Quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh tại Hà Nội

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh tại Hà Nội

Tìm chiến lược phát triển đô thị tối ưu

(ĐTCK) Với việc cư dân đô thị sẽ chiếm số lượng áp đảo trong tương lai gần, việc tìm ra một chiến lược phát triển đô thị tối ưu có ý nghĩa rất cấp bách.

Tương lai áp đảo của cư dân đô thị

Theo thống kê từ Liên Hợp quốc, thời điểm hiện tại, có tới 4,2 tỷ người/tổng dân số 7,2 tỷ người sống tại các đô thị. Và theo dự báo, đến năm 2050, cư dân đô thị sẽ chiếm tới 70% dân số trên hành tinh.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, cả nước hiện có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017). Sự gia tăng của quá trình đô thị hóa trong năm 2018 đã giúp cho thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với năm 2017.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa vào loại nhanh trong khu vực. Và hơn bao giờ hết, yêu cầu của việc phát triển, quy hoạch đô thị gắn với con người, và cao hơn, lấy con người là trung tâm đang trở nên bức thiết.

Con người phải là trung tâm

Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Bất động sản, bà Tina Saaby, Kiến trúc sư trưởng Hội đồng TP. Copenhagen, một thành phố rất thành công trong việc phát triển không gian đô thị và bảo tồn các công trình kiến trúc cổ cho biết, ở Copenhagen, các nhà quản lý đô thị thường thảo luận để lắng nghe ý kiến của người dân, nắm bắt nhu cầu của họ trong từng phạm vi nhỏ. Sau đó, cố gắng đồng nhất tầm nhìn của mọi người dân về những vấn đề chung.

fig come hereCNếu có thể giải thích xã hội Thụy Điển bằng một câu, thì xã hội Thụy Điển chính là một con người, một cá nhân. Ở đó, con người là hạt nhân của sự quan tâm, chăm sóc. Từ việc xây dựng chính sách, chế độ phúc lợi, môi trường sống, làm việc…Ngài Pereric Högberg, Đại sứ Thuỵ Điển  tại Việt Nam

“Điểm tối quan trọng là phải lấy con người là ưu tiên hàng đầu. Với các công trình, khu vực lõi, chúng tôi cố gắng không phá hủy nhà cũ, mà chuyển đổi, cải tạo nó”, bà Tina Saaby nói.

Đồng quan điểm, ngài Pereric Högberg, Đại sứ Thuỵ Điển  tại Việt Nam cho biết, thành công của Thụy Điển trong công tác quy hoạch đô thị là lấy con người làm hạt nhân. Một trong những nhóm giải pháp của Thụy Điển thể hiện rõ việc lấy con người làm trung tâm là liên quan đến giao thông đô thị và phát triển bền vững.

“Với Hà Nội hoặc các thành phố lớn ở Việt Nam, nếu chúng ta tiếp tục xây dựng quá nhiều cao ốc thì một ngày nào đó trong tương lai, sẽ thấy nuối tiếc vì mất đi một Hà Nội có bề dày lịch sử, nhiều nét văn hóa, vì nó đã bị bao phủ, che lấp bởi quá nhiều nhà cao tầng, che lấp đi các khoảng không gian rất tuyệt vời”, ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Do quá tải hạ tầng, vỉa hè cũng trở thành nơi lưu thông của phương tiện. Ảnh: Thành Nguyễn 

Nhìn nhận về vai trò và tác động của công tác quy hoạch, kiến trúc sư Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, chất lượng sống phải đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị nói chung, từ giao thông đến đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật.

Nếu chất lượng, cơ sở hạ tầng đáp ứng đồng bộ đảm bảo được đời sống của nhân dân thì được gọi là đô thị văn minh. Khi quy hoạch đô thị, chúng ta hay nói đến phố cổ và coi đó như vùng lõi của Hà Nội. Tuy nhiên, dù là vùng lõi, nhưng cuộc sống tại khu phố cổ rất khó có thể coi là văn minh.

