Tiêu thụ xi măng trong nước không tăng, xuất khẩu sụt giảm

0:00 / 0:00
0:00
Tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa 8 tháng 2022 đạt khoảng 43,56 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2021, trong khi kênh xuất khẩu sụt giảm 23,7% về lượng, còn 21,7 triệu tấn.
Tiêu thụ toàn ngành xi măng 8 tháng 2022 giảm 8% so với cùng kỳ.

Tiêu thụ toàn ngành xi măng 8 tháng 2022 giảm 8% so với cùng kỳ.

Nguồn cung lớn, trong khi cầu không tăng, ngành xi măng đang gặp áp lực lớn về tiêu thụ. Báo cáo tiêu thụ ngành hàng này cho biết, 8 tháng năm 2022, tiêu thụ toàn ngành xi măng đạt 65,33 triệu tấn, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 43,56 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu xi măng, clinker 8 tháng chỉ đạt khoảng 21,77 triệu tấn, trị giá 962 triệu USD, giảm 23,7% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Sau năm 2021 lập kỷ lục về xuất khẩu gần 46 triệu tấn, xuất khẩu những tháng gần đây đã sụt giảm mạnh do Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính clinker giảm nhập khẩu do thực thi chính sách Zero Covid-19, thị trường lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao...kèm theo thuế chống bán phá giá trên 10% đang áp với xi măng từ nước ta.

Xuất khẩu vẫn đang trên đà giảm tiếp khiến các nhà sản xuất xi măng trong nước rất lo ngại trong khi chi phí sản xuất clinker tăng rất mạnh. Để giảm áp lực chi phí đầu vào, từ tháng 3 tới nay đã có 3 đợt tăng giá xi măng, nhưng theo các doanh nghiệp, mức tăng giá cả 3 đợt từ 220-270.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu chưa thể bù đắp nổi chi phí.

Lượng hàng tồn kho trong cả nước hiện khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương từ 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.

Năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức cao (khoảng 107 triệu tấn năm 2022 và hoàn toàn có thể gia tăng sản xuất thêm lên gần 130 triệu tấn nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia), trong khi tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ khoảng trên 60 triệu tấn, xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng của các doanh nghiệp trong ngành.

Hiện nay Việt Nam là nước có sản lượng xi măng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, đây là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, trong khi khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa còn hạn chế (dưới 65 triệu tấn).

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền xi măng đi vào hoạt động, bao gồm Xuân Thành 3 (4,5 triệu tấn), Long Thành (2,3 triệu tấn), Long Sơn 4 (2,5 triệu tấn). Riêng dự án xi măng Đại Dương 1, công suất trên 2 triệu tấn đáng lẽ vận hành cuối năm nay nhưng đã lùi hạn hoàn thành sang năm 2023. Như vậy, cuối năm nay, công suất ngành xi măng sẽ được bổ sung thêm khoảng chục triệu tấn nữa.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, từ nay đến cuối năm là giai đoạn mà các dự án đầu tư công được đẩy mạnh nên bức tranh tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ được cải thiện, trong đó có xi măng, từ đó giúp nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng, xử lý được hàng tồn kho.

Tin bài liên quan