GS-TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Có lẽ, chưa bao giờ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính quyết tâm bình ổn thị trường vàng như thời gian gần đây. Ông có nghĩ thế không?
Đúng thế. Khi giá vàng SJC trong nước tăng liên tục và có khoảng cách rất lớn với giá vàng trên thị trường thế giới, NHNN đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng, nhưng hiệu quả không đạt được như mong muốn, giá vàng SJC có giảm, nhưng vẫn còn chênh lệch rất lớn với giá vàng miếng trên thị trường thế giới.
Trước bối cảnh đó, NHNN đã thay đổi chiến lược bình ổn thị trường vàng bằng cách không tổ chức đấu thầu, mà cung vàng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), khiến giá vàng thương hiệu này giảm mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) bắt buộc hoạt động kinh doanh vàng phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Mới đây nhất, ngày 5/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, nhấn mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa, dịch vụ, trong đó có kinh doanh vàng.
Ông có nghĩ rằng, Nghị quyết 82/NQ-CP đủ mạnh để thiết lập lại trật tự trên thị trường vàng?
Tôi cho rằng, đã đủ mạnh khi Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế là trước ngày 15/6/2024. Hoạt động kinh doanh vàng là kinh doanh có điều kiện, sau thời điểm này (ngày 15/6/2024), cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng.
Các giải pháp trên là đủ mạnh để thiết lập lại thị trường vàng, đáp ứng nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân, nhưng quan trọng hơn là phải khai thác được lượng vàng khổng lồ đang tích trữ trong dân đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho xã hội và phát triển được công nghiệp chế tác vàng trang sức.
Cũng có nhiều đề xuất muốn khai thác lượng vàng tích trữ trong dân, nên đề xuất cho phép ngân hàng huy động vàng với lãi suất hợp lý?
Với nguồn vàng trong dân vô cùng lớn không được khai thác, đưa vào nền kinh tế để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đã có nhiều chuyên gia kiến nghị cho phép ngân hàng huy động vàng.
Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, vì ngân hàng không thể huy động vàng của người dân và cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vay vàng, mà phải bán ra thị trường lấy tiền đồng cho vay. Khi người dân gửi vàng lấy gốc và lãi, thì ngân hàng lấy vàng ở đâu để trả, ngoài việc phải đi mua lại vàng trên thị trường? Bài toán cho ngân hàng huy động vàng có quá nhiều tham số, nên dù được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay, bài toán này vẫn bỏ ngỏ, vẫn chỉ là ý tưởng. Đó là chưa kể, nếu quản lý không chặt dễ dẫn đến vàng hóa nền kinh tế.
Để giải quyết bài toán đó, nhiều chuyên gia đề xuất cho phép ngân hàng huy động vàng tài khoản, thay vì vàng vật chất. Ông nghĩ ý tưởng này thế nào?
Huy động vàng tài khoản hiểu nôm na là người dân có 80 triệu đồng, tương đương với một cây vàng, họ không muốn gửi bằng tiền vì sợ mất giá và tâm lý giữ vàng còn rất lớn, nên người ta gửi 80 triệu đồng vào ngân hàng và quy đổi ra một cây vàng. Khi người dân lấy gốc và lãi, thì ngân hàng quy đổi ra giá vàng tại thời điểm đó để trả cả gốc và lãi bằng tiền đồng. Phương thức này đạt được rất nhiều mục tiêu, như giảm nhu cầu tích trữ vàng vật chất, huy động được vàng trong dân chúng đưa vào nền kinh tế, nên về lâu dài cũng phải nghiên cứu và có thể thí điểm.
Tôi cũng xin lưu ý, một số nước áp dụng phương thức huy động vàng tài khoản, nhưng sau một thời gian thực hiện không thấy hiệu quả, nên đã dừng lại. Do vậy, Việt Nam phải hết sức cẩn trọng, vì huy động vàng tài khoản là kênh đầu tư tài chính mới, rất phức tạp.
Dẫu vậy, cũng cần phải nghiên cứu các phương thức hiệu quả nhất để khai thác nguồn tài chính dưới dạng vàng vật chất vô cùng lớn trong dân.
Thế còn phát triển ngành công nghiệp chế tác vàng trang sức thì sao, thưa ông?
Vàng trang sức là hàng hóa, là loại nữ trang, có sức hấp dẫn đặc biệt với phụ nữ vì ai cũng có nhu cầu làm đẹp. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta mua bán vàng trang sức như mua bán hàng hóa bình thường, thông dụng. Với Việt Nam, vàng trang sức là của để dành, tài sản phòng thân, của hồi môn. Với dân số trăm triệu người, thị trường vàng trang sức ở Việt Nam vô cùng lớn.
Khi coi vàng trang sức là một loại nữ trang, thì cần phải phát triển ngành công nghiệp chế tác vàng trang sức. Theo đó, NHNN cho phép doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu vàng miếng về chế tác thành vàng trang sức phục vụ thị trường.
Singapore có dân số chỉ trên 6 triệu người, nhưng doanh thu từ ngành công nghiệp chế tác vàng bạc đạt 6-7 tỷ USD. Còn người dân Việt Nam có tay nghề thủ công mỹ nghệ rất cao, nhưng doanh thu của ngành công nghiệp chế tác vàng bạc rất ít. Vì thế, một mặt lập lại trật tự thị trường vàng, đồng thời phải phát triển ngành công nghiệp chế tác vàng trang sức.