Sửa chữa nóng trên đường dây mang điện
Theo Cục Điều tiết điện lực (ERAV), tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tiêu thụ điện cả nước là khoảng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 9,8%, miền Nam tăng 12,9% và miền Trung tăng 8,3%.
Đáng chú ý là trong lúc nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng mạnh trở lại thì nguồn cung lại có những diễn biến chưa thuận lợi.
Cụ thể, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tuần 11 có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25 - 96% trung bình nhiều năm (TBNN). Miền Trung có tới 19/27 hồ thuỷ điện có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với TBNN (từ 17-94% TBNN), chỉ có 8/27 hồ có nước về tốt (từ 100-267% TBNN). Miền Nam ngoại trừ các hồ thuỷ điện Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn TBNN, các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với TBNN (từ 29-70% TBNN).
Sản lượng theo nước về các ngày trong tuần hiện chỉ đạt mức trung bình khoảng 68,1 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, thực tế sản lượng thủy điện khai thác trung bình trong tuần đã đạt 90,9 triệu kWh/ngày, trong đó bao gồm các nguồn thủy điện đáp ứng hạ du khoảng 49,7 triệu kWh và các nguồn thủy điện nhỏ khoảng 40 triệu kWh (bao gồm hồ dưới 02 ngày và ACT).
Việc thuỷ điện sản xuất sản lượng điện lớn hơn so với nước về hiện tại khiến lượng nước tích trong các hồ bị thấp hơn so với kế hoạch tháng.
Vì vậy để có thể tích nước được các hồ đáp ứng mực nước đề ra trong các tháng cao điểm mùa khô cận kề việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước đang ngày càng trở nên cấp bách.
Cũng để giữ nước cho các tháng cao điểm mùa khô mà các tổ máy nhiệt điện than có tình trạng khả dụng hiện cũng đều được huy động toàn bộ. Sản lượng trung bình ngày trong tuần của nhiệt điện than là khoảng 525,9 triệu kWh/sản lượng 825,1 triệu kWh bình quân hàng ngày. Để đảm bảo cho các tổ máy hoạt động, việc cấp than cũng cơ bản được đảm bảo.
Không đóng góp nhiều trong hệ thống điện tuần qua có nhiệt điện khí với sản lượng được khai thác trung bình hàng ngày là 74,9 triệu kWh. Hiện tại nguồn khí Nam Côn Sơn và Cửu Long cấp được khoảng 10 triệu m3 khí/ngày, lượng khí cho nhiệt điện khí Cà Mau khoảng 4,4 triệu m3/ngày.
Đối với nguồn năng lượng tái tạo, sản lượng đóng góp trung bình ngày ở tuần 11 là khoảng 121 triệu kWh, trong đó nguồn gió là 34,6 triệu kWh.
Việc huy động các nhà máy năng lượng tái tạo là theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống.
Cũng để tiết kiệm nước thuỷ điện, việc truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc tiếp tục giữ ở mức cao. Cụ thể, truyền tải trên cung đoạn 500 kV Nho Quan - Nghi Sơn duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 37,8- 43,8 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.505 MW.
Theo Cục Điều tiết điện lực, trước thực tế hệ thống điện vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ nếu xảy ra các diễn biến bất thường như sự cố các nhà máy điện lớn dẫn đến sụt giảm công suất khả dụng, sự cố lưới điện 500-220kV, sự cố các hệ thống cung cấp khí, gián đoạn nhiên liệu sơ cấp…, Bộ Công Thương, EVN và các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các nhà máy điện, hệ thống đường dây truyền tải, trạm biến áp.
Đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc, nhằm đảm bảo độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy với mục tiêu không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô.
Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn công tác đã làm việc với các nhà máy nhiệt điện (Na Dương, Mông Dương 1, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Hải Phòng, Phả Lại, Nghi Sơn 1, Nghi Sơn 2); các nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Sơn La; Công ty Điện lực Bắc Giang, trạm biến áp (TBA) 500kV Hiệp Hòa, TBA 500kV Nho Quan, TBA 500kV Hòa Bình.
Dẫu vậy, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), trong thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt tổng sản lượng do sự cố và suy giảm công suất tại một số nhà máy nhiệt điện than do nguyên nhân nhân sự cố thiết bị như chạm đất rotor máy phát, lủng ống lò, bám dính than bunker, sự cố hệ thống thải xỉ đáy lò v.v….
Cũng thông qua các đợt kiểm tra, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, đối với các nhà máy chiến lược đa mục tiêu khu vực phía Bắc (Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình, Nhà máy thuỷ điện Sơn La, Nhà máy thuỷ điện Lai Châu) bám sát tình hình thủy văn, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn để đề xuất và chủ động triển khai phương án vận hành phù hợp.
Đối với vấn đề điều tiết mực nước, cần tổng hợp báo cáo về tình hình thực tiễn, đảm bảo tính đa mục tiêu của các hồ thủy điện như Sơn La, Mộc Châu, Hòa Bình và nhiều hồ chứa lớn khác trong bối cảnh công tác cung ứng điện năm 2024 đối diện nhiều khó khăn.
Các nhà máy thực hiện đúng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, tập trung vào tháng 3 và tháng 4 - trước cao điểm lũ, giúp các tổ máy duy trì trạng thái sẵn sàng cao nhất để đáp ứng cho công tác cung cấp điện mùa khô.
Rà soát lại các phương án khởi động, phương án xử lý sự cố, diễn tập sự cố để cho đội ngũ trực ca, lực lượng kỹ thuật của đơn vị sẵn sàng trong mọi tình huống nhằm đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn mùa khô 2024.