Vàng miếng lên ngôi, vàng trang sức sụt giảm!
Đúng như dự báo của các chuyên gia cho rằng ngoại trừ các nhu cầu mua sắm bắt buộc dịp cưới, hỏi, trong bối cảnh giá vàng đang tăng cao và biến động phức tạp hiện nay, giới kinh doanh ở Hà Nội cho biết, lượng tiêu thụ vàng trang sức phục vụ nhu cầu làm đẹp của người dân dịp giáp Tết đang sụt giảm đáng kể.
Tại Trung tâm Kim hoàn PNJ của Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận, những ngày này gần đây, lượng người đến tham quan, mua sắm đã giảm hơn hẳn so với sự sôi động, tấp nập thời điểm cùng kỳ tháng 12/2007.
GĐ Trung tâm, bà Thuý Dung cho biết các khách hàng có nhu cầu mua sắm, làm đẹp cho cá nhân dịp Tết đang lo giá vàng lên cao khiến giá thành sản phẩm cũng tăng theo nên lúc này họ có tâm lý chung là chần chừ, chờ đợi và cân nhắc kỹ trước khi mua.
Giá vàng tăng cao vào thời điểm giáp Tết khi người dân thường có nhu cầu rất lớn về mua vàng dự trữ, làm đẹp đã khiến cho mặt hàng vàng miếng bán rất chạy, còn vàng trang sức thì chậm hẳn.
Theo ông Minh Châu, chủ hiệu Bảo Tín Minh Châu thì sức mua vàng miếng ngày càng tăng vì sự thông dụng và dễ giao dịch còn vàng trang sức giảm rõ rệt ở loại vàng tuổi cao như 18K (vàng 75%).
Ông Châu ước đoán, việc tiêu thụ vàng trang sức thường tăng trên dưới 150% vào thời điểm giáp Tết thì hiện tại, lượng mua không những không tăng mà còn có nguy cơ giảm đi khoảng 30% so cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định lượng tiêu thụ giảm trên 20% những ngày qua, bà Kiều Hạnh - Quản lý kinh doanh hiệu Bảo Tín Thanh Vân trên đường Quán Thánh cũng khẳng định, việc mua sắm sôi động chỉ diễn ra với mặt hàng vàng miếng, còn vàng trang sức thì không có khách mấy; đặc biệt, các loại nhẫn đều bán ra rất ít, rất chậm.
Vàng trang sức chuyển hướng!
Trong bối cảnh giá vàng biến động phức tạp và tăng cao hiện nay, với những người có nhu cầu làm đẹp, xu hướng quay về chơi trang sức vàng ta (24K) vì ưu điểm giữ được vốn, chuyển sang các loại vàng thấp tuổi như 10- 14K hoặc các loại trang sức gắn đá quý đang là lựa chọn phổ biến.
Để giảm thiểu sức tác động của giá vàng đến giá thành sản phẩm, đa phần các nhà chế tác và kinh doanh có tiếng trong nước như SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu đều liên tục cải tiến kỹ thuật, công nghệ theo hướng giảm tỷ trọng vàng, tăng lượng hợp kim khác lên mà vẫn đảm bảo về hình thức.
Theo lời một nhà kinh doanh, với cách làm này, người tiêu dùng “được lợi” ở chỗ, thay vì phải bỏ ra 10 triệu đồng, họ chỉ cần 5 triệu vẫn sở hữu được một bộ trang sức “long lanh” không kém bộ 10 triệu trước đây.
Ngoài ra, xu hướng thiết kế hàng nữ trang kết hợp đá quý cũng rất được chú trọng.
Phía PNJ cho biết, ngay từ năm 2007, hãng đã xác định hướng đi của mình là tập trung vào các sản phẩm cao cấp gắn kim cương, đá quý bởi chúng vừa giữ được giá, trao đổi thuận tiện mà giá thành của món đồ lại không phụ thuộc quá nhiều vào giá vàng nữa.
Việc đưa ra bộ sưu tập trang sức gắn đá quý cao cấp nhãn hiệu Demeter, đồng thời giới thiệu bộ sưu tập kim cương màu thời điểm đầu tháng 12 vừa qua, đại diện PNJ tiết lộ, tổng doanh thu của hãng tháng này đã đạt gần 20 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mặt hàng kim cương dời của cả chi nhánh chiếm gần 2 tỷ đồng, tăng hơn 400% so với tháng trước.
Đó chính là cơ sở để đại diện hãng đưa ra nhận định: “nhu cầu sử dụng trang sức của người dân Thủ đô hiện không căn cứ nhiều về tỷ trọng vàng nữa mà là đá quý cao cấp”. Do đó, chiến lược phát triển của công ty các năm tới vẫn đi theo các thiết kế thanh mảnh, hiện đại, thiên về sử dụng đá quý để tạo nên giá trị lâu dài cho sản phẩm.
Theo VNN
Tin liên quan:
>>Kỷ lục giá vàng: 1,72 triệu đồng/chỉ
>>"Bình quân giá vàng năm 2008 sẽ cao hơn năm 2007?