Bảo hiểm xã hội tự nguyện vắng… khách
Kể từ ngày 1/1/2018, theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với những đối tượng nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác, tỷ lệ lần lượt là 30%, 25% và 10%.
Mức hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ làm tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện, vì thực tế những năm qua cho thấy, mức độ tham gia BHXH thường thay đổi khi có sự thay đổi về cơ chế chính sách.
Năm 2009, năm đầu triển khai quy định BHXH tự nguyện, mức tham gia BHXH tự nguyện đã tăng 6,7 lần so với năm 2008. Tuy nhiên, những năm sau đó, đặc biệt từ năm 2013, mức độ gia tăng giảm nhanh. Kết quả là sau gần 9 năm thực hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 200.000 người, chiếm 0,42% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Đại, Phó ban Thu (BHXH Việt Nam) cho rằng, mục tiêu mở rộng 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện đến năm 2020 là không dễ, khi mức hỗ trợ này dựa trên mức sống trung bình vùng nông thôn là 700.000 đồng/tháng là không nhiều.
Hơn thế, quy định về thời gian đóng góp của BHXH tự nguyện được cho là không hấp dẫn, vì kéo dài tới 20 năm, với mức đóng lên tới 22%, trong khi nếu làm ở doanh nghiệp và nộp BNXH bắt buộc, thì chủ sử dụng đã đóng tới 70%, người lao động chỉ đóng 30%.
Cũng phải nói thêm, theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với bình quân 28 năm đóng BHXH tương ứng tuổi nghỉ hưu thực tế là 54,2 và kỳ vọng sống là 78,8 tuổi thì thời gian hưởng lương hưu thực tế của Việt Nam sẽ là 24,6 năm. Nhưng số tiền đóng BHXH của người lao động trong 28 năm chỉ đủ chi trả cho người lao động nghỉ hưu trong 10 năm. Với mô hình hưu trí của Việt Nam, để có thời gian hưởng lương hưu 20 năm thì thời gian người lao động đóng vào quỹ BHXH phải lên tới 40 năm.
Rõ ràng, theo cách tính của các tổ chức quốc tế, người tham gia BHXH đang được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, hỗ trợ quá ít đi cùng thời gian đóng nhiều, mức đóng cao và quy định người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất và không được hưởng 5 chế độ ngắn hạn như BHXH bắt buộc, khiến cho BHXH tự nguyện vẫn vắng khách.
Thách thức cân đối quỹ BHXH
Tình trạng không… đắt khách cũng tương tự với BHXH bắt buộc. Năm 2007 (thời điểm Luật BHXH 2006 có hiệu lực thi hành), mức gia tăng diện bao phủ BHXH bắt buộc đạt tới 121%, nhưng đã giảm mạnh sau đó, chỉ dao động không quá 7% trong cả giai đoạn 2006-2016.
Với mức gia tăng này, thống kê tới tháng 10/2017, diện bao phủ BHXH mới đạt 14,6 triệu người (chiếm 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi), còn trên 34 triệu người (chiếm 69,6% lực lượng lao động trong độ tuổi) chưa tham gia. Số đối tượng được hưởng hưu trí BHXH tính đến tháng 9/2017 mới đạt 2,25 triệu người, chiếm 20,1% số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Thực trạng này khiến quỹ BHXH ngày càng căng thẳng.
Trong Hội thảo “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội – kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị đối với Việt Nam” mới đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm cân đối quỹ BHXH.
Nhìn nhận từ thực tế, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định, người lao động hiện không thể làm gì khi doanh nghiệp nợ đọng, thậm chí không đóng BHXH. Do vậy, ông Quảng đề xuất cho phép người lao động đóng riêng, chủ sử dụng lao động đóng riêng.
“Nếu người lao động nợ tiền BHXH, công đoàn sẽ đảm nhận việc thu, còn chủ sử dụng lao động nợ thì các cơ quan khác có trách nhiệm thu hồi, tránh tình trạng như hiện nay”, ông Quảng nói.
Ở góc độ vĩ mô, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) muốn nhắc tới tình thế của Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số ở mức kỷ lục. “Nếu các nước khác mất 50 năm để chuyển đổi từ chính sách trẻ sang chính sách già hóa thì Việt Nam trong vòng 15 năm phải có sự chuyển đổi về chính sách. Đây là thách thức không nhỏ cho Việt Nam”, vị đại diện này nói.
Do đó, đại diện WB đề nghị Việt Nam nên xem xét phát triển cả hình thức hưu trí tư nhân song hành cùng hệ thống hưu trí BHXH của Nhà nước.
“Một hình thức đầu tư đa tầng cho quỹ hưu trí nên được tính tới với nhiều hình thức đóng, nhiều mức đóng tương ứng với nhiều mức hưởng thay vì hệ thống đơn tầng như hiện nay”, đại diện WB nói.
Gần đây nhất, Bộ Tài chính vừa có đề xuất cơ quan thuế thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đóng bảo hiểm xã hội. Theo dự thảo của Bộ Tài chính, đây là biện pháp tránh tình trạng doanh nghiệp có 2 hệ thống thang bảng lương như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Đại cho rằng, mặc dù mô hình giữa cơ quan BHXH và cơ quan thuế có sự tương đồng trong tổ chức ngành dọc từ trung ương tới các địa phương, nhưng nhiệm vụ thu hoàn toàn khác nhau. Riêng với doanh nghiệp, ngay khi người lao động ký hợp đồng, cơ quan BHXH phải lập hồ sơ để giải quyết các chế độ sau đó, trong khi cơ quan thuế chỉ quyết toán thuế theo 6 tháng, thậm chí 1 năm, thu tổng thu của doanh nghiệp và cá nhân chịu thuế thu nhập. Do đó, thu chỉ là một phần việc nhỏ của cơ quan BHXH.
Ông Đại cũng cho biết, cơ quan BHXH đang phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp dữ liệu quỹ lương của doanh nghiệp, thuế phát sinh… và cơ quan BHXH khai thác trên dữ liệu này.