Nhà ở kết hợp kinh doanh phải ngăn cách hai khu vực để phòng cháy nổ
Tại Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, sáng 28/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Dự án Luật này được Chính phủ trình Quốc hội ngày 19/6, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV; sau đó được thảo luận tại Tổ ngày 19/6 và thảo luận tại Hội trường ngày 27/6/2024. Theo chương trình dự kiến, dự án Luật này sẽ được tiếp thu chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá Xv vào tháng 10/2024.
Báo cáo trước Hội nghị về một số vấn đề lớn của Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý có 61 điều, giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng.
Tại Kỳ họp trước, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn - loại hình nhà ở xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng trong thời gian qua.
Có ý kiến đề nghị quy định riêng về PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (theo hướng loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh có nguy cơ cao hơn thì tiêu chí PCCC nghiêm ngặt hơn); đồng thời bổ sung các quy định, giải pháp mang tính đột phá trong công tác phòng cháy đối với các loại hình này.
Về vấn đề này, ông Tới cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này ở Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này tại Dự thảo.
Theo đó, Điều 19 quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn, trong đó khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) thảo luận dự thảo Luật PCCC sáng 28/8 |
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) bày tỏ tán thành rất cao với quy định này vì thực tế hiện nay nhiều nhà ở cho thuê kết hợp kinh doanh không có khu vực ngăn cách nên đã để xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng do khu vực kinh doanh (thiết bị, phụ tùng, xe máy, xe điện...) phát cháy.
Tuy nhiên, đại biểu Mai lưu ý, việc áp dụng quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn như Dự thảo phải có lộ trình để đảm bảo tính khả thi, vì có trường hợp nhà quá nhỏ không thể có khu vực ngăn cách thì cần giải pháp khác phù hợp hơn.
Rà soát, thống nhất các tiêu chuẩn PCCC tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng, việc quy định các tiêu chuẩn về PCCC tại Dự thảo sẽ góp phần giảm rủi ro và thương vong khi xảy ra cháy nổ, đặc biệt đối với loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ không theo quy hoạch, không phép, sai phép không đảm bảo quy chuẩn PCCC; các chung cư xuống cấp, cơ sở dịch vụ karaoke, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà ở ngõ hẻm sâu...
Tuy nhiên đại biểu nhận định, theo thống kê, hiện các bộ ngành đã xây dựng 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về PCCC. Có tiêu chuẩn vừa ban hành đã được thay đổi bằng tiêu chuẩn mới...
"Ba năm 3 quy chuẩn tiêu chuẩn, chỉ việc đọc và hiểu các tiêu chuẩn đã rất khó khăn. Một số tiêu chuẩn thiếu thực tế, không có tính khả thi", bà Ngọc nói và đề nghị các bộ ngành cần phối hợp rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn PCCC đảm bảo thống nhất, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) |
Theo đó, bà Ngọc đề nghị cần phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ thì quy định khắt khe về PCCC; còn cơ sở sản xuất ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định về quy chuẩn dễ hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Đối với cơ sở dễ cháy nếu không có đủ điều kiện PCCC thì chuyển hình thức sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người dân trong PCCC, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay, Điều 49 của Dự thảo quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong đó Chính phủ được giao quy định danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức nộp, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, đại biểu nói rằng ông không biết danh mục cơ sở này là loại hình nào. "Tôi đề nghị nêu lên một số loại hình, cơ sở để đại biểu hình dung là danh mục nào bắt buộc phải mua bảo hiểm, tránh chuyện lạm dụng lên danh mục nhiều bắt các cơ sở phải mua bảo hiểm cháy nổ. Tại kỳ họp 8 tới Dự thảo trình Quốc hội phải có danh mục cụ thể để đại biểu có ý kiến”, ông Hòa đề nghị.
Ngoài ra, một số ý kiến ĐBQH đề nghị tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy thiết yếu đến tận cấp huyện, xã để tăng tính chủ động cho cơ sở (nhiều trường hợp xe chữa cháy từ xa không đến kịp); đồng thời bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác và CNCH; khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng mới, thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình; tăng cường biện pháp chế tài đối với các công trình vi phạm các yêu cầu an toàn về PCCC...