Tìm cách thích ứng với yêu cầu sản xuất xanh

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức để đáp ứng các quy định mới, tiêu chuẩn cao và ngày càng khắt khe về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của EU.

Yêu cầu khắt khe hơn

Nhiều quốc gia châu Âu đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu, kèm theo các chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn…

Theo quy định mới về CBAM, các nhà xuất khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, có hoạt động sản xuất, chế biến tại nhà máy và tạo ra phát thải khí CO2, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) đang áp dụng nhiều hình thức sử dụng năng lượng tái tạo như: pin năng lượng mặt trời; sử dụng xe nâng bằng điện để thay thế cho xe sử dụng dầu; bổ sung nhiều cây trồng tại nhà máy; giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch từ xăng dầu…

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food cho biết, Công ty xuất khẩu hàng hóa sang một số nước châu Âu. Các nhà nhập khẩu dù chưa bắt buộc phải báo cáo lượng khí thải, nhưng đã có yêu cầu phải cung cấp danh mục các hoạt động mà doanh nghiệp đang thực hiện nhằm giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc giảm phát thải khí carbon sẽ phải chứng minh bằng những số liệu cụ thể, chứ không đơn thuần là liệt kê những hoạt động mang tính chủ quan.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững Công ty cổ phần Tập đoàn PAN chia sẻ, hiện nay chuỗi siêu thị Tesco của Anh cam kết tiết lộ carbon footprint (dấu chân carbon) của tất cả các sản phẩm hải sản bán, bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu. Điều này đòi hỏi các nhà cung ứng của Tesco phải đáp ứng yêu cầu và thực hiện kiểm kê dấu chân carbon cho các sản phẩm đang xuất khẩu.

“Có những tiêu chí mà doanh nghiệp có thể đạt được ngay, nhưng cũng có những tiêu chí phải có sự đầu tư nhất định để đáp ứng về công nghệ, máy móc và thiết bị”, ông Trung Anh nói.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đỗ Hữu Hưng, cán bộ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) phân tích, tác động của CBAM đến sản lượng xuất khẩu là điều chắc chắn, trước tiên là mặt hàng thép và xi măng do suất phát thải lớn.

“Tác động của CBAM đối với sản lượng xuất khẩu phụ thuộc vào một số yếu tố như độ co giãn của cầu hàng hóa, sự sẵn có của hàng hóa thay thế và mức độ mà doanh nghiệp sản xuất có thể chuyển chi phí thuế sang người tiêu dùng. Có thể có nhiều quốc gia tiếp cận theo hướng này và mở rộng sang nhiều mặt hàng khác, nên đây cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp cần tính đến từ đầu ngay trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất”, ông Hưng thông tin.

Thách thức không nhỏ

Theo nhiều doanh nghiệp, chi phí mua tín chỉ carbon sẽ làm tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó, hoạt động đầu tư ban đầu quá lớn, cùng với các cơ chế về tín chỉ carbon chưa rõ ràng. Vì vậy, rất cần giải pháp từ các cơ quan, ban ngành, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định mua bán tín chỉ carbon nói riêng và đáp ứng các yêu cầu về xanh hóa nói chung.

Để đáp ứng yêu cầu xanh hóa của EU, hầu hết doanh nghiệp đều có những vấn đề khó giải quyết. Điển hình, Công ty cổ phần Bibica đang thải ra môi trường khoảng 23.000 tấn CO2/năm, trong đó, nguồn phát thải lớn nhất đến từ việc sử dụng than đá trong lò hơi, phần còn lại là từ nhiên liệu gas, điện…

Do đó, mục tiêu của doanh nghiệp là giảm 50% lượng phát thải trong vòng 3 năm tới, với nhiều giải pháp thiết thực như: đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm giảm khoảng 2.300 tấn CO2/năm và tiết kiệm được 20% chi phí điện năng trong sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Bibica, có nhiều bất cập với doanh nghiệp sử dụng điện năng lượng mặt trời như chính sách cho các đơn vị lắp điện mặt trời áp mái chưa rõ ràng. Hiện dự án của Bibica nói riêng và nhiều doanh nghiệp phía Nam nói chung đều phải dừng lại.

Trong khi đó, thị trường tín chỉ carbon cũng chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ cách thức vận hành, giá cả mua bán trên thị trường.

Tại GC Food, có những cánh đồng nha đam hàng trăm hecta; vườn cây dưa lưới, nho, táo hơn 100 ha; nhiều cánh đồng trồng cỏ, bắp… tổng diện tích này góp phần giúp doanh nghiệp trung hòa một lượng carbon khá lớn. Song, theo ông Thứ, với các hoạt động này, doanh nghiệp chỉ thu được tiền trong việc bán sản phẩm. Vì vậy, rất mong Nhà nước có cơ chế hướng dẫn rõ ràng hơn, khoa học hơn và có thông tin càng sớm càng tốt để doanh nghiệp có thể đăng ký diện tích trồng, số lượng cây trồng, thời gian trồng… nhằm quy đổi ra tín chỉ carbon, từ đó GC Food có thể có thu nhập thứ hai, không chỉ là việc bán sản phẩm, mà còn là hoạt động bán tín chỉ carbon.

Còn theo ông Trung Anh, các dự án giảm phát thải thường không đem lại lợi nhuận ngay lập tức. Điều này khiến các nhà đầu tư và cổ đông mong đợi lợi nhuận nhanh chóng không hài lòng.

Tin bài liên quan