Tìm cách gỡ khó cho họp đại hội trực tuyến

Tìm cách gỡ khó cho họp đại hội trực tuyến

(ĐTCK) Những vướng mắc về tổ chức đại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) trực tuyến nếu kịp thời được giải tỏa sẽ giúp các doanh nghiệp ứng dụng hình thức này trong mùa đại hội năm nay.

Theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử (e-voting) hoặc hình thức điện tử khác để tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ), nhưng để sử dụng hình thức này thì điều lệ công ty phải có quy định cụ thể.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay do chưa có kế hoạch ứng dụng hình thức e-voting nên chưa sửa đổi điều lệ để bổ sung nội dung này và việc triệu tập ÐHCÐ để sửa đổi điều lệ tại thời điểm hiện nay là không dễ dàng.

Theo Nghị định 71/2019/NÐ-CP, công ty đại chúng có trách nhiệm quy định tại quy chế nội bộ về quản trị công ty về việc áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp ÐHCÐ.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này trong quy chế nội bộ cũng phải được ÐHCÐ thông qua, trong khi phần lớn công ty đại chúng hiện nay chưa có sẵn nội dung về E-voting trong quy chế quản trị nội bộ.

Trước khi diễn ra dịch bệnh, hầu như không doanh nghiệp (DN) nào quan tâm đến việc xây dựng quy chế về ÐHCÐ trực tuyến.

Tuy nhiên, năm 2020, do yếu tố bất thường của dịch Covid-19 xuất hiện khiến cả xã hội phải cách ly, các DN buộc phải đi tìm giải pháp khác với cách làm thông thường là ÐHCÐ trực tiếp.

Về phía Bộ Tài chính, để tháo gỡ các vướng mắc trên cho DN, Bộ Tài chính dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các các doanh nghiệp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua sửa đổi, bổ sung quy chế nôi bộ về quản trị công ty cũng như sửa đổi, bổ sung điều lệ quy định về thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại ÐHCÐ trong thời gian phù hợp.

Theo quy định tại Nghị định 71/2017/NÐ-CP, quy chế nội bộ về quản trị công ty phải được hội đồng quản trị xây dựng, trình ÐHCÐ thông qua.

Căn cứ Ðiều 143, Luật Doanh nghiệp, trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác và quy chế nội bộ về quản trị công ty không thuộc các trường hợp quy định tại Ðiều này, công ty được quyền lựa chọn hình thức thông qua quy chế nội bộ về quản trị công ty bằng phương thức lấy ý kiến bằng văn bản hoặc biểu quyết tại cuộc họp.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn thoáng hơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Ðức Hiếu cho rằng, vướng mắc trên của DN không khó giải quyết.

Cụ thể, Ðiều 140, Luật Doanh nghiệp quy định 4 hình thức mà thông qua đó cổ đông được coi là tham dự, trong đó có hình thức tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác, hoặc gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.

Theo đó, công ty và cổ đông có liên quan có quyền lựa chọn một trong 4 hình thức để tổ chức họp, tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ÐHCÐ.

Bên cạnh đó, Ðiều 142, Luật Doanh nghiệp quy định về thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại ÐHCÐ. Nếu điều lệ không quy định khác, thì công ty phải thực hiện các công việc như quy định tại Ðiều 142 khi tiến hành họp đại hội.

Trong trường hợp này, cổ đông vẫn được coi là dự họp và thực hiện quyền biểu quyết từng nội dung, vấn đề được nêu tại Ðiều 142, nếu thực hiện thông qua một trong 4 phương thức quy định tại Ðiều 140.

Theo đó, ông Hiếu cho rằng, các công ty có thể không nhất thiết phải sửa đổi điều lệ công ty mới có thể áp dụng, bởi Ðiều 140 quy định cổ đông đương nhiên có 4 lựa chọn khi tham dự họp ÐHCÐ, trong đó có hình thức trực tuyến sử dụng công nghệ có thể tương tác, hoặc thậm chí họ cũng không muốn tham dự một cách tích cực thì họ có thể gửi trực tiếp ý kiến.

“Cứ theo Ðiều 140, cổ đông tham gia bất kể cách thức nào cũng đều đúng luật”, ông Hiếu nói và cho rằng, các doanh nghiệp chưa có quy định trong điều lệ về ứng dụng công nghệ thông tin thì có thể áp dụng Ðiều 140 để thực thi việc này.

Tuy nhiên, về phía DN, nỗi lo lớn nhất của họ không chỉ là làm sao cho đúng luật, mà còn là làm sao để ÐHCÐ diễn ra an toàn, trơn tru, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện sau này.

Theo đó, nhiều DN bày tỏ họ cần có hướng dẫn từ nhà quản lý, đặc biệt là hướng dẫn về bổ sung trình tự ÐHCÐ trực tuyến như thế nào vào điều lệ hoặc quy chế quản trị công ty, để trên cơ sở đó, việc tương tác giữa DN với cổ đông theo hình thức mới (trực tuyến) có sự thống nhất, tránh đi những hệ lụy sau này.

Ðầu tư Chứng khoán sẽ theo tiếp những vướng mắc của DN để tìm lời giải từ nhà quản lý trong các số báo sau.      

Tin bài liên quan