Bất động sản phố cổ rất đắt, nhưng chất lượng sống nơi đây rất thấp, 3 - 4 thế hệ ở trong một ngôi nhà, nhiều nhân khẩu trong mấy chục mét vuông và chính những mâu thuẫn này là động lực để phát triển đô thị, không gian sống chuẩn mực hơn ở không chỉ Hà Nội.

Để đô thị phát triển bền vững cần có sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng: Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển; cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên.

- Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị tại Việt Nam luôn là một chủ đề nóng và còn tồn tại không ít vấn đề cần được giải quyết. Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, Hà Nội phải chấp nhận đánh đổi, có thể mức độ phát triển sẽ chậm lại một chút khi không phát triển vội vã, ồ ạt, nhưng bù lại, chúng ta có được sự vững bền.

Thậm chí, nếu thấy quá sức khi làm các dự án quy hoạch lớn, chúng ta có thể bình tĩnh lại, nhường cho thế hệ con cháu sau này. Khi có đủ tài năng, trí tuệ và nền tảng vật chất, chắc chắn tầm nhìn cũng tốt hơn.

Đầu tư cho con người

Khi trao đổi với các chuyên gia, phóng viên Đầu tư Bất động sản ghi nhận được nhiều ý kiến đề cao vai trò của việc xây dựng các đô thị thông minh, và ở đó, các cư dân đô thị giữ vai trò trung tâm.

Ông Richard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá Cyberview, TP. Cyberiaya, bang Selangor (Malaysia) nêu quan điểm: “Con người phải là hạt nhân của các mối quan tâm trong chiến lược phát triển thành phố thông minh, thúc đẩy cộng đồng thông minh. Chúng ta thường quan tâm nhiều về công nghệ chứ chưa tương tác nhiều với cộng đồng. Cần phải trao đổi với cộng đồng nhiều hơn để hiểu về những thách thức.

“Chúng tôi thường xuyên tập huấn cho người dân thông qua các chương trình giáo dục, các cuộc triển lãm. Điều này được thực hiện cả với những công dân nhập cư”, ông Richard Ker cho biết thêm.

Tôi đồng ý rằng chúng ta cần có hạ tầng đủ lớn, nhưng cũng rất cần quan tâm đến việc đầu tư, hình thành một lớp người dân thông minh. Vì tựu chung, cuối cùng thành phố thông minh là để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do đó, nó phải lấy người dân làm hạt nhân.

- Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT

Việc đặt người dân ở vị trí trung tâm còn được thể hiện ở việc họ thường xuyên được tham vấn ý kiến về các vấn đề phát triển của đô thị. Kinh nghiệm thành công của các quốc gia đi trước cũng thể hiện rõ điều này: người dân tham gia ngày một sâu, rộng vào các chủ đề phát triển đô thị và không gian sống.

Ngài Pereric Högberg cho biết, ở Thụy Điển, với những công trình lớn, việc xem xét quy hoạch mất nhiều thời gian và phải chịu sự giám sát ngặt nghèo, đảm bảo tất cả người dân, những đối tượng chịu tác động của công trình được tham vấn một cách đầy đủ. Còn với các công trình nhỏ, kể cả việc xây dựng hay cải tạo một ngôi nhà thì người dân trong vùng sẽ được tham vấn. Thụy Điển có những cán bộ công chức ăn lương nhà nước để làm việc này và họ sẽ kiểm tra kiểm soát cẩn thận, không có tham nhũng, được thực hiện một cách nghiêm túc.

Theo ông Ekramul Hoque, Thị trưởng TP. Mymensingh (Bangladesh), để làm được điều này, người dân cần được đào tạo, được tham gia nhiều hơn vào công tác quy hoạch.

“Tôi cho rằng, cần phải tham vấn người dân nhiều hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, vì bản thân quy hoạch và thực tế vẫn có khoảng cách. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ xây dựng được tầm nhìn và quy hoạch tốt hơn. Tôi cũng đồng tình rằng, điều quan trọng là yếu tố con người”, ông Ekramul Hoque nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan