòng tiền không hứng thú giao dịch tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

“Chiến thuật tốt nhất cho nhà đầu tư lúc này là nắm giữ các cổ phiếu đã có trong tài khoản, sử dụng mức lợi nhuận đang có làm bộ đệm trước các biến động. Với nhà đầu tư chưa có vị thế, có thể rời xa bảng điện một thời gian”, ông Đạt nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace cho rằng, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu “phòng thủ” (thường là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, có thị phần lớn, nền tảng tài chính vững mạnh).

“Cần thêm bộ lọc là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng tiếp tục tăng trưởng, cổ phiếu vẫn tích lũy và có dấu hiệu thu hút dòng tiền ở nền giá thấp”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, trong nhịp tăng vừa qua, nhiều nhóm cổ phiếu “tấn công” như chứng khoán, bất động sản, thậm chí là ngân hàng đều đã tiến đến vùng kháng cự mạnh. Hiện tại, các nhóm đáp ứng được tiêu chí về khả năng tăng giá là cổ phiếu cơ bản, kết quả kinh doanh năm 2023 tích cực, giá đang tích lũy ở nền thấp. Trong đó, nền giá thấp là yếu tố quan trọng giúp hạn chế rủi ro, nhà đầu tư có thể yên tâm đón Tết.

Tuy vậy, không ít nhà đầu tư “lăn tăn” về việc giải ngân thời điểm cận Tết, nhất là khi thị trường chung “lặng sóng” trước kết quả kinh doanh quý IV/2023 của các doanh nghiệp đang dần được công bố.

Thống kê của FinPeace cho hay, trên 200 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 có tổng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng suy giảm so với quý liền trước và doanh thu chưa có sự cải thiện.

Sự tăng trưởng của lợi nhuận chủ yếu là nhờ chi phí tài chính giảm và doanh thu chưa cải thiện cho thấy sức cầu trong nền kinh tế vẫn còn yếu. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp chưa đánh giá cao sự phục hồi của sức cầu trong ngắn hạn khi duy trì lượng hàng tồn kho ở mức thấp và tiếp tục thu hẹp hoạt động sản xuất - thể hiện ở chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12/2023 vẫn nằm dưới ngưỡng 50.

Ông Tuấn Anh nhận xét, các doanh nghiệp khối tài chính như ngân hàng, chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhưng giá cổ phiếu đã tăng mạnh, phần nào phản ánh kỳ vọng của thị trường, nên khi báo cáo tài chính được công bố, cổ phiếu không có phản ứng tích cực.

Đối với lĩnh vực bất động sản, mảng bất động sản công nghiệp có nhiều điểm sáng khi khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn của các doanh nghiệp đều tăng, cho thấy nhu cầu thuê khu công nghiệp duy trì ở mức cao. Năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022, trong đó hơn 60% là ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp có nhu cầu thuê khu công nghiệp.

“Trong bối cảnh nền kinh tế còn không ít khó khăn, nhiều ngành nghề chưa phục hồi, bất động sản công nghiệp trở thành điểm sáng. Nhu cầu thuê khu công nghiệp dự kiến tiếp tục tăng, với hoạt động dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Tuấn Anh nói.

“Săn hàng”

Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu phòng thủ, nhưng phải qua bộ lọc là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng tiếp tục tăng trưởng, giá tích lũy ở vùng thấp.

Gần đến thời điểm nghỉ lễ kéo dài, các nhà đầu tư cá nhân thường có trạng thái phòng thủ và bán ra trước khi nghỉ. Trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch năm nay, thị trường đã trải qua một nhịp tăng kể từ đầu năm 2024, nên nhiều nhà đầu tư có động thái chốt lãi để bảo về thành quả, trong bối cảnh thị trường chứng khoán châu Á có diễn biến tiêu cực, tỷ giá tăng mạnh so với đầu năm (tăng 1,4%, trong khi cả năm 2023 tăng 2,9%). Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa bước vào giai đoạn phân phối, mà nhiều khả năng chỉ là sự điều chỉnh kỹ thuật và tái cơ cấu danh mục đầu tư trong ngắn hạn.

Trong khi đó, thống kê mức độ thay đổi của VN-Index 5 phiên trước Tết Âm lịch giai đoạn 2001 - 2023, chỉ số có mức tăng điểm trung bình là 2,5%, nên thị trường bước vào một kỳ nghỉ dài không hẳn là yếu tố đáng quan ngại.

Mặc dù vậy, trong tháng 1/2024, hầu hết nhóm ngành tăng giá, nhất là ngân hàng, vật liệu xây dựng, chứng khoán và bán lẻ. Hiện tại, thị trường được nhìn nhận, chỉ một số ít nhóm ngành vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn, kỳ vọng sẽ là điểm đến của dòng tiền đầu tư ngắn hạn, bao gồm ngân hàng, dầu khí, xây dựng hạ tầng, sản xuất điện.

Với chiến lược đầu tư trung và dài hạn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư có thể canh các nhịp điều chỉnh để mua nhóm cổ phiếu tăng trưởng như hóa chất, vận tải, thép, bất động sản công nghiệp, ngân hàng, vật liệu xây dựng. Trong đó, 3 nhóm ngành cuối có thể trở thành tiêu điểm đầu tư trong năm nay, khi nhiều chính sách hỗ trợ được dự đoán sẽ giúp cải thiện kết quả kinh doanh.

Bất động sản công nghiệp cũng được Công ty Chứng khoán MB đánh giá cao khi nhận định, Việt Nam sẽ là điểm đến ưa thích của dòng vốn sản xuất theo chiến lược Trung Quốc +1. Triển vọng đầu tư cổ phiếu bất động sản công nghiệp trong năm 2024 sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có quỹ đất sạch đảm bảo cho thuê dài hạn, vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ thấp; định giá hấp dẫn; tỷ lệ cổ tức cao.

Tin bài liên quan