Phụ tải tăng tới 1.000 MW trong 1 ngày
Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho hay, ngày 1/6/2017, công suất phụ tải toàn hệ thống đạt mức 29.306 MW, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 1/6 là hơn 606 triệu kWh.
Bước sang ngày 2/6, với nắng nóng tiếp tục gay gắt tại miền Bắc, hệ thống điện quốc gia lại chứng kiến các mốc tiêu thụ mới. Cụ thể, công suất phụ tải toàn hệ thống ngày 2/6 đạt 30.182 MW, sản lượng điện tiêu thụ đạt 629 triệu kWh. Đây là mức tiêu thụ điện cao kỷ lục từ trước đến nay của hệ thống điện toàn quốc.
Như vậy, so với ngày 31/5, công suất phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 1/6 đã tăng hơn 1.000 MW, xấp xỉ công suất thiết kế của Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương 1 (1.080 MW). Còn nếu so với thời điểm cách đây 1 tuần thì công suất của toàn hệ thống điện quốc gia đã tăng tới hơn 2.600 MW, lớn hơn cả công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW).
Mức độ tăng trưởng về tiêu thụ điện ngày nắng nóng còn tiếp tục lớn hơn khi ngày 2/6, công suất phụ tải tiếp tục tăng thêm hơn 870 MW so với ngay ngày 1/6.
Miền Bắc là tâm điểm của đợt nắng nóng này. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong đợt nắng nóng mấy ngày vừa qua, một số nơi, nhiệt độ lên tới 40 - 41 độ C. Do vậy, miền Bắc đã có những ngày tiêu thụ điện cao kỷ lục trong lịch sử.
Cụ thể, công suất phụ tải của miền Bắc ngày 1/6 đạt 13.141 MW, sản lượng điện tiêu thụ gần 275 triệu kWh. Ngày 2/6, tiêu thụ điện tại khu vực miền Bắc vẫn tiếp tục tăng cao, với công suất phụ tải đạt 13.945 MW, sản lượng điện tiêu thụ đạt 295 triệu kWh.
Như vậy, ở thời điểm ngày 1/6 so với 1 tuần trước đó, công suất phụ tải điện của miền Bắc đã tăng hơn 13% và sản lượng tiêu thụ điện tăng tới hơn 17%.
Không lơ là việc tiết kiệm điện
Tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, chủ yếu do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố trên hệ thống điện.
Trước thực tế đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khuyến cáo các cơ quan, công sở và người dân cần sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên, vừa đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện.
Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC), đơn vị phụ trách việc cung cấp điện cho 27 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra (không bao gồm Hà Nội) cũng cho biết, đợt nắng nóng trên diện rộng những ngày gần đây khiến nhiệt độ ngoài trời tăng cao, phụ tải tăng bất thường tại nhiều khu vực, dẫn đến nguy cơ quá tải đường dây, trạm biến áp trung, hạ thế, nhảy aptomat gây mất điện khách hàng.
Với tình hình như vậy, EVN NPC đã yêu cầu Điện lực các địa phương dừng thực hiện các công việc thao tác, công tác trên lưới điện gây mất điện cho khách hàng khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ; đồng thời tăng cường lực lượng ứng trực khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng. Đặc biệt, các kiến nghị phản ánh của khách hàng về chỉ số, hóa đơn phải tổ chức giải quyết trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh thuộc EVN cho hay, theo đa số cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới, hiện tượng ENSO (là thuật ngữ để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina) sẽ có xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino từ nửa cuối năm 2017. Nếu vậy, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn.
Theo nhận định này, nhiệt độ trung bình trong 3 tháng 5 - 7/2017, trên phạm vi toàn quốc cao hơn nhiều năm, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Do đó, nhu cầu tiêu thụ điện cũng sẽ tăng cao trong thời gian này (dự báo tăng 11,41% so với cùng kỳ năm 2016).
Hiện công suất lắp đặt của các nhà máy điện trong hệ thống điện Việt Nam đạt hơn 44.000 MW, so với cao điểm huy động của ngày 2/6 là 30.182 MW thì hệ thống điện vẫn còn dự phòng tốt, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc, nơi có nhiều nhà máy điện vừa được đưa vào vận hành trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, để có thêm một nhà máy điện được đưa vào vận hành như Mông Dương 1 (tỉnh Quảng Ninh) phải mất chừng 5 năm, còn như Nhà máy Thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La) thì mất không dưới 7 năm kể từ ngày có ý định. Có những nhà máy quy mô 1.200 MW do các đơn vị ngoài EVN xây dựng mất 7 - 10 năm để hoàn thiện.
Bởi vậy, việc kêu gọi tiết kiệm điện, thay đổi các thiết bị sử dụng các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng bằng các thiết bị có hiệu suất cao hơn vẫn rất cần thiết.