Tìm chiếc áo pháp lý cho DN nhà nước

Tìm chiếc áo pháp lý cho DN nhà nước

(ĐTCK) Cơ chế quản lý và vận hành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong những nội dung của cuộc họp Chính phủ vừa qua, nhằm tìm chiếc áo pháp lý mới cho các DN này.

Tìm chiếc áo pháp lý cho DN nhà nước  ảnh 1

Cần thực hiện tách quyền chủ sở hữu và quyền kinh doanh trong quá trình tái cơ cấu DNNN

 

Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy mô hình tập đoàn được triển khai nóng vội, không xuất phát từ nhu cầu nội tại của DN, mà được hình thành chủ yếu trên cơ sở phép cộng các đơn vị thành viên. Nhìn rộng hơn thì tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong cơ chế quản lý các tập đoàn, DNNN khá phổ biến, đơn cử như bộ chủ quản của các tổng công ty vừa phê duyệt ngân sách, vừa phê duyệt định hướng kinh doanh của những DN này, dẫn đến môi trường kinh doanh không bình đẳng, có lợi thế hơn cho DNNN so với các DN tư nhân. Trong khi đó, các cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu tại DNNN không sâu sát, không có hệ thống quản trị hữu hiệu để vừa giám sát hiệu quả, vừa công khai thông tin minh bạch. Khi kinh tế gặp khó khăn, những yếu kém của bản thân DNNN càng bộc lộ rõ.

Sau rất nhiều thảo luận, vai trò và trách nhiệm của DNNN vẫn chưa được làm rõ. Nếu coi DNNN là bà đỡ, đi trước mở đường cho các ngành khó khăn của nền kinh tế, những ngành chịu rủi ro nhiều, thì chức năng đó chưa được thực hiện tốt. Hệ thống DNNN đang đan xen nhiều nhiệm vụ và không rõ ràng. Lấy ví dụ ở ngành xi măng, trong khi đây là lĩnh vực do tư nhân làm được, nhưng DNNN đua nhau đầu tư, đầu tư theo phong trào. Hệ quả là cung vượt cầu, vốn đầu tư toàn do Nhà nước bảo lãnh và giờ DN không trả được nợ, lại cầu cứu Nhà nước hỗ trợ. Nếu đã xác định quyết liệt tái cơ cấu DNNN, thì nhất thiết phải dứt điểm và không lưỡng lự về quản lý hành chính. Nếu còn vương vấn quản lý hành chính nhà nước, thì khó thay đổi tư duy thói quen, khó đưa ra cơ chế quản lý vốn nhà nước rõ ràng và thiếu cơ chế gắn trách nhiệm.

Nên thay đổi tư duy như thế nào? Chủ sở hữu phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và có nguồn lực quản lý, giám sát hiệu quả với vốn nhà nước, phải tách được quản lý nhà nước và chủ sở hữu, đồng nghĩa với việc cần thực hiện quyền chủ sở hữu tập trung và thống nhất, tách quyền chủ sở hữu và quyền kinh doanh.

Sẽ không tiếp cận được nguyên tắc quản trị hiện đại khi áp dụng cơ chế cơ quan hành chính chủ quản, không ai chịu trách nhiệm và giải trình rất kém. Để tăng tính hiệu quả trong giám sát vốn nhà nước, rất cần thành lập một cơ quan chuyên nghiệp thực hiện quyền chủ sở hữu, bước đầu có thể phân loại DN để phân cấp quản lý. Đã có cơ quan này rồi thì thất thoát vốn họ phải chịu, khi đó bộ máy giám sát chéo sẽ chặt chẽ hơn.

Trước khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập, Việt Nam đã nghiên cứu hai mô hình quản lý vốn nhà nước: Temasek của Singapore và Ủy ban Giám quản của Trung Quốc. Khi thành lập SCIC, các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội đã kiến nghị cho SCIC quản lý vốn nhà nước tại các DN lớn, mà cụ thể là 17 tổng công ty 91, song cuối cùng DN này lại chỉ được giao quản lý những công ty nhỏ và chức năng chủ yếu là đi bán vốn nhà nước tại những DN ấy. Sau đó, Việt Nam thí điểm mô hình tập đoàn, chứ không theo mô hình Ủy ban Giám quản. Hiện tại, đang có nhiều đề xuất thực hiện mô hình Ủy ban Giám quản dưới quyền Bộ Tài chính.

Trong quá trình tái cơ cấu DNNN, cần thu hẹp phạm vi kinh doanh của DNNN, tạo dư địa nhiều hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Hiện nay, theo thống kê, tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của khối DNNN không lớn, 21.000/750.000 tỷ đồng vốn nhà nước, song ở một số trường hợp lại rất lớn. Để đẩy nhanh việc đưa các DNNN tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, cần có người chịu trách nhiệm và dám quyết việc thoái vốn. Thực tế đã có những trường hợp thực hiện như vậy, đơn cử việc chuyển vốn Vinashin tại Bảo Việt về SCIC.

Chính phủ sắp tới sẽ ban hành nhiều nghị định điều chỉnh hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo các thông lệ tiến bộ trên thế giới, quản trị vốn nhà nước hiện nay và trong tương lai cần đảm bảo các nguyên tắc. Thứ nhất, tập trung, thống nhất, chuyên trách quyền chủ sở hữu tại DN. Thứ hai, công khai hóa thông tin, công bố thông tin theo chuẩn mực DN niêm yết; giám sát chủ sở hữu để nâng cao trách nhiệm giải trình các bên; giám sát quản lý nội bộ.

Việt Nam cần xây dựng Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước, các tập đoàn cần có quy chế hoạt động bằng Pháp lệnh, quy chế tổ chức bằng Nghị định của Chính phủ. Tập đoàn và DNNN trong tương lai vẫn là nơi sử dụng nhiều nguồn tài nguyên quốc gia nhất, vì thế thông tin về hoạt động của khu vực DN này rất cần được công khai.