Sức tiêu thụ của nhóm hàng công nghệ như máy tính bảng, laptop bật tăng ngoạn mục.
Sức mua bật tăng
Dịch Covid-19 bùng phát khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày; nhiều cơ quan, đơn vị áp dụng chế độ làm việc trực tuyến. Nhu cầu sử dụng thiết bị công nghệ cho các chương trình học tập, làm việc trực tuyến tăng cao đã đẩy sức tiêu thụ của nhóm hàng công nghệ như máy tính bảng, laptop bật tăng ngoạn mục.
Thị trường máy tính bảng đang được thống trị bởi Apple và Huawei, trong đó, các sản phẩm Apple thuộc phân khúc giá cao. Ở mảng laptop, người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn, với đủ mọi phân khúc sản phẩm từ bình dân đến cao cấp của các thương hiệu Asus, Lenovo, HP, Masstel, Acer, Dell, Apple, MSI…
Chỉ với 5 triệu đồng, khách hàng có thể sở hữu thiết bị dòng Haier S1 HR-13M/Celeron N3350. Ở mức giá 7 - 10 triệu đồng, Asus, Acer, HP có nhiều mẫu máy đa dạng cho khách hàng lựa chọn. Cao cấp hơn là các dòng sản phẩm của Apple, Lenovo, giá từ 20 triệu đồng đến trên 45 triệu đồng.
Theo thông tin từ các nhà bán lẻ, lượng laptop có giá tầm trung (8 - 25 triệu đồng) đang bán chạy nhất trong khoảng thời gian này.
Với lợi thế sở hữu chuỗi hàng trăm cửa hàng bán lẻ, Thế giới Di động và FPT Shop là hai đơn vị đang dẫn đầu doanh số bán laptop và máy tính bảng.
Cuối năm 2019, Thế giới Di động khai trương 26 trung tâm laptop trên nhiều khu vực khắp cả nước. Đây cũng chính là các điểm trung chuyển hàng hóa giữa bán hàng trực tuyến (online) và tại chỗ (offline) cho toàn bộ chuỗi Thế giới Di động trên cả nước.Các trung tâm laptop là dạng mô hình shop-in-shop (một cửa hàng kinh doanh hầu hết các model laptop có trên thị trường bên trong các cửa hàng thegioididong.com và Điện máy Xanh).
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty CP Thế giới Di động cho biết, trung tâm laptop giúp khách hàng có cơ hội trực tiếp trải nghiệm, lựa chọn sản phẩm, được hưởng mức giá ưu đãi và chính sách bảo hành, kèm theo nhiều quyền lợi, quà tặng... Những ngày qua, trong khi nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng doanh thu của Thế giới Di động vẫn tăng đáng kể nhờ mảng laptop, với mức tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Là “ông lớn” dẫn đầu thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam (bao gồm cả sản phẩm Apple) với 14 trung tâm laptop và hơn 600 điểm bán các dòng sản phẩm công nghệ, điện thoại, phụ kiện trên cả nước, những ngày qua, FPT Retail cũng rất bận rộn khi đón tiếp lượng khách hàng lớn.
Top 10 laptop bán chạy nhất tại hệ thống FPT Shop thời gian gần đây gồm các thương hiệu: Apple, Asus, HP, Dell, Masstel...
Ông, Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail cho biết, mảng laptop của FPT Shop đang ghi nhận tăng trưởng rất tốt. Cụ thể, doanh số tháng 2/2020 tăng 79% so với tháng 1, doanh số tháng 3 tăng “khủng”, lên tới 172% so với tháng 1. Khách hàng mua laptop, máy tính bảng chủ yếu là nhân viên văn phòng để phục vụ làm việc từ xa, hạn chế sự lây lan của Covid-19. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng được các phụ huynh trang bị laptop, máy tính bảng để học trực tuyến.
Đủ nguồn cung
Nhu cầu lớn, song nguồn cung laptop, máy tính bảng vẫn đang được đáp ứng đủ do các nhà bán lẻ công nghệ đã nhập một lượng hàng lớn từ cuối năm 2019. Ngay cả khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhiều nhà máy sản xuất tại Trung Quốc chưa đi vào hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp cũng khó xảy ra tình trạng khan hàng cục bộ.
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều nhà bán lẻ đầu tư lớn cho trung tâm laptop tại các tỉnh/thành phố, nên các doanh nghiệp cũng tích trữ, bổ sung nhiều dòng sản phẩm độc quyền, sở hữu nhiều tiện ích ở mọi phân khúc tiêu dùng.
Lo ngại dịch bệnh, nhiều khách hàng hạn chế đến mua trực tiếp tại các điểm bán và lựa chọn mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử. Nhờ đó, doanh số bán online của các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ tăng mạnh.
Đại diện Thế giới Di động cho biết, doanh số bán laptop qua kênh online trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua tăng trưởng rất tốt, tăng lần lượt 79% và 153% so với tháng 1/2020.
Còn với FPT Shop, doanh thu kênh thương mại điện tử từ ngày 28/3 đến nay tăng trưởng mạnh (khoảng 40%) ở các khu vực tạm ngưng phục vụ tại cửa hàng. “Nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm mobile, máy tính bảng và laptop rất lớn để phục vụ nhu cầu học tập, làm việc và giải trí tại nhà. Khi cửa hàng đóng cửa, khách hàng có xu hướng chọn mua trên các kênh online của FPT Shop”, ông Nguyễn Việt Anh thông tin.
Mặc dù doanh số từ mảng laptop, máy tính bảng đang tăng mạnh, nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nhà bán lẻ công nghệ cũng tỏ ra rất thận trọng. Việc hàng trăm cửa hàng bán lẻ điện thoại, máy tính phải đóng cửa ít nhiều sẽ khiến các công ty bị sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí thuê mặt bằng rất lớn.
“Tính đến hết tháng 2, kết quả kinh doanh của FPT Shop vẫn diễn ra theo kế hoạch. Sang tháng 3, doanh thu giảm nhẹ và vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng tình hình sẽ khó khăn hơn trong tháng 4”, đại diện FPT Retail thừa nhận.