Giá trị danh mục chứng khoán mà NĐT nước ngoài đang nắm giữ khoảng trên 6 tỷ USD

Giá trị danh mục chứng khoán mà NĐT nước ngoài đang nắm giữ khoảng trên 6 tỷ USD

Tìm chiến lược “giữ chân” dòng vốn ngoại

(ĐTCK-online) Theo tính toán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), giá trị danh mục chứng khoán mà NĐT nước ngoài đang nắm giữ khoảng trên 6 tỷ USD.

>> Hơn 6 tỷ USD vốn ngoại trên TTCK Việt Nam

Nỗ lực để con số này ngày một “phình” thêm đã khó, nhưng vấn đề trọng yếu, khó khăn hơn nhiều là làm thế nào để “giữ chân” dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) ở lại TTCK lâu hơn, ổn định hơn, nhằm tránh những tác động không lành mạnh đối với thị trường, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô khi dòng vốn này có tần xuất vào, ra cao.

Với đặc tính vào nhanh, ra cũng nhanh và khi rút ra khỏi bất cứ một nền kinh tế nào, dòng vốn FPI bao giờ cũng để lại những hậu quả rất nặng nề. Bởi vậy, vấn đề đang khiến các cơ quan quản lý “đau đầu” là làm thế nào để đạt mục tiêu kép: cùng với thực thi các chính sách tăng thu hút dòng vốn FPI, thì một nhiệm vụ quan trọng hơn là giữ dòng vốn này lưu lại lâu dài, ổn định hơn cho TTCK.

Hiện tại, do đặc thù thị trường tài chính chưa phát triển toàn diện, dòng vốn FPI vào Việt Nam đang được kiểm soát khá chặt. Tính thanh khoản của TTCK còn hạn chế khiến NĐT ngoại khi muốn chuyển đổi từ cổ phiếu ra tiền không phải lúc nào cũng thuận lợi. “Chiếc van” khống chế biên độ tăng giảm của TTCK cũng giúp hạn chế mức độ “sốc” cho thị trường khi dòng vốn ngoại có biến động. Thị trường tiền tệ, nhất là thị trường ngoại hối được kiểm soát chặt chẽ đang góp phần đảm bảo cho việc chủ động quản lý dòng vốn FPI…

“Tuy nhiên, khi thị trường tài chính Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế toàn cầu theo cam kết WTO, thì những biện pháp quản lý trên sẽ dần bị thay thế bằng các công cụ phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Khi đó sẽ có rất nhiều khó khăn cho quản lý dòng vốn FPI, nếu ngay từ bây giờ không chú trọng xây dựng chính sách quản lý chặt chẽ dòng vốn này”, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK cảnh báo.

Với thực trạng như vậy, nhiều ý kiến nêu ra tại hội thảo “Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế”, do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài và Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) phối hợp tổ chức ngày 21/5, đã hối thúc cơ quan quản lý sớm bắt tay xây dựng cơ chế quản lý dòng vốn FPI đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc đầu tiên, theo VASB là cần cải tiến công tác thu thập dữ liệu chuẩn xác, cập nhật về dòng vốn FPI để phục vụ hiệu quả cho điều hành kinh tế vĩ mô. Đây là đòi hỏi cấp bách, nhằm khắc phục tình trạng hiện cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được dòng vốn FPI trên TTCK tập trung dựa trên dữ liệu về cấp mã số giao dịch, mà chưa kiểm soát được tình hình NĐT nước ngoài tham gia trên TTCK tự do. Kèm theo đó, cần làm rõ việc phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý trong công tác quản lý dòng vốn FPI, bởi thực tế đang bộc lộ nhiều bất hợp lý. Điều này, theo ông Lê Văn Châu, Chủ tịch VASB, được thể hiện qua sự phân công trách nhiệm chưa rõ ràng giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, giám sát dòng vốn FPI, cũng như hoạt động của NĐT nước ngoài, nên ảnh hưởng đến việc tham vấn, hoạch định chính sách vĩ mô để điều tiết dòng vốn FPI và hoạt động của TTCK.

Muốn “giữ chân” dòng vốn ngoại, theo UBCK, cần có chính sách khuyến khích NĐT dài hạn, các hình thức đầu tư tập thể; phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững chắc, có năng lực quản trị rủi ro và đạo đức nghề nghiệp cao. Muốn đạt mục tiêu này, rõ ràng đòi hỏi TTCK Việt Nam phải phát triển đến một quy mô lớn hơn, đảm bảo tính chuyên nghiệp và minh bạch hơn.

Chủ động xây dựng chính sách dự phòng, nhất là cơ chế hoạt động của thị trường tiền tệ để đảm bảo linh hoạt trong ứng phó với sự dịch chuyển khó lường của dòng vốn FPI. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng để có phương án xử lý kịp thời trong tình huống dòng vốn FPI đảo chiều. Tập trung củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là năng lực tài chính, hệ thống thẩm định tín dụng và các quy định về quản trị rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động khi tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn từ nước ngoài…

“Một khi thị trường tài chính phát triển minh bạch, sản phẩm tài chính đa dạng, cơ chế xác định giá chứng khoán vận hành theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh, thì sẽ tạo sức hút đối với dòng vốn FPI trong giai đoạn tới, đồng thời giảm thiểu nguy cơ thoái vốn”, ông Châu nói.