KBC liên tục mở rộng được mối quan hệ và thu hút nhiều tập đoàn lớn về Việt Nam đầu tư
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024, ông Nguyễn Hồ Nam, người sáng lập Tập đoàn Bamboo Capital chia sẻ: “Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp thường hướng đến triết lý thắng - thua, thì ngày nay, để tiến xa và tạo ra giá trị bền vững, cần thay thế bằng triết lý ‘win-win’, nơi cả hai bên cùng có lợi và thúc đẩy lẫn nhau phát triển”.
Bamboo Capital hiện trong Top 3 doanh nghiệp năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn vận hành các nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ có công suất 330 MW, BCG Long An 1 công suất 40,6 MW, BCG Long An 2 công suất 100,5 MW và BCG Vĩnh Long công suất 49,3 MW.
Vào tháng 7/2024, Tập đoàn đã khởi công nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2025 với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 6.400 tỷ đồng, công suất đốt rác từ 2.000 - 2.600 tấn mỗi ngày, tương ứng với công suất phát điện đạt 60 MW. Giai đoạn 2, công suất đốt rác của nhà máy sẽ được mở rộng lên 8.000 tấn/ngày.
Để vươn xa hơn, Bamboo Capital đã hợp tác với nhiều đối tác quốc tế như Tập đoàn Điện lực Singapore (Singapore Power), Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank), Sembcorp Industries, Hanwha Energy, Leader Energy Group, SK Ecoplant, Sudokwon Landfill Site Management Corp,…
Không chỉ doanh nghiệp tư nhân mới có động lực thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, năm 2024 cũng chứng kiến sự năng động của nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt tổng sản lượng tiêu thụ cả năm 1,31 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 330.000 tấn. Đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, Công ty trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhận chứng chỉ xuất khẩu hàng rời vào Úc, đánh dấu có mặt tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Hợp tác với Samsung C&T để phân phối Phân bón Cà Mau trên thị trường thế giới, hợp tác với Tập đoàn Vân Thiên Hóa (Trung Quốc) phân phối DAP chất lượng cao tại Việt Nam, M&A nhà máy sản xuất phân bón Hàn - Việt từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc), sự nhạy bén và năng động đã giúp doanh nghiệp đạt doanh thu 12.931 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.016 tỷ đồng năm 2024, vượt xa kế hoạch đặt ra đầu năm.
“Với những diễn biến nhanh chóng của thị trường hiện nay thì ảnh hưởng của thương hiệu với người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh. Người ta có thể rất nhanh quên những thương hiệu cũ để tiếp cận thương hiệu mới. Chúng tôi phải luôn nắm bắt thói quen, tập tính của khách hàng để biết cách duy trì, nhấn mạnh, đồng hành liên tục với người tiêu dùng”, ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc PVCFC chia sẻ.
Với nguyên tắc trong bất kỳ quan hệ hợp tác nào cũng phải “đôi bên cùng có lợi”, “hai bên cùng thắng”, “rủi ro cùng chia sẻ”, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã liên tục mở rộng được mối quan hệ và thu hút nhiều tập đoàn lớn về Việt Nam đầu tư.
Tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) những ngày cuối năm 2024 vẫn tấp nập công nhân thi công khu nhà xưởng giai đoạn mở rộng.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho mở rộng thêm 90 ha giai đoạn 2, Khu công nghiệp đã có nhà đầu tư đặt cọc lấp đầy diện tích đất thuê. Hiện các công tác chuẩn bị hoàn thiện nhà xưởng để đưa vào hoạt động vào năm 2025 đang được các đối tác hoàn tất.
Trước đây, doanh nhân vui vì những thành tựu trong nước, nhưng giờ là lúc niềm vui phải tầm cỡ khu vực, toàn cầu.
Đại diện khu công nghiệp này cho biết, ba đối tác lớn thuê đất khu mở rộng đều là những doanh nghiệp nằm trong chuỗi hoạt động của các tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam, cũng như Khu công nghiệp Quang Châu.
