Tiêu thụ của ngành thép và xi măng trong 9 tháng đầu năm 2013 đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, thép tăng 2,46% và xi măng tăng gần 12%. Tuy nhiên, trong ngành thép và xi măng, mức tiêu thụ giữa các doanh nghiệp cũng có sự khác biệt lớn. Chẳng hạn, tiêu thụ thép của Hòa Phát tăng 7,86%, trong khi Thép Việt Ý đã phải dừng sản xuất 46 ngày do lượng tồn kho nguyên liệu tăng cao.
Lượng tồn kho gạch ốp lát trong quý III đã giảm xuống so với quý II
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thép Việt vẫn chưa thoát khỏi sự đeo bám của thép Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường, với giá bán thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, tiêu thụ xi măng đã có sự cải thiện rõ rệt với mức tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm đạt 44,4 triệu tấn, tăng gần 12% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu đạt gần 10 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ. Như vậy, sự tích cực của ngành xi măng chủ yếu đến từ xuất khẩu. Đơn cử như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), sản lượng xuất khẩu trong 9 tháng bằng 158% so với cùng kỳ, riêng quý III/2013 là 166% so với quý trước và bằng 394% so với cùng kỳ.
Tại thị trường phía
Dù tiêu thụ 9 tháng đầu năm của ngành xi măng khá tích cực, nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ xi măng trong các tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn. Nguyên nhân là do thời tiết mưa, bão nhiều khiến thị trường xây dựng gặp khó, trong khi đó, ngành xi măng lại vừa tăng giá bán với mức trung bình 90.000 đồng/tấn để bù đắp chi phí đầu vào. Cụ thể, Xi măng Hà Tiên tăng 130.000 đồng/tấn, Holcim 100.000 đồng/tấn, FICO từ 70.000 - 80.000 đồng/tấn…
Theo một số chuyên gia, việc tăng giá xi măng trong nước rất có thể làm mức tiêu thụ chậm lại đôi chút, nhưng về cơ bản sẽ không có biến động. Tuy nhiên, nếu tăng giá xuất khẩu, thì nguy cơ mất khách hàng là không thể tránh khỏi. Đơn cử, giá xuất khẩu clinker của Thái Lan hiện đang cao hơn Việt Nam khoảng 2 USD/tấn, nếu doanh nghiệp Việt Nam tăng khoảng 5 USD/tháng sẽ ngay lập tức bị mất khách hàng.
Bức tranh của ngành vật liệu xây dựng cũng ghi nhận điểm sáng ở phân khúc gạch ốp lát và kính xây dựng. Cụ thể, tồn kho của gạch ốp lát và kính xây dựng cũng giảm đáng kể, với 20 triệu m2 gạch ốp lát (tương đương 2 tháng sản xuất), kính xây dựng tồn khoảng 12 triệu m2, tương đương 1,5 tháng sản xuất so với mức 2 - 2,5 tháng sản xuất trong 6 tháng đầu năm.
Nếu như đầu năm, nhiều nhà sản xuất gạch ốp lát tìm đầu ra cho sản phẩm bằng con đường xuất khẩu, thì nay chiến lược của một số doanh nghiệp đã thay đổi.
Ông Kiều Văn Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gạch ốp lát CMC cho biết, dù sản lượng tiêu thụ của Công ty không tăng, nhưng do tung ra sản phẩm mới là gạch mài cạnh, có nhiều ưu điểm nổi trội hơn gạch thông thường và có giá cao hơn, nên doanh thu vẫn tăng. Ưu điểm của gạch mài cạnh là sẽ lát khít nhau, không dùng đến phụ gia nối mạch. Vừa đảm bảo thẩm mỹ, lại tiết kiệm thời gian thi công. Vì vậy, ngay khi vừa tung ra thị trường vài tháng, sản phẩm này đã được thị trường đón nhận và đang tiêu thụ tốt trên cả nước.
Không riêng vật liệu xây dựng, dòng sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời của Công ty SolarBK cũng được nhiều khách hàng đón nhận ở các dự án khách sạn, chung cư, resort.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty SolarBK cho biết, Công ty đã nhận chứng chỉ TUV cho sản phẩm pin năng lượng mặt trời IREX, đồng thời triển khai chương trình cam kết tiết kiệm 60% năng lượng cho hệ đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Nếu như chứng chỉ TUV như tấm vé thông hành để sản phẩm pin IREX ra thị trường thế giới, thì việc tiết kiệm được 60% năng lượng của hệ đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời mở ra hướng phát triển khả quan của Công ty tại thị trường trong nước.
>> Thị trường vật liệu: Muốn tồn tại phải tìm “sự khác biệt”