Đó là quan điểm của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư trước vướng mắc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi trao đổi với ĐTCK.
UBCK đang có nhiều băn khoăn khi muốn đình chỉ hoạt động các CTCK yếu kém. Quan điểm của ông thế nào?
|
Băn khoăn hiện nay bắt nguồn từ quan điểm xây dựng Luật Chứng khoán, khi cơ quan quản lý cho rằng, để tránh cho CTCK phải chạy đến hai cửa là UBCK để làm thủ tục cấp giấy phép hoạt động và cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nên gộp hai loại giấy này làm một. Tuy nhiên, việc cải cách thủ tục hành chính này đang làm phát sinh bất cập là nếu rút giấy phép hoạt động thì pháp nhân là CTCK không còn tồn tại, trong khi lẽ ra phải tiếp tục tồn tại để giải quyết các nghĩa vụ liên quan, nhất là việc thanh toán công nợ…
Rắc rối trên đã không xảy ra nếu khi xây dựng Luật Chứng khoán, ban soạn thảo không “quên” cái gốc là Luật Doanh nghiệp. Với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, dù cải tiến thủ tục cấp giấy phép hoạt động để bớt phiền hà cho DN, nhưng đều tuân thủ nguyên tắc là phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trên cơ sở đó, đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan quản lý chuyên ngành mới cấp giấy phép hoạt động.
Để khắc phục tình trạng vừa nêu, được biết, UBCK đang báo cáo Bộ Tư pháp xem xét phương án sửa đổi các văn bản pháp quy theo hướng tách thành hai loại giấy phép; hoặc phương án khác, nhưng khi rút giấy phép hoạt động, CTCK vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ theo quy định. Ông nghĩ sao về hướng giải quyết này?
Tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý khi muốn rút giấy phép hoạt động các CTCK vi phạm quy định trong quá trình hoạt động, cũng như tạo thuận lợi cho các CTCK chuyển đổi mô hình hoạt động khi không có nhu cầu kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Câu chuyện CTCK Kim Long đã không chuyển đổi được mô hình hoạt động vẫn còn nguyên tính thời sự. Vấn đề này sẽ còn tiếp diễn, chừng nào giấy phép mẹ và giấy phép con vẫn gộp chung như hiện tại.
Theo ông, đâu là giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc này?
Trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn liên quan, không khó để đưa ra một biện pháp khả thi, minh bạch cho việc xóa sổ CTCK, hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động khi họ có nhu cầu.
Theo tôi, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn về đăng ký kinh doanh đối với CTCK, tương tự như các loại hình DN khác. Trong đó, cần quy định chi tiết việc tách chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo hướng chuyển về cho cơ quan đăng ký kinh doanh đảm trách, còn UBCK chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các CTCK. Với hướng điều chỉnh này, khi bất kỳ CTCK nào vi phạm đến mức bị đình chỉ hoạt động, UBCK hoàn toàn chủ động rút giấy phép, mà không hề xóa sổ pháp nhân là CTCK, do vẫn còn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bởi vậy, các CTCK đương nhiên phải tiếp tục thực thi các nghĩa vụ khác, trong đó có việc trả nợ theo quy định của pháp luật.
Nhưng làm như vậy, có quá phiền hà cho các CTCK, thưa ông?
Trong điều kiện pháp lý và thị trường hiện tại, khó có biện pháp nào khả dĩ hơn nếu muốn khắc phục bất cập mà cơ quan quản lý đang gặp phải. Để giảm thiểu phiền hà cho CTCK, khi xây dựng dự thảo thông tư, nên thiết kế một điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, với các CTCK đang hoạt động, giấy phép hoạt động hiện tại được coi là giấy phép hành nghề, hoạt động. Tuy nhiên, họ cần làm thủ tục bổ sung là xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như các loại hình DN khác vẫn làm. Với các CTCK thành lập mới, cần thực hiện theo nguyên tắc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước, trên cơ sở đó, UBCK mới cấp giấy phép hoạt động.
Phương án ông vừa nêu có trái luật không, khi Luật Chứng khoán quy định, UBCK cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho CTCK, giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?
Đây là quy định thừa nhận DN kinh doanh chứng khoán có quyền không cần đăng ký kinh doanh, nhưng cũng không cấm CTCK không kinh doanh chứng khoán nữa được quyền đăng ký kinh doanh.
Cần nhìn nhận thực tế, những DN từ bỏ chức năng kinh doanh chứng khoán, nếu thực hiện đăng ký kinh doanh lại tại các phòng đăng ký kinh doanh, thì chủ yếu chỉ là thay đổi thông tin về ngành nghề kinh doanh. Việc này không gây khó khăn cho DN và cũng không làm xáo trộn trong quản lý thông tin DN của các cơ quan đăng ký kinh doanh. Bởi những thông tin mà cơ quan đăng ký kinh doanh quản lý thường là thông tin về trụ sở, người đại diện, vốn điều lệ…, UBCK quản lý khá chặt, nên khi thay đổi đăng ký kinh doanh, việc ghi nhận lại sẽ tương đối dễ dàng.