Đơn cử như Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, nổi tiếng với việc lắp ráp sản phẩm cho Apple, đã đầu tư hơn 3,2 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 1,55 tỷ USD vào Khu công nghiệp Quang Châu (Tập đoàn có các công ty con đầu tư vào cùng khu công nghiệp như Fukang 539 triệu USD, Fuyu 334 triệu USD, Fuhong 52 triệu USD, Fulian 621 triệu USD...).
Hiện một công ty con của Foxconn đã thuê đất mở rộng tại Khu công nghiệp Quang Châu để đầu tư 80 triệu USD vào Việt Nam sản xuất chip.
Tính đến nay, Khu công nghiệp Quang Châu đã lấp đầy diện tích cho thuê, thu hút 48 dự án đầu tư nước ngoài tại đây, trong đó còn có các tên tuổi lớn khác như Luxshare, Jasolar, Siflex. Số lao động được tuyển dụng là 76.000 lao động, đóng góp lớn vào việc tạo ra công ăn việc làm và ngân sách địa phương.
Có lẽ, một trong những tập đoàn hợp tác trong và ngoài nước nhiều nhất năm 2024 phải kể đến FPT. Gần như ngày nào tập đoàn này cũng ký mới thỏa thuận hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ, ở tuổi này, ông vẫn là người bán hàng cho doanh nghiệp, tìm kiếm hợp tác cho doanh nghiệp. Ông nói: “Mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải làm cái mới. Người đứng đầu doanh nghiệp phải thường xuyên trả lời ba câu hỏi: Thời gian tới, thị trường thay đổi như thế nào? Đối thủ có hành động gì? Khách hàng mong muốn gì? Từ đó, tiếp tục suy nghĩ: Doanh nghiệp có vị thế ra sao? Công nghệ phải khác đi như thế nào? Con người thay đổi như thế nào?”.
Người đứng đầu doanh nghiệp phải luôn đau đáu về chiến lược, tư duy đổi mới và làm gương. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo đổi mới phải có cả tư duy, hành động mới cũng như khát khao đưa doanh nghiệp hóa hổ, hóa rồng. Từ đó, doanh nghiệp góp phần xây dựng đất nước hùng mạnh.
“Thị trường, nhân lực, vốn của thế giới cũng là của các bạn - những người chủ doanh nghiệp. Quan trọng là có gì để tích hợp và tạo giá trị cho khách hàng, đối tác”, ông Bình nói.
FPT từng xuất phát điểm không vốn, không kinh nghiệm, chỉ có nhiệt huyết của đội ngũ sáng lập đã từng bước đi lên.
“Không phải tự nhiên FPT thành công. Ước mơ nào cũng phải trả giá. Chúng tôi làm việc chục năm không có ngày nghỉ. Bạn có sẵn sàng trả giá không? Có sẵn sàng đứng đầu sóng, ngọn gió cùng nhân viên để đưa doanh nghiệp vươn tầm quốc tế không?”, ông Bình đặt câu hỏi và cho biết: “Trước đây, doanh nhân vui vì những thành tựu trong nước, nhưng giờ là lúc niềm vui phải tầm cỡ khu vực, toàn cầu”.
“Đang có nhiều câu hỏi rất mới cần phải trả lời. Công nghệ số có thể giúp chúng ta những gì, tăng năng suất lao động lên bao nhiêu, mở thêm bao nhiêu khách hàng mới... Làm sao đào tạo được nguồn nhân lực, nâng giá trị gia tăng của mỗi con người để đáp ứng sự tăng trưởng của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh thời gian của kỳ dân số vàng đang ngắn lại nhanh chóng… Đất nước chờ đợi doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên toàn cầu, thị trường thế giới mênh mông và tất cả nằm trong tay những người lãnh đạo mới”, ông Bình khẳng